Người Việt ưu tiên dùng nông sản Việt. Xử lý nghiêm hành vi vi phạm khai thác IUU. Nở rộ tình trạng lừa đảo xuất khẩu nông sản. Giá tôm thẻ ĐBSCL giảm 5.000 – 10.000 đồng/kg.
NGƯỜI VIỆT ƯU TIÊN DÙNG NÔNG SẢN VIỆT
Phát biểu tại Hội nghị Quán triệt chương trình hành động của ban cán sự Đảng Bộ, hưởng ứng cuộc vận động “người Việt Nam ưu tiên dùng nông sản Việt Nam” và chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, chiều ngày 15/4.Đồng chí Lê Minh Hoan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng Bộ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT đề nghị các cán bộ, đảng viên Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn nên xây dựng thói quen sử dụng hàng Việt Nam, dù cho chất lượng và giá cả có thể chưa cạnh tranh bằng hàng nhập khẩu. Từ đó mỗi xây dựng hình tượng mỗi cán bộ, đảng viên, nhân viên ngành nông nghiệp sẽ trở thành một tuyên truyền viên cho hình ảnh nông sản nước nhà. Đồng chí Nguyễn Hoàng Hiệp, Bí thư Đảng ủy Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng đề nghị các cấp ủy và chi bộ trong Bộ NN và PTNT xây dựng kế hoạch hành động hưởng ứng cuộc vận động “người Việt Nam Ưu tiên dùng nông sản Việt Nam” trong đó trọng tâm là nâng cao giá trị nông sản.
XỬ LÝ NGHIÊM HÀNH VI VI PHẠM KHAI THÁC IUU
Chiều ngày 15/4, Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và PTNT do Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến làm trưởng đoàn vừa có buổi làm việc với UBND tỉnh Bà rịa – Vũng tàu để kiểm tra kết quả triển khai chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá cao kết quả triển khai chống khai thác IUU của tỉnh Bà rịa – Vũng tàu, nhất là trong điều kiện nghề khai thác thủy sản có nhiều đặc thù và phức tạp so với các tỉnh, thành trong cả nước. Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng chỉ ra một số nội dung còn tồn tại như: Tình hình ngư dân và tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản trái phép tuy được kiểm soát, ngăn chặn nhưng chưa bền vững; tỷ lệ tàu cá đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác thủy sản và lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá thấp so với trung bình của cả nướcĐể cùng với cả nước nỗ lực khắc phục thẻ vàng của EC, trong thời gian tới, Thứ trưởng đề nghị UBND tỉnh Bà rịa – Vũng Tàu chỉ đạo: Hoàn thành việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá theo quy định; thực hiện nghiêm công tác kiểm tra, giám sát tàu cá và sản lượng bốc dỡ qua cảng; thực thi pháp luật nghiêm minh, các ngành chức năng tăng cường phát hiện, xử phạt đúng hành vi, đối tượng vi phạm để tăng tính cảnh báo, ren đe.
NỞ RỘ TÌNH TRẠNG LỪA ĐẢO XUẤT KHẨU NÔNG SẢN
Theo Bộ Ngoại giao Việt Nam, nạn lừa đảo xuất khẩu nông sản trong thương mại quốc tế trước đây thường xảy ra ở khu vực châu Phi phổ biến như: Nigeria, Algeria, Ma Rốc … nhưng vài năm gần đây, tình trạng lừa đảo xuất khẩu nông sản đang xảy ra phổ biến hơn ở những thị trường tiềm năng như: Hà Lan, Na Uy, Mỹ, Canada,... “Đặc biệt, trong bối cảnh các thị trường đang bị tác động nặng nề bởi đại dịch Covid-19, tình trạng lừa đảo trong giao dịch thương mại quốc tế càng có xu hướng tăng lên”.Mới nhất, một doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản tại TP.HCM đã gửi công văn “cầu cứu” đến các cơ quan ngoại giao việt Nam về việc đối tác ở Sri Lanka lừa đảo chiếm đoạt 2 lô hàng với giá trị tài sản lên đến gần 113.000 USD. Trước đó, hàng loạt doanh nghiệp ngành điều kêu cứu vì nghi bị lừa ở thị trường Ý, với lượng hàng lên đến 35 container bị mất quyền kiểm soát với giá trị lên tới hàng trăm triệu USD. Các chuyên gia khuyến cáo doanh nghiệp nên đề nghị đối tác cung cấp các giấy tờ liên quan như: giấy phép kinh doanh, ID của người chủ doanh nghiệp… Đặc biệt, lưu ý và kiểm tra kỹ độ tin cậy khi có đơn hỏi hàng hóa trả giá quá cao, hoặc quá thấp so với mặt bằng.
GIÁ TÔM THẺ ĐBSCL GIẢM 5.000 – 10.000 ĐỒNG/KG
Tại các tỉnh vùng ĐBSCL, tôm thẻ loại 20 con/kg tại ao đang được doanh nghiệp thu mua mua với giá 210.000 đến 215.000 đồng/kg. Trong khi đó, loại 30 con/kg có giá 150.000 đến 155.000 đồng/kg, giảm từ 5.000 tới 10.000 đồng/kg so với tuần trước.Theo các doanh nghiệp chuyên chế biến và xuất khẩu thủy sản, giá tôm thẻ giảm do ảnh hưởng từ các quốc gia trong khu vực như Indonesia, Malayxia đang bước vào vụ thu hoạch tôm cao điểm, khiến nguồn cung toàn cầu tăng lên.