Ngành lâm nghiệp xuất siêu gần 11 tỷ USD. Cả nước chỉ có 200 hợp tác xã lâm nghiệp. Đồng Tháp có 7.500 người tham gia hội quán. Nông nghiệp xứ Thanh tăng trưởng ấn tượng.
Ngành lâm nghiệp xuất siêu gần 11 tỷ USD
Minh Phúc khai thác
Theo đánh giá của Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT), đến thời điểm này, nhiều chỉ tiêu của ngành lâm nghiệp đã cơ bản đạt mục tiêu đề ra.
Về thu dịch vụ môi trường rừng, cập nhật đến ngày 24/11/2023 cả nước đã thu được 3.078 tỷ đồng, đạt 93,5% kế hoạch thu năm 2023 và bằng khoảng 87% so với cùng kỳ năm 2022. Giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản 11 tháng đầu năm ước đạt 12,97 tỷ USD, giảm 17,3 % so với cùng kỳ năm 2022, đạt 76,2% so với kế hoạch. Xuất siêu ước đạt khoảng 10,98 tỷ USD.
Tổng diện tích rừng của ngành lâm nghiệp được cấp chứng chỉ trong 11 tháng khoảng 50.000 ha. Lũy kế đến thời điểm hiện tại, tổng diện tích rừng được cấp chứng chỉ đạt 455.205 ha (đạt khoảng 91% so với chỉ tiêu giai đoạn 2021-2025).
Cả nước chỉ có 200 hợp tác xã lâm nghiệp
Minh Phúc khai thác
TS Nguyễn Tiến Định, Trưởng phòng kinh tế, Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), cho biết trên cả nước có gần 31.000 HTX nhưng hiện mới có khoảng 200 HTX, 2 Liên hiệp HTX và 320 THT lâm nghiệp là còn rất khiêm tốn.
Điều này là do tài sản trong các HTX lâm nghiệp hiện nay còn thấp (100 triệu đồng đến 40 tỷ đồng). Các loại tài sản được coi là có giá trị của HTX chủ yếu là trụ sở, công trình hạ tầng, đường lâm nghiệp nhưng thực chất giá trị không cao. Trong đó, nhiều diện tích đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng. Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ còn bất cập, địa phương chậm hướng dẫn người dân, HTX nên không khuyến khích được các chủ rừng, HTX, doanh nghiệp tổ chức sản xuất theo chuỗi.
Đồng Tháp có 7.500 người tham gia hội quán
Minh Phúc khai thác
Từ mô hình “Canh Tân Hội quán” đầu tiên ở xã An Nhơn (huyện Châu Thành) được thành lập vào năm 2016, với 105 hội viên. Đến nay, sau 7 năm hình thành và phát triển, Đồng Tháp hiện có 145 Hội quán, với hơn 7.500 thành viên. Đặc biệt, từ nền tảng Hội quán đã thành lập mới 38 hợp tác xã, mở ra hướng đi mới theo mô hình hợp tác xã.
Đánh giá về mô hình Hội quán, nhiều chuyên gia cho rằng, Hội quán ở Đồng Tháp dần khắc phục được những điểm nghẽn trong tư duy của người dân. Đây là tiền đề quan trọng cho việc triển khai những mô hình nông nghiệp mang tính ổn định, hiệu quả hơn trong tương lai. Tuy nhiên, để làm được điều này, Hội quán cần phải có kế hoạch và chiến lược với bước đi cụ thể cho từng giai đoạn chuyển đổi.
Nông nghiệp xứ Thanh tăng trưởng ấn tượng
Minh Phúc khai thác
Mặc dù năm 2023, thị trường có nhiều biến động do các yếu tố khách quan, nhưng ngành nông nghiệp Thanh Hóa vẫn có mức tăng trưởng ấn tượng, toàn diện nhất từ trước đến nay, đạt 4,16%.
Đây là kết quả của sự chuyển biến mạnh mẽ từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, tạo ra giá trị gia tăng trên một đơn vị diện tích. Các sản phẩm nông sản Thanh Hóa ngày càng khẳng định được giá trị, tham gia sâu vào thị trường trong nước và quốc tế. Các dự án nông nghiệp công nghệ cao bắt đầu phát huy hiệu quả, mang lại giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp.