Nông lâm thuỷ sản đóng góp 5% tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2022. Việt Nam đảm nhiệm vai trò trung tâm ASEAN về cảnh báo thiên tai. Xuất khẩu thủy sản sang Đan Mạch cao nhất trong lịch sử. Thức ăn chăn nuôi tăng giá lần thứ 17.
NÔNG LÂM THUỶ SẢN ĐÓNG GÓP 5% TĂNG TRƯỞNG GDP 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2022
Theo Báo cáo của Tổng cục Thống kê ngày 29/6, tổng sản phẩm trong nước - tăng trưởng GDP quý 2 tăng 7,72% so với cùng kỳ năm ngoái và cao hơn tốc độ tăng cùng kỳ các năm từ 2011 tới nay.Tính chung 6 tháng, tăng trưởng GDP 6,42%, cao hơn tốc độ tăng của 6 tháng đầu năm 2020 và 2021, nhưng thấp hơn cùng kỳ năm 2018 và 2019.Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đóng góp 5% vào mức tăng chung của nền kinh tế, tăng 2,78%.Tình hình sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng đầu năm ẫn giữ mức tăng khá trong bối cảnh ảnh hưởng bởi thời tiết diễn biến thất thường từ đầu quý 2 và giá vật tư đầu vào tăng cao.Sản lượng một số cây lâu năm chủ yếu tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Chăn nuôi lợn và gia cầm phát triển ổn định. Hoạt động khai thác và tiêu thụ gỗ có nhiều khởi sắc. Nuôi trồng thủy sản tăng trưởng tốt do nhu cầu tiêu dùng và giá xuất khẩu tăng. Tuy nhiên sản lượng thủy sản khai thác biển giảm do giá xăng dầu tăng cao, nhiều tàu cá nằm bờ.
VIỆT NAM ĐẢM NHIỆM VAI TRÒ TRUNG TÂM ASEAN VỀ CẢNH BÁO THIÊN TAI
Tổ chức Khí tượng thế giới và Tổng cục Khí tượng thủy văn Việt Nam vừa đưa vào vận hành hệ thống hỗ trợ cảnh báo lũ quét Đông Nam Á - SeAFFGS, giúp tăng cường năng lực dự báo lũ quét.Dự án SeAFFGS hướng tới phục vụ công tác dự báo, cảnh báo cho 4 quốc gia thành viên Đông Nam Á gồm Việt Nam, Lào, Campuchia và Thái Lan, do Chính phủ Canada tài trợ theo hình thức hỗ trợ kỹ thuật không hoàn lại với tổng kinh phí 1,3 triệu USD. Với việc vận hành hệ thống này, Việt Nam sẽ đảm nhiệm vai trò trung tâm vùng trong công tác dự báo sạt lở, lũ quét.Hệ thống sẽ hỗ trợ các dự báo viên phân tích, cảnh báo các ngưỡng mưa, sinh lũ quét trong 1 giờ, 3 giờ, 6 giờ, vùng nguy cơ rủi ro lũ quét trong 12, 24, 36 giờ, ngưỡng sạt lở đất trong phạm vi 24 giờ và được cập nhật thường xuyên theo các khoảng thời gian tương ứng.
XUẤT KHẨU THỦY SẢN SANG ĐAN MẠCH CAO NHẤT TRONG LỊCH SỬ
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Đan Mạch trong tháng 5 đạt 8,2 triệu USD, tăng 79% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mức cao nhất theo tháng kể từ trước đến nay.Tính chung 5 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường này đạt 33 triệu USD, tăng 67,5% so với cùng kỳ năm ngoái.Trong đó, cá ngừ đông lạnh có tốc độ tăng 240% về lượng và tăng 543% về trị giá; cá ngừ đóng hộp tăng 31% về lượng và tăng 119% về trị giá.Cơ cấu mặt hàng thủy sản xuất khẩu sang thị trường Đan Mạch có nhiều thay đổi khi tỷ trọng tôm đông lạnh giảm, tỷ trọng xuất khẩu sò, cá ngừ, cá tra tăng.
THỨC ĂN CHĂN NUÔI TĂNG GIÁ LẦN THỨ 17
Từ ngày 1/7 tới đây, giá thức ăn chăn nuôi tiếp tục tăng thêm 300-400 đồng/kg. Đây là lần thứ 6 trong năm nay và là lần thứ 17 kể từ năm 2020 giá thức ăn chăn nuôi được điều chỉnh tăng.Theo đó, Công ty thức ăn chăn nuôi Kyodo Sojitz sẽ tăng giá sản phẩm thức ăn chăn nuôi cho heo con và thức ăn đậm đặc với mức tăng 400 đồng/kg, tương đương tăng 10.000 đồng/bao 25 kg. Đối với các loại thức ăn còn lại cho heo, bò, gà thịt, tăng 300 đồng/kg, tương đương tăng 7.500 đồng/bao 25 kg.Công ty CJ Vina Agri cũng đã có thông báo kể từ ngày 1-7 đơn vị này tăng giá thức ăn chăn nuôi từ 300-400 đồng/kg, tuỳ loại. Trong đó, thức ăn đậm đặc, thức ăn cho heo con tăng 400 đồng/kg và tăng 300 đồng/kg đối với các loại thức ăn còn lại.Lý do được Công ty TNHH CJ Vina Agri đưa ra cho quyết định tăng giá bán sản phẩm là tình hình giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi có chiều hướng tăng mạnh trong thời gian vừa qua.@Anh Huân NNVN anh xem bản tin chiều ạ