Tổng đàn vật nuôi của nước ta tăng trưởng tốt. Áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp để ứng phó với sạt lở. Vì đâu Việt Nam vẫn phải nhập khẩu tiêu? Quảng Bình: Thiếu cảng cá, chi phí mỗi chuyến biển tăng cao.
TỔNG ĐÀN VẬT NUÔI CỦA NƯỚC TA TĂNG TRƯỞNG TỐT
Phương Chi thực hiện
Sáng nay, 29/11, tại hội nghị phổ biến quy định, cơ chế chính sách, sản xuất, đầu tư, thương mại sản phẩm chăn nuôi phục vụ chiến lược phát triển chăn nuôi bền vững được tổ chức tại tỉnh Lâm Đồng. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, sau hơn 4 năm thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045, ngành chăn nuôi đã và đang duy trì đà tăng trưởng ổn định.
Năm 2023, ngành chăn nuôi duy trì tăng trưởng 5,7%; đạt doanh thu trên 33 tỷ USD toàn ngành, đóng góp 26% vào GDP nông nghiệp và trên 5% GDP của nước ta.
Trong 10 tháng năm 2024, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, thắt chặt nhập khẩu, tăng cường phòng chống nhập lậu, thúc đẩy xuất khẩu, giá sản phẩm chăn nuôi duy trì ở mức cao hơn giá thành sản xuất, thu hút tái đàn nên tổng đàn lợn và đàn gia cầm của nước ta duy trì đà tăng trưởng so với cùng kỳ 2023 (trong đó, đàn lợn tăng 2,4%, đàn gia cầm tăng 2,6%).
tin 2
ÁP DỤNG ĐỒNG BỘ NHIỀU GIẢI PHÁP ĐỂ ỨNG PHÓ VỚI SẠT LỞ
Hồ Thảo sản xuất
Cũng trong sáng nay, tại TP Cần Thơ, Báo Nông nghiệp Việt Nam phối hợp với Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam tổ chức Diễn đàn “Nâng cao năng lực cộng đồng trong phòng, chống thiên tai vùng Đồng bằng sông Cửu Long” . Đại diện Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam cho biết, toàn vùng ĐBSCL có 743 điểm sạt lở, trong đó 686 điểm trên bờ sông và 57 điểm trên bờ biển. Cà Mau là tỉnh có tổng số điểm sạt lở nhiều nhất 138 điểm với chiều dài 204km, cần thơ ít nhất 28 điểm với tổng chiều dài 5,9km.
Để bảo vệ bờ sông, bờ biển hiệu quả, các chuyên gia đề xuất kết hợp nhiều giải pháp, bao gồm: Giải pháp công trình cứng: xây kè chắn sóng, tường bảo vệ. Giải pháp mềm: trồng rừng ngập mặn, phục hồi hệ sinh thái ven sông, ven biển. Giải pháp quản lý: quy hoạch lại các khu dân cư gần khu vực sạt lở, cân nhắc giữa chi phí di dời và xây dựng công trình bảo vệ.
Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam cho biết: Dù là nước xuất khẩu hàng đầu thế giới, song Việt Nam cũng nhập khẩu một lượng hồ tiêu không nhỏ.
Theo thống kê, 10 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 28.596 tấn hồ tiêu các loại; trong đó, tiêu đen 25.456 tấn, tiêu trắng 3.140 tấn, tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 131,3 triệu USD. Nửa đầu tháng 11/2024, Việt Nam tiếp tục nhập khẩu 2.484 tấn hồ tiêu, kim ngạch đạt 14,3 triệu USD. Như vậy, đến giữa tháng 11/2024, Việt Nam chi 145,6 triệu USD để nhập khẩu hồ tiêu.
Nguyên nhân là do trong hơn 10 năm trở lại đây, Việt Nam đã trở thành trung tâm sản xuất hồ tiêu của thế giới với các nhà máy hiện đại bậc nhất. Hàng năm, một lượng tiêu từ Brazil, Campuchia, Indonesia… được đưa về Việt Nam để chế biến và tái xuất khẩu. Ngoài ra, Việt Nam cũng nhập khẩu tiêu để sản xuất các đơn hàng xuất khẩu trong những giai đoạn giáp hạt khi mà nguồn cung trong nước ở mức thấp.
Bảng:
NHẬP KHẨU HỒ TIÊU 10 THÁNG NĂM 2024
Sản lượng: 28.596 tấn
Kim ngạch: 131,3 triệu USD
NHẬP KHẨU HỒ TIÊU NỬA ĐẦU THÁNG 11/2024
Sản lượng: 2.484 tấn
Kim ngạch: 14,3 triệu USD
Tin 4
QUẢNG BÌNH: THIẾU CẢNG CÁ, CHI PHÍ MỖI CHUYẾN BIỂN TĂNG CAO
Tâm Phùng - Tâm Đức
Tỉnh Quảng Bình có 2 cảng cá loại 2 là cảng cá Sông Gianh và cảng cá Nhật Lệ phục vụ cho gần 1.170 tàu cá dài trên 15m vào bốc dỡ hàng hóa. Tuy nhiên, từ đầu năm 2022, cảng cá Sông Gianh đã đóng cửa để cải tạo, nâng cấp thành cảng cá loại 1. Do vậy, cảng cá Nhật Lệ đã phải hoạt động suốt ngày đêm để tiếp nhận, làm thủ tục cho tàu cá vào bốc dỡ hàng hóa và xuất bến.
Do cảng cá Sông Gianh thi công kéo dài nên ngư dân Quảng Bình thiếu cảng cá để cập tàu. Trung bình mỗi chuyến khơi, nhiều tàu cá ngư dân phải tăng chi phí lên hơn 10 triệu đồng để tìm bến. Nhiều tàu cá khác đã cập bến bốc dỡ hàng hóa ở nơi trái quy định, làm cho việc quản lý tàu cá, lượng hàng hóa qua cảng của cơ quân chức năng cũng gặp nhiều khó khăn.