Tại Trà Vinh, đồng bào dân tộc Khmer không chỉ cần mẫn lao động mà còn không ngừng học hỏi, sáng tạo để phát triển thêm những sản phẩm mới từ cây trồng tại địa phương, góp phần cải thiện kinh tế gia đình và xã hội.
Trước đây, làng nghề thủ công mỹ nghệ làm từ tre ở (xã Hàm Giang, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh) từng trải qua giai đoạn trầm lắng do mẫu mã sản phẩm làm ra không đáp ứng được thị hiếu thị trường, chủ yếu tiêu thụ tại địa phương. Anh Trì Cảnh, thế hệ thứ ba trong một gia đình làm nghề, luôn trăn trở: tại sao sản phẩm của làng nghề chỉ phục vụ cho người có thu nhập thấp? Để phát triển, cần phải cải tiến mẫu mã.
Vì vậy, vào năm 2001, anh Cảnh đi học hỏi kỹ thuật từ các thợ lành nghề ở các tỉnh thành vùng Đông Nam bộ. Sau vài tháng, anh trở về và mở cơ sở sản xuất, phát triển các sản phẩm từ tre thành nhiều mặt hàng hiện đại như giường hộp cao cấp, bộ salon, kệ sách và xe đạp... Hiện tại, cơ sở của anh có thể đáp ứng mọi yêu cầu của khách hàng về sản phẩm từ tre.
Trì Cảnh, ấp Trà Tro, xã Hàm Giang, huyện Trà Cú: Mình phấn đấu để đưa sản phẩm tre vươn xa hơn. Không ngừng học hỏi kinh nghiệm từ các nơi như Bình Phước, Bình Thuận, Tây Ninh. Gần đây, mình đã học được cách làm bộ sofa bằng tre và bộ ghế đai.
Ông Thạch Trì Cảnh cho biết, để làm ra một bộ ghế tre đạt chuẩn, nguyên liệu cần phải đủ độ bền và bóng, chọn tre được trồng ít nhất từ 3 đến 5 năm còn tầm vông phải từ 7 năm tuổi trở lên. Gốc tre được anh tận dựng làm chân ghế, phần thân tre làm khung và nẹp, sau khi xử lý mối mọt, sản phẩm từ tre có thể tuổi thọ từ 10 đến 15 năm. Nhờ mẫu mã bắt mắt một bộ ghế salon tre do cơ sở của anh Trì Cảnh sản xuất có giá bán từ 10 triệu đến vài chục triệu đồng, cao hơn gấp nhiều lần so với sản phẩm truyền thống trước.
Ông Thạch Trì Cảnh: Sản phẩm của cơ sở có mặt ở HCM tại các điểm du lịch câu cá, càng quốc tế và khu ẩm thực
Toàn huyện Trà Cú hiện hiện có hơn 1.284 lao động tham gia vào các công đoạn sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ từ tre và tầm vông. Riêng cơ sở của anh Trì Cảnh đã tạo việc làm cho hơn 10 lao động, đồng thời thu mua khoảng 200.000 cây tre nguyên liệu mỗi năm, góp phần giúp ổn định cuộc sống cho hàng trăm người dân tại địa phương.
Ông Thạch Điểm, Trưởng ấp Trà Tro B, xã Hàm Giang: Trước đây công nhân ở địa phương thường sử dụng tre để làm giường thông thường. Tuy nhiên, sau này anh Trì Cảnh đã tạo ra những bộ ghế salon bằng tre có giá trị kinh tế cao hơn, giúp người dân có công ăn việc làm và ổn định cuộc sống hơn so với những năm trước. Chính quyền địa phương cũng tạo điều kiện cho các hộ dân có đất bỏ hoang trồng tre, nhằm đảm bảo đủ nguyên liệu cung cấp cho làng nghề.
Mới đây, chị Thạch Thị Đa Ni ở xã Bình Phú, huyện Càng Long, cho ra mắt sản phẩm bột nghệ trắng, được nhiều chị em phụ nữ xài kết hợp với mỹ phẩm để trị mụn, bởi nghệ trắng có công dụng tương tự như nghệ truyền thống nhưng không để lại vết vàng trên da. Bột nghệ trắng cũng được đánh giá cao vì nguyên liệu có nguồn gốc tại địa phương, cùng với các chứng nhận đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng khi sử dụng sản phẩm.
Chị Sơn Thị Đa Ni: Sản phẩm mình đã được kiểm nghiệm đầy đủ, bao gồm kiểm tra các thành phần kim loại nặng và khử khuẩn. Các chỉ số đạt yêu cầu, trước khi mình đưa ra thị trường.
Chị Đa Ni cho biết, quy trình chế biến bột nghệ bắt đầu bằng việc cạo bỏ vỏ nghệ, sau đó cắt thành lát, phơi nắng 24 giờ, rồi nghiền thành bột và sấy khô. Trung bình, từ 1 kg nghệ tươi, chị có thể thu được 100g bột nghệ khô nguyên chất. Sản phẩm này được chị Đa Ni giới thiệu tại các hội chợ và gian hàng điện tử, mang về doanh thu khoảng 10 triệu đồng mỗi tháng. Theo đánh giá của Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Càng Long, sản xuất bột nghệ trắng không chỉ tạo thêm việc làm và tăng thu nhập cho lao động nữ địa phương, mà còn phát triển một sản phẩm mang thương hiệu riêng của tỉnh Trà Vinh.
Bà Đặng Thị Dễu, Chủ tịch Hội LHPN huyện Càng Long Chị Sơn Thị Đa Ni đã khởi nghiệp thành công từ cây nghệ trắng, không chỉ giúp cải thiện kinh tế gia đình mà còn nâng cao giá trị của loại cây này. Nghiên cứu của chị đã tạo thêm việc làm cho nhiều phụ nữ, đồng thời chị Đa Ni cũng chia sẻ kỹ thuật trồng nghệ trắng với các chị em khác. Hiện nay, sản phẩm của chị Đa Ni được nhiều người sử dụng và mang lại hiệu quả cao.