Nhận định bất cập chính sách, pháp luật về thú y để điều chỉnh. Trải nghiệm hái na, du lịch nông nghiệp tại Lễ hội Chiến thắng Chi Lăng. Mô hình nông nghiệp “2 trong 1” giúp hàng trăm hộ dân thoát nghèo. Hà Tĩnh: 400 ha thông bị sâu róm đe dọa.
Nhận định bất cập chính sách, pháp luật về thú y để điều chỉnh
Minh Phúc –Thanh Thủy
Chiều 14/8, Cục Thú y phối hợp với Vụ Pháp chế thuộc Bộ NN-PTNT và Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức tọa đàm trực tuyến kết nối với hàng trăm điểm cầu trên cả nước. Tọa đàm nằm trong chuỗi chương trình, sự kiện truyền thông chính sách do Báo Nông nghiệp Việt Nam phối hợp các Bộ, ban, ngành, các đơn vị trực thuộc Bộ NN-PTNT tổ chức.
Tại Tọa đàm, nhiều vấn đề được quan tâm như quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản, động vật trên cạn; quy định về kiểm soát giết mổ và vệ sinh thú y; quản lý thuốc thú y; kiểm tra, giám sát vệ sinh thú y và an thoàn thực phẩm đối với mật ong, xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh động vật… đã được các cơ quan chuyên môn giải đáp, đồng thời lắng nghe và nhận định đúng hơn các bất cập trong cơ chế, chính sách để điều chỉnh trong thời gian tới.
Tọa đàm lần này là điểm khởi đầu cho chương trình hoạt động mới mà Bộ NN-PTNT sẽ triển khai trong thời gian tới theo tinh thần chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan “không chỉ đưa chính sách pháp luật vào cuộc sống mà phải đưa cuộc sống, thực tiễn vào chính sách pháp luật”.
Trải nghiệm hái na, du lịch nông nghiệp tại Lễ hội Chiến thắng Chi Lăng
Hùng Khang sx
UBND huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn vừa tổ chức họp báo về Ngày hội Văn hóa thể thao dân tộc huyện Chi Lăng và lễ hội chiến thắng Chi Lăng 10/10 gắn với đền Chi Lăng; mùa Na Chi Lăng năm 2023.
Điểm độc đáo của lễ hội năm nay là đặc sản quả na của địa phương được gắn với lễ hội chiến thắng Chi Lăng 10/10, được tổ chức quy mô cấp huyện, giúp giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, hướng tới trở thành lễ hội cấp Quốc Gia.
Du khách sẽ được tham gia các trải nghiệm hái na, mặc trang phục dân tộc truyền thống, các hoạt động động du lịch sinh thái trải nghiệm nông nghiệp trên địa bàn huyện.
Mô hình nông nghiệp “2 trong 1” giúp hàng trăm hộ dân thoát nghèo
Văn Vũ sx
Được triển khai từ tháng 5/2020, mô hình điện mặt trời kết hợp sản xuất nông nghiệp ở ấp An Hòa, xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang đã hoàn thành vào tháng 12/2020. Mô hình được xây dựng trên diện tích đất 400m2 có công suất khoảng 45 kWp, trung bình mỗi ngày sản xuất được 103 kWh điện.
Ông Trương Kiến Thọ, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh An Giang cho biết, mô hình nông nghiệp kết hợp với sản xuất điện mặt trời được xem là mô hình phát triển kinh tế mới ở An Giang, góp phần nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, giúp nhiều hộ nông dân thoát nghèo do vừa sản xuất điện để sử dụng và vừa sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, mô hình mà còn có thể áp dụng để canh tác trên các vùng đất bị khó khăn và những nơi thiếu điện tại các vùng biên giới.
Hà Tĩnh: 400 ha thông bị sâu róm đe dọa
Thanh Nga sx
Ban Quản lý Rừng phòng hộ Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh cho biết, trên lâm phần do đơn vị quản lý hiện đang có khoảng 400ha thông thuần bị sâu róm gây hại. Khu vực xuất hiện sâu róm nhiều tập trung tại tiểu khu 124 với khoảng 180 ha, tiểu khu 123 (100ha), tiểu khu 121 là 80 ha, còn lại là tại tiểu khu 103B. Mật độ sâu gây hại từ 8-14 con/cây, nơi cao lên đến 500 con/cây.
Nguyên nhân sâu róm phát sinh, gây hại là do thời tiết khô nóng. Nếu không phát hiện, phòng trừ kịp thời nguy cơ toàn bộ diện tích thông trên bị ăn trụi lá, ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng khai thác nhựa, thậm chí cây thông có thể bị chết là khó tránh khỏi.
Hiện Ban Quản lý rừng phòng hộ Hồng Lĩnh đang huy động lực lượng, phương tiện tổ chức phun thuốc phòng trừ ở những nơi mật độ sâu từ 8-14 con/ cây trở lên nhằm hạn chế thiệt hại.