12 tiểu dự án VnSAT tại An Giang đều phát huy hiệu quả. Nguồn cung lúa mì thế giới chỉ còn đủ cho 10 tuần. Đổi mới chuỗi giá trị gạo và xoài tại ĐBSCL. Đề xuất nâng mức hỗ trợ sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.
12 TIỂU DỰ ÁN VNSAT TẠI AN GIANG ĐỀU PHÁT HUY HIỆU QUẢ
Dự án VnSAT tỉnh An Giang được thực hiện tại 5 huyện bao gồm: Châu Phú, Thoại Sơn, Tịnh Biên, An Phú và Tri Tôn với tổng số hộ tham gia 26.018 hộ trên diện tích 38.602 ha. Tỉnh An Giang được phân bổ vốn thực hiện dự án với nguồn ODA 9,6 triệu USD và vốn đối ứng ngân sách nhà nước tỉnh 50,8 tỷ đồng. VnSAT An Giang tổ chức đấu thầu chọn Công ty tư vấn đảm nhận làm báo cáo kinh tế kỹ thuật cho mỗi đợt tất cả các tiểu dự án. Cách làm này có thuận tiện là các tiểu dự án cơ sở hạ tầng kênh mương, đường nội đồng, trạm bơm trên địa bàn tỉnh về đích sớm. Các công trình đều hoàn thành đúng theo tiến độ mang lại lợi ích thiết thực, giúp sản xuất lúa trên địa bàn thuận lợi và giảm chi phí. Kết quả, VnSAT An Giang đã thực hiện được 12 tiểu dự án cơ sở hạ tầng hỗ trợ cho 12 Hợp tác xã gồm: nâng cấp 48 km đường, xây dựng mới 1 cầu nông thôn, 5 hạng mục cống điều tiết nước, 2 kho chứa với diện tích 600m2/kho. Tổng giá trị đầu tư gần 100 tỷ đồng.
NGUỒN CUNG LÚA MÌ THẾ GIỚI CHỈ ĐỦ CHO 10 TUẦN
Sau khi cuộc xung đột Nga-Ukraine bùng phát, nguồn cung lúa mì toàn cầu trong kho dự trữ chỉ còn duy trì trong 10 tuần nữa. Nga và Ukraine chiếm khoảng 1/4 lượng lúa mì xuất khẩu của thế giới. Tuy nhiên, cuộc xung đột đã làm gián đoạn sản xuất nông nghiệp và cung ứng, khiến giá lương thực toàn cầu tăng vọt lên mức cao kỷ lục và làm dấy lên lo ngại về tình trạng bất ổn ở các nước đang phát triển. Cuộc khủng hoảng lúa mì ngày càng trầm trọng hơn khi Ấn Độ, nhà sản xuất lớn thứ hai thế giới, cấm xuất khẩu loại ngũ cốc này và khiến nông dân phải trả chi phí cao hơn từ phân bón, thức ăn và nhiên liệu. Trong một báo cáo hồi đầu tháng 5, Bộ Nông nghiệp Mỹ cũng dự báo dự trữ lúa mì sẽ sụt giảm nghiêm trọng vào cuối năm 2022 - 2023 xuống mức thấp nhất trong gần 10 năm qua.
ĐỔI MỚI CHUỖI GIÁ TRỊ GẠO VÀ XOÀI TẠI ĐBSCL
Trong nỗ lực cải tiến nông nghiệp tại khu vực ĐBSCL, dự án Trung tâm Đổi mới sáng tạo xanh trong nông nghiệp và thực phẩm Việt Nam (gọi tắt là GIC Việt Nam) được Bộ NN & PTNT phối hợp với GIZ hợp tác thực hiện với sự tài trợ của Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức. Đây là dự án hỗ trợ các đổi mới sáng tạo trong chuỗi giá trị lúa gạo và xoài.
Dự án được triển khai tại 6 tỉnh thành gồm An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang và Sóc Trăng từ năm 2020-2024. Trong 5 năm triển khai, GIC Việt Nam sẽ hỗ trợ 20.000 nông hộ sản xuất nhỏ cải thiện được chất lượng sản phẩm của mình, nâng cao thu nhập từ 15-20%. 12.000 nông hộ sẽ được đào tạo và áp dụng các giải pháp giảm thiểu các tác động tiêu cực lên môi trường. Dự án sẽ giúp cải tiến các hệ thống canh tác theo hướng bền vững, qua đó nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên đồng thời tăng cường khả năng thích nghi và chống chịu trước các tác động của BĐKH của hai chuỗi giá trị nông sản chủ lực ở ĐBSCL là lúa gạo và xoài.
ĐỀ XUẤT NÂNG MỨC HỖ TRỢ SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP BỊ THIỆT HẠI DO THIÊN TAI, DỊCH BỆNH
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 9/1/2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, mức hỗ trợ quy định từ năm 2017, trong khi giá thị trường hiện nay đã biến đổi rất nhiều, do vậy mức hỗ trợ trong nghị định là thấp và không phù hợp với thời điểm hiện tại. Nhiều loại cây trồng, vật nuôi, hình thức nuôi chưa được quy định trong Nghị định dẫn đến khó khăn trong công tác hỗ trợ khôi phục sản xuất. Vì vây Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất nâng mức hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh cho phù hợp với kinh phí để khôi phục sản xuất hiện nay (1,25 - 2 lần hiện tại); phân theo giai đoạn sinh trưởng của cây trồng, vật nuôi để có mức hỗ trợ phù hợp.