Nâng cao nhận thức về sử dụng nước hợp lý. Xuất khẩu cá ngừ sang Nhật Bản tăng trưởng tốt. Lãi lớn nhờ trồng cam VietGAP. Thanh Hoá: Thêm nhiều thôn, bản Nông thôn mới.
Tin 1
NÂNG CAO NHẬN THỨC VỀ SỬ DỤNG NƯỚC HỢP LÝ
Hồ Thảo sản xuất
Ngày 29/11, Báo Nông nghiệp Việt Nam phối hợp với Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam tổ chức Diễn đàn “Đẩy mạnh truyền thông sử dụng nước hợp lý, hiệu quả, đảm bảo an ninh nguồn nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long” tại Cần Thơ.
Phát biểu tại sự kiện, ông Vũ Minh Việt, Phó Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam, cho biết ĐBSCL đang đối mặt nhiều thách thức như giảm lượng nước và phù sa từ thượng nguồn, xâm nhập mặn, sạt lở và chất lượng nước suy giảm. Những vấn đề này gây khó khăn trong cấp nước sinh hoạt, sản xuất và sinh kế bền vững của người dân.
Theo Kết luận số 36 của Bộ Chính trị, nâng cao nhận thức về an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa là nhiệm vụ ưu tiên. Bên c đó, cần đảm bảo mọi người dân tiếp cận, sử dụng nước công bằng, hợp lý; chủ động tích trữ, điều hòa nguồn nước; thích ứng với biến đổi khí hậu và dựa trên quan điểm “sống chung với lũ”, “sống chung với mặn và lợ” “chống ngập lụt ở các đô thị”.
Tin 2
XUẤT KHẨU CÁ NGỪ SANG NHẬT BẢN TĂNG TRƯỞNG TỐT
Quỳnh Anh khai thác
Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Nhật Bản trong 2 tháng qua tăng trưởng liên tiếp và ở mức cao. Riêng trong tháng 10, xuất khẩu cá ngừ sang thị trường Nhật Bản đã tăng 31% so với cùng kỳ, đạt gần 3,5 triệu USD. Con số này góp phần bù đắp lại lượng sụt giảm xuất khẩu sang Nhật Bản trong nửa đầu năm, nâng tổng giá trị xuất khẩu trong 10 tháng năm 2024 lên gần 28 triệu USD, tăng 5% so với cùng kỳ.
Trong số các nhóm sản phẩm cá ngừ xuất khẩu sang Nhật Bản, các sản phẩm cá ngừ chế biến như thịt cá ngừ hun khói, cá ngừ cắt miếng tẩm… đang là nhóm sản phẩm xuất khẩu chủ lực sang thị trường này. Và cũng là nhóm sản phẩm duy nhất tăng so với cùng kỳ trong 10 tháng đầu năm nay.
Tin 3
LÃI LỚN NHỜ TRỒNG CAM VIETGAP
Tâm Phùng- Tâm Đức sản xuất
Những năm gần đây, gia đình ông Bế Văn Mai (ở thị trấn nông trường Việt Trung, Bố Trạch, Quảng Bình), đã trồng và phát triển vườn cam theo tiêu chuẩn VietGAP, với diện tích gần 7ha. Ngoài giống cam Cao Phong, ông Mai còn đưa giống cam chất lượng cao Chanh giòn vào trồng để tăng hiệu quả trên đơn vị diện tích.
Vụ cam năm nay, trung bình mỗi ha cho sản lượng khoảng 20 tấn, giá bán buôn cho thương lái là 20 ngàn đồng mỗi kg. Riêng cam Chanh giòn bán với giá 35 ngàn đồng mỗi kg. Sau khi trừ đi các chi phí, vụ cam đã cho gia đình ông Bế Văn Mai thu nhập gần 2 tỷ đồng.
Hiện, gia đình ông Mai đã trồng tăng thêm giống cam Chanh giòn trên diện tích khoảng 1,5ha và sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trong những năm tới.
Tin 4
THANH HOÁ: THÊM NHIỀU THÔN, BẢN NÔNG THÔN MỚI
Quốc Toản
Theo báo cáo của Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa, trong 10 tháng năm 2024, toàn tỉnh đã huy động được hơn 6.000 tỷ đồng đầu tư cho chương trình xây dựng nông thôn mới. Tổng kế hoạch vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương năm 2024 (gồm cả vốn năm 2023 kéo dài) cho tỉnh là hơn 575 tỷ đồng, đến nay tiến độ giải ngân đạt 85,87%. Bên cạnh đó, năm 2024, ngân sách tỉnh đã bố trí hơn 182 tỷ đồng cho chương trình, tiến độ giải ngân đạt 40,48%.
Tính đến ngày 25/11, toàn tỉnh có thêm 1 huyện, 9 xã và 36 thôn bản đạt chuẩn nông thôn mới; 2 huyện và 26 xã đạt nông thôn mới nâng cao; 11 xã và 80 thôn, bản đạt nông thôn mới kiểu mẫu; 100 sản phẩm OCOP được công nhận.