Na Chi Lăng đã trở thành sản phẩm nông sản đặc trưng đại diện cho xứ Lạng, góp công lớn trong cải thiện thu nhập của bà con nông dân nơi đây với doanh thu lên tới cả nghìn tỷ đồng mỗi năm.
Trên những dốc núi gần như dựng đứng tại khu Lũng Cút, thị trấn Đồng Mỏ, thị trấn Chi Lăng, Lạng Sơn, hàng chục vườn na sai trĩu quả đang trong mùa thu hoạch rộ. Và ở đó, từng chuyến na vẫn liên tục bay lên, bay xuống qua hệ thống cáp treo. Mang trong đó cả sự tự hào và niềm tin đối với loại cây trồng đã gắn bó bao đời với người dân nơi đây.
Với hơn 20 năm kinh nghiệm gắn bó với cây na, ông Lê Hải Dũng cho biết, gần chục năm nay, bà con đã chuyển hẳn sang trồng theo hướng VietGap, sử dụng phân chuồng là chủ yếu. Nhờ vậy mà chất lượng na Chi Lăng ngày càng được cải thiện, quả nào, quả nấy đều to tròn, chắc nịch, có quả phải nặng đến nửa kg, vị ngọt thanh.
Những năm trước đây, na chín tập trung trong vòng 1 tháng, tạo áp lực tiêu thụ rất lớn với địa phương và bà con. Trước thách thức đó, Phòng NN-PTNT huyện Chi Lăng đã phối hợp với Sở KH-CN tỉnh Lạng Sơn triển khai việc nghiên cứu canh tác rải vụ na và sử dụng chế phẩm để kéo dài thời gian chín. Đến thời điểm này, huyện Chi Lăng có khoảng 2.300 ha trồng na, sản lượng hàng năm ước đạt 20.000 tấn. Tính riêng năm 2021, cây na đã mang về cho bà con trên 800 tỷ đồng.
Hiện, tỉnh Lạng Sơn đã hình thành vùng sản xuất na tập trung tại các huyện: Chi Lăng, Hữu Lũng với diện tích trên 4.000 ha, trong đó hơn 1000 ha Na được chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Năm 2022, sản lượng na ước đạt khoảng 33.000 tấn, giá trị ước tính khoảng 1.300 tỷ đồng.
Có thể nói, giá trị quả na mang lại cho người nông dân là không thể phủ nhận. Bởi lẽ đó mà trong nhiều năm qua, tỉnh Lạng Sơn đã rất quan tâm tới việc tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại để nâng tầm giá trị của na Chi Lăng. Từ đó giúp khách hàng biết đến nhiều hơn tới thương hiệu này và giúp bà con nông dân nhận thức được vai trò, trách nhiệm trong việc tổ chức sản xuất để quả na đảm bảo chất lượng, giữ được thương hiệu và nâng cao giá trị kinh tế.