| Hotline: 0983.970.780

Nuôi thủy sản dưới rừng ngập mặn bền vững

Thứ Hai 01/07/2024 , 06:24 (GMT+7)

Cà Mau Nuôi thủy sản dưới tán rừng ở Cà Mau đã giúp nhiều hộ dân có thu nhập ổn định, ngoài ra còn góp phần làm tăng độ che phủ rừng, chống sạt lở...

Nuôi thủy sản dưới tán rừng ở Cà Mau giúp nhiều hộ dân có thu nhập ổn định. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Nuôi thủy sản dưới tán rừng ở Cà Mau giúp nhiều hộ dân có thu nhập ổn định. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Sản xuất đa canh dưới tán rừng

Trên vùng đất cực Nam của Tổ quốc, mũi Cà Mau như một con thuyền vươn ra biển Đông. Với dãy rừng ngập mặn rộng lớn kéo dài trên 254 km từ biển Đông sang biển Tây. Đây là vùng đất ngập nước có hệ sinh thái rừng ngập mặn rất đa dạng và phong phú.

Rừng ngập mặn Cà Mau nằm trên địa bàn các huyện Đầm Dơi, Năm Căn, Ngọc Hiển, Phú Tân, U Minh và Trần Văn Thời, nhưng tập trung nhiều nhất là ở 2 huyện Năm Căn và Ngọc Hiển. Đây không chỉ là cứ địa của những cây đước, mắm, sú, vẹt, mà còn là "chiếc nôi" sinh sản và nơi trú ngụ cho biết bao loài thủy, hải sản có giá trị kinh tế cao.

Với nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào, rừng ngập mặn Cà Mau là nơi sinh sống của hàng trăm ngàn hộ dân địa phương và dân nghèo tứ xứ về đây lập nghiệp. Từ lâu, với quan niệm “chim trời cá nước”, những người nơi đây chỉ dựa hẳn vào rừng, coi việc khai thác tài nguyên rừng là sinh kế. Họ cùng chia nhau tận hưởng sự ban tặng của thiên nhiên, mà chưa thật sự quan tâm đến việc trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng, nên nguồn tài nguyên quý giá này đã nhanh chóng bị cạn kiệt do ảnh hưởng biến đổi khí hậu. Trước đây, diện tích rừng ngập mặn Cà Mau có trên 350.000 ha, thì đến nay chỉ còn chưa đầy 50.000 ha. Diện tích rừng ngày càng thu hẹp, nguồn lợi thiên nhiên không còn dồi dào như trước nên cuộc sống của người dân cũng khó khăn hơn.

Người dân sản xuất đa canh dưới tán rừng để tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình.  Ảnh: Lê Hoàng Vũ.       

Người dân sản xuất đa canh dưới tán rừng để tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình.  Ảnh: Lê Hoàng Vũ.       

Những năm gần đây, tỉnh Cà Mau đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm khôi phục lại rừng và giúp người dân sản xuất đa canh dưới tán rừng để tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình. Đây được xem là một trong những mô hình sản xuất bền vững mang lại hiệu quả thiết thực nhờ sản xuất và nuôi trồng thủy sản dưới tán rừng.

Ông Nguyễn Duy Thái (Hai Thái) ở xã Long Hải, huyện Năm Căn, người có nhiều năm sống bằng nghề nuôi trồng thủy sản dưới tán rừng ngập mặn cho biết: Gia đình thực hiện mô hình nuôi thủy sản dưới tán rừng từ nhiều năm qua. Thời gian đầu, gia đình ông nuôi tôm trên diện tích 6ha được  nhà nước giao khoán. Trong 2 năm gân đây, ông tiến hành cải tạo và thả nuôi kết hợp nhiều loại thủy sản trên cùng diện tích gồm nuôi tôm quảng canh cải tiến, nuôi cua và sò huyết, trong đó có phân khu vực nuôi sò huyết giống. Việc đa dạng đối tượng nuôi trên cùng diện tích đã giúp gia đình ông Hai Thái có thu nhập ổn định với hơn 300 triệu đồng mỗi năm.

“Mặc dù, mô hình nuôi thủy sản dưới tán rừng lợi nhuận không cao như nuôi tôm công nghiệp nhưng điều làm mọi người hài lòng nhất là chi phí đầu tư thấp, nhẹ công chăm sóc, lại thích ứng tốt với thời tiết thất thường hiện nay. Và đặc biệt ở chỗ là cho ra sản phẩm thủy, hải sản an toàn chất lượng nên giá bán luôn ở mức cao hơn so với nuôi thủy sản công nghiệp” ông Hai Thái chia sẻ.

Không riêng gì gia đình ông Hai Thái, phần lớn người dân sống ở rừng ngập mặn thuộc 2 huyện Năm Căn và Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau đã có cuộc sống khá sung túc nhờ sản xuất theo mô hình trồng rừng kết hợp với nuôi thủy sản quảng canh dưới tán rừng.

Nhờ thực hiện mô hình trồng rừng và nuôi tôm sú kết hợp với thả cua, sò huyết dưới tán rừng, mà cuộc sống gia đình ông Phạm Văn Nguyện đã từng bước ổn định và vươn lên khá giả. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.   

Nhờ thực hiện mô hình trồng rừng và nuôi tôm sú kết hợp với thả cua, sò huyết dưới tán rừng, mà cuộc sống gia đình ông Phạm Văn Nguyện đã từng bước ổn định và vươn lên khá giả. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.   

Gần 20 năm trước, do ít đất sản xuất, hộ gia đình ông Phạm Văn Nguyện ở huyện Cái Nước đã đưa “bầu đàn thê tử” về ấp Đất Biển, xã Viên An Đông, huyện Ngọc Hiển lập nghiệp. Cũng như nhiều bà con khác, gia đình ông sinh sống chủ yếu nhờ vào khai thác cây rừng và thu bắt các loại thủy, hải sản tự nhiên dưới tán rừng ngập mặn. Khi cây rừng ngày một mất dần do sạt lở và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và từ đó nguồn lợi thủy sản tự nhiên đã bị cạn kiệt thì cuộc sống gia đình ông cũng gặp nhiều khó khăn.

Theo nhiều người dân sống ở vùng rừng ngập mặn, quanh năm thì việc lợi ích kép của của mô hình sản xuất dưới tán rừng đã giúp cho cuộc sống của người dân không những được cải thiện rõ nét, mà bà con ngày càng ý thức hơn trong việc trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng. Nhận rõ điều này, thời gian qua, tỉnh Cà Mau đã và đang nhân rộng mô hình sản xuất dưới tán rừng, xem đây là định hướng phát triển bền vững.

Rừng và cá, tôm, cua phải nương tựa vào nhau

Theo đánh giá của ngành chức năng, mô hình nuôi thủy sản dưới tán rừng theo hình thức quảng canh có nhiều ưu điểm hơn nuôi thâm canh hoặc bán thâm canh. Nếu bố trí 50% đất rừng, 50% đất nuôi thủy sản, mỗi năm có thể thu lợi nhuận trên 100 triệu đồng/ha.

Nếu trước kia, hầu hết người dân đều nghĩ rằng phải phá rừng để lấy đất nuôi tôm, thì giờ đây “nếp nghĩ, nếp làm” cũng đã thay đổi. Ai cũng hiểu rằng, độ che phủ phù hợp của cây rừng sẽ là môi trường tốt nhất để các loại thủy sản sinh sống và phát triển. Dưới tán rừng không chỉ là nguồn thức ăn tự nhiên rất phong phú, mà còn là nơi cư trú, ẩn náu an toàn cho vật nuôi, nhằm tránh các loại địch hại tấn công.

Nhằm khai thác tiềm năng và lợi thế của địa phương để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm thủy sản, trong những năm qua, Cà Mau đã nhận được sự hỗ trợ từ nhiều dự án của các tổ chức quốc tế để khôi phục rừng ngập mặn và giúp người dân phát triển nuôi trồng thủy sản dưới tán rừng. Từ năm 2013, Dự án Nuôi tôm sinh thái có chứng nhận quốc tế, do Tổ chức Phát triển Hà Lan thực hiện đã hỗ trợ cho hơn 740 hộ dân sản xuất trong rừng phòng hộ Nhưng Miên, được xem là mô hình sản xuất bền vững được các ngành, các cấp ở tỉnh Cà Mau đặc biệt quan tâm.

Theo đánh giá của ngành chức năng, mô hình nuôi thủy sản dưới tán rừng, nếu bố trí 50% đất rừng, 50% đất nuôi thủy sản, mỗi năm có thể thu lợi nhuận trên 100 triệu đồng/ha. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Theo đánh giá của ngành chức năng, mô hình nuôi thủy sản dưới tán rừng, nếu bố trí 50% đất rừng, 50% đất nuôi thủy sản, mỗi năm có thể thu lợi nhuận trên 100 triệu đồng/ha. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Với hình thức nuôi tôm sinh thái, người sản xuất chỉ đầu tư con giống sạch bệnh để thả nuôi mật độ thấp dưới tán rừng mà không phải bổ sung thêm thức ăn. Mặt khác, bà con chỉ sử dụng các chế phẩm sinh học để quản lý môi trường nên không gây ô nhiễm và chi phí thấp hơn so với quy trình nuôi tôm thông thường. Sản phẩm tôm thu hoạch được chứng nhận sạch, an toàn sẽ được các công ty chế biến thủy sản bao tiêu cao hơn giá thị trường 10%. Đây cũng là động lực để bà con yên tâm sản xuất và có trách nhiệm hơn trong công tác bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn.

 Nuôi trồng thủy sản kết hợp rừng ngập mặn là giải pháp phát triển kinh tế bền vững. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.   

 Nuôi trồng thủy sản kết hợp rừng ngập mặn là giải pháp phát triển kinh tế bền vững. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.   

Theo ông Mã Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông, Khuyến ngư tỉnh Cà Mau, đến nay toàn tỉnh đã có hơn 30.000 ha nuôi thủy sản dưới tán rừng, trong đó gần 14.000 ha được công nhận nuôi tôm sinh thái. Qua đó, hàng chục ngàn ha đất rừng cũng được khôi phục và trồng mới. 

Theo kế hoạch từ nay đến năm 2025, toàn tỉnh Cà Mau sẽ tiếp tục mở rộng diện tích có chứng nhận tôm sinh thái đạt khoảng 35.000 ha. Đây không chỉ là chiến lược phát triển bền vững của ngành thủy, từng bước nâng cao đời sống cho người dân, mà còn khôi phục lại rừng và góp phần bảo vệ môi trường sinh thái thiên nhiên ngày càng tốt hơn.

Xem thêm
Ngành gỗ Bình Định đặt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD

Cục Hải quan Bình Định vừa đối thoại với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định về những vấn đề liên quan đến thủ tục hải quan khi tham gia xuất nhập khẩu.

Gia Lai trải ‘thảm đỏ’ cho các dự án đầu tư trồng rừng

Với mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ che phủ rừng đạt 49,2%, tỉnh Gia Lai đang chủ trương trải 'thảm đỏ' đối với các dự án đầu tư vào lĩnh vực trồng rừng.

Phú Yên ứng dụng công nghệ quản lý, bảo vệ rừng

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên đang ứng dụng những giải pháp công nghệ nhằm giúp cán bộ, nhân viên trong ngành hoàn thành nhiệm vụ.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.

Bình luận mới nhất