Ngành chăn nuôi ngày càng khẳng định vai trò quan trọng. Hà Tĩnh cung ứng hơn 70.000 liều vacxin để tiêm cho đàn vật nuôi. Thừa Thiên - Huế có hơn 4.600 máy làm đất, thu hoạch lúa. Hậu Giang phục hồi vùng sản xuất cây sương sáo xuất khẩu.
Ngành chăn nuôi ngày càng khẳng định vai trò quan trọng
Phát biểu tại hội Nghị Sơ kết công tác chỉ đạo, điều hành lĩnh vực chăn nuôi 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023, sáng 6/7, Thứ trưởng bộ Nn-PTNT Phùng Đức Tiến chúc mừng những cố gắng ngành chăn nuôi đã đạt được nửa đâu năm qua trong tình hình giá thức ăn chăn nuôi tăng cao , dịch bệnh diễn biến phức tạp và giá thành phẩm bấp bênh. 6 tháng đầu năm, chăn nuôi đóng góp 26,7% trong tỷ trọng toàn ngành nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa, bảo đảm an ninh thực phẩm, một phần cho xuất khẩu và từng bước khẳng định vai trò quan trọng ngành nông nghiệp và có ảnh hưởng nhất định trong nền kinh tế. Cục Chăn nuôi cùng các địa phương đã và đang đẩy mạnh triển khai các giải pháp, mô hình nhằm giảm chi phí chăn nuôi, các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học và gỡ khó trong bối cảnh giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Hà Tĩnh cung ứng hơn 70.000 liều vacxin để tiêm cho đàn vật nuôi
Thanh Nga sản xuất
Để hoàn thành kế hoạch tiêm phòng đợt 1 năm 2023 cho đàn vật nuôi, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có văn bản yêu cầu các địa phương tiếp tục rà soát, tiêm phòng bổ sung các loại vắc xin cho đàn vật nuôi chưa được tiêm phòng.
Trong đó, tập trung tiêm phòng các mũi vắc xin lở mồm long móng, tụ huyết trùng trên đàn trâu, bò. Hiện Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh Hà Tĩnh đã cung ứng hơn 40.000 liều vắc xin lở mồm long móng và 30.000 liều vắc xin tụ huyết trùng cho các địa phương để triển khai tiêm phòng bổ sung.
Đồng thời, tổ chức lực lượng xuống cơ sở cầm tay chỉ việc, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ tiêm nhằm nâng cao hiệu lực phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm.
Thừa Thiên Huế có hơn 4.600 máy làm đất, thu hoạch lúa
Công Điền sx
Theo số liệu thống kê của Sở NN-PTNT Thừa Thiên – Huế, đến nay toàn tỉnh có hơn 3.500 máy làm đất, 1.145 máy thu hoạch, 31 máy cuộn rơm. Đặc biệt, từ niên vụ 2022 - 2023, lần đầu tiên địa phương đã ứng dụng máy sạ lúa theo cụm trong khâu gieo trồng, qua đó đã giúp nông dân đẩy nhanh tiến độ xuống giống tập trung, giảm số lượng cây giống, phân bón và số lần phun thuốc bảo vệ thực vật.
Việc đẩy mạnh áp dụng máy móc vào phục vụ sản xuất nông nghiệp, giúp rút ngắn thời vụ, giảm chi phí sản xuất, góp phần giảm sức lao động, tiết giảm chi phí đầu tư, nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản, tăng hiệu quả kinh tế.
Hậu Giang phục hồi vùng sản xuất cây sương sáo xuất khẩu
Văn Vũ sx
Cây sương sáo từng được xem là loại cây trồng triển vọng ở huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang. Tuy nhiên do sản xuất nhỏ lẻ, giá cả không ổn định nên diện tích trồng ngày càng thu hẹp. Hiện nay Phòng Nông nghiệp huyện Phụng Hiệp đã triển khai nhiều giải pháp để phát triển loại cây này.
Theo thống kê năm 2023, toàn huyện Phụng Hiệp có diện tích sương sáo hơn 57ha, với 71 hộ trồng. Bước đầu đã xây dựng được 2 mã số vùng trồng cho 26ha với 23 hộ, sản lượng ước hơn 520 tấn/năm, tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu.
Ông Trần Văn Tuấn, trưởng phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp cho biết, huyện đang quy hoạch phát triển theo vùng thích hợp để người dân mạnh dạn chuyển đổi.