Chị Trần Thị Luôn là người đầu tiên đặt nền móng cho nghề nuôi trồng đông trùng hạ thảo và mở ra hướng đi mới ở huyện vùng biển Gò Công Tây.
Người đặt nền móng cho nghề nuôi trồng đông trùng hạ thảo vùng biển
Nhận thấy vùng biển Gò Công Tây tuy khí hậu khắc nghiệt nhưng có nguồn gạo lứt và nước dừa dồi dào, chất lượng cao là nguyên liệu để làm phôi nấm. Năm 2018, Chị Trần Thị Luôn đã đầu tư hàng tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng nuôi cấy nấm đông trùng hạ thảo.
Nấm Đông trùng hạ thảo được Chị Luôn nuôi cấy theo phương pháp nhân tạo 1 cách khoa học, với công nghệ cao, hiện đại. Phân thành các phòng, khu riêng biệt, như nhà nguyên liệu tạo giống, khu nuôi trồng và khu thành phẩm. Quy trình nuôi khép kín theo 2 giai đoạn chính là cấy bào tử nấm Cordyceps militaris và nuôi trồng nấm.
Để đảm bảo sự sinh trưởng của nấm đông trùng hạ thảo, Chị còn lắp đặt hệ thống chiếu sáng bằng đèn led, hệ thống xông hơi để tạo độ ẩm… với công nghệ hiện đại và nguồn nhân lực chất lượng cao nên tỉ lệ thành công mỗi lứa nấm đông trùng hạ thảo của cơ sở lên đến 90%...
Chị Trần Thị Luôn Giám đốc công ty Thiên Ân
Nấm đông trùng hạ thảo sau khi thu hoạch được chị Luôn phát triển 18 dòng sản phẩm được chế biến. Trong đó, 11 sản phẩm được công nhận OCOP 4 sao không chỉ đem lại doanh thu hàng tỷ đồng còn giúp bà con trong vùng giải bài toán tiêu thụ nông sản và công lao động.
Hiện tỉnh Tiền Giang đã công nhận 119 sản phẩm OCOP, trong đó có 75 sản phẩm 4 sao và 44 sản phẩm 3 sao.Nhìn chung, sản phẩm sau khi được đánh giá, các chủ thể đưa vào sản xuất phát triển mạnh trên thị trường, nhiều sản phẩm được đưa vào siêu thị, các cửa hàng tiện ích, các giỏ quà tặng; các doanh nghiệp, cơ sở là chủ thể sản phẩm OCOP cũng từng bước mở rộng sản xuất, phát triển đa dạng sản phẩm, mở ra hướng đi mới phát triển nông nghiệp tại địa phương.