Mức hỗ trợ khoán bảo vệ rừng bình quân 300.000 đồng/ha/năm. Xuất nhập khẩu qua biên giới phía Bắc tăng mạnh. Cần Thơ: Trên 89% hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch. ĐBSCL: Người nuôi bò lỗ gần 2 triệu đồng/con
MỨC HỖ TRỢ KHOÁN BẢO VỆ RỪNG BÌNH QUÂN 300.000 ĐỒNG/HA/NĂM
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 21 quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện bảo vệ rừng Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025. Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 1/6/2023.
Theo đó, mức hỗ trợ khoán bảo vệ rừng bình quân 300.000 đồng/ha/năm. Đối với khoán bảo vệ rừng ven biển, mức hỗ trợ tối đa bằng 1,5 lần mức hỗ trợ bình quân. Kinh phí lập hồ sơ khoán bảo vệ rừng 50.000 đồng/ha/5 năm. Việc hỗ trợ kinh phí lập hồ sơ khoán bảo vệ rừng chỉ thực hiện 1 lần trước khi tiến hành khoán bảo vệ rừng.
Mức hỗ trợ bảo vệ rừng sản xuất là rừng tự nhiên trong thời gian đóng cửa rừng cụ thể là: công ty lâm nghiệp: 300.000 đồng/ha/năm; ban quản lý rừng, UBND cấp xã: 100.000 đồng/ha/năm; hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, tổ chức được Nhà nước giao rừng sản xuất là rừng tự nhiên: 300.000 đồng/ha/năm.
Ngoài ra, thực hiện hỗ trợ 40 triệu đồng/thôn, bản/năm cho cộng đồng dân cư vùng đệm của các khu rừng đặc dụng. Bên cạnh đó, Thông tư cũng nêu cụ thể một số mức chi hoạt động đặc thù.
XUẤT NHẬP KHẨU QUA BIÊN GIỚI PHÍA BẮC TĂNG MẠNH
Sau 3 năm ngưng trệ, các cửa khẩu biên giới phía Bắc đã được khôi phục hoạt động, xuất nhập khẩu qua biên giới phía Bắc tăng mạnh. Điều này giúp kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc quý I/2023 qua các tỉnh biên giới phía Bắc đạt gần 9,3 tỷ USD, tăng gần gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước. Trong quý I, trị giá hàng xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu tỉnh Cao Bằng tăng 54% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều doanh nghiệp cũng quay trở lại làm thủ tục xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu tại Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai.
Bên cạnh đó, nhiều tỉnh biên giới phía Bắc đã thống nhất với địa phương nước bạn để tăng thời gian làm việc trong ngày. Ví dụ như tại Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn, thời gian làm việc được thực hiện từ 7h sáng đến 22h đêm, trung bình mỗi ngày thông quan được khoảng 1.000 xe.
CẦN THƠ: TRÊN 89% HỘ DÂN NÔNG THÔN ĐƯỢC SỬ DỤNG NƯỚC SẠCH
Từ năm 1998, Thủ tướng Chính phủ đã phát động Tuần lễ Quốc gia Nước sạch và vệ sinh môi trường hàng năm (từ ngày 29/4 đến ngày 6/5) nhằm góp phần làm thay đổi chất lượng và điều kiện sống của người dân nông thôn, đã được các ban ngành, trung ương, địa phương và nhân dân cả nước hưởng ứng tích cực, năm nay TP. Cần Thơ là địa phương hưởng ứng tích cực và đạt nhiều kết quả đáng khích lệ về cấp nước sạch và vệ sinh.
Trong năm 2022 TP. Cần Thơ có thêm 3640 hộ dân được cấp nước sạch, nâng tỉ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch trên địa bàn thành phố đạt 89,5%, tương đương với gần 148.500 hộ dân được sử dụng nước sạch, năm 2023 TP.Cần Thơ phấn đấu hộ dân được cung cấp nước sạch đạt khoảng 91%.
ĐBSCL: NGƯỜI NUÔI BÒ LỖ GẦN 2 TRIỆU ĐỒNG/CON
Theo ghi nhận của phóng viện báo NNVN, tại Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Trà Vinh giá bò hơi dao động từ 70 – 80 nghìn đồng/kg, so với đầu năm có thời điểm giá bò hơi trên 100 nghìn đồng/kg.
Theo đa số nông dân cho biết, bình quân 1 con bò con nuôi từ 14 - 15 tháng có thể xuất bán, với giá hiện nay người nuôi lỗ công chăm sóc và chi phí thức ăn gần 2 triệu đồng mỗi con.
Còn theo thương lái nguyên nhân giá bò hơi giảm mạnh do một số nước như Thái Lan, Campuchia đang nhập mạnh lượng bò tăng trọng từ các nước khác thay thế bò Việt Nam, gây ra tình trạng ùn ứ, giảm giá. Riêng tại tỉnh Trà Vinh còn khoảng 253.950 con bò, đa số nông dân hy vọng trong dịp Lễ 30/4 giá bò hơi tăng trở lại để xuất bán.