Sau 3 năm thực hiện nông thôn mới, huyện Phú Giáo hiện là vùng nông thôn của khát vọng đổi mới sáng tạo, vùng nông thôn đẹp từ cảnh quan, đến văn hóa, môi trường.
Nông thôn mới Phú giáo kéo gần thành thị về nông thôn
Để đạt được nông thôn mới, từ nhiều năm qua, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương đã định hướng phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm tạo ra những sản phẩm thế mạnh, mang tính thương hiệu cho địa phương. Từ đó giá trị nông sản được nâng cao, thu nhập của nông dân được cải thiện. Đây là một trong những nội dung trọng tâm, cốt lõi của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Ông PHÙNG HUY BÌNH
Trưởng trại bò sữa Công ty CP Anova Agri Bình Dương
Phú giáo được một lợi thế là thuần nông nghiệp, từ chăn nuôi, trồng trọt, nên lợi thế là có thể tận dụng được nguồn lao động tại địa phương vì bà con đã quen việc rồi, đặc biệt là đất đai, thổ nhưỡng rất phù hợp cho việc sản xuất nông nghiệp.
Ông CAO TRUNG HÒA
Phó Chủ tịch UBND xã Phước Sang, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương
Trên cơ sở của các trang trại làm ăn phát triển, các nông hộ này, các trang trại này cũng đã góp phần rất lớn với địa phương để phát triển nông thôn mới, hỗ trợ địa phương làm cầu, làm đường giao thông cho địa phương, đồng thời tạo điện kiện góp vốn cho các nông hộ phát triển.
Với những kết quả kinh tế nông nghiệp, nông thôn đạt được trong những năm qua, UBND huyện Phú Giáo đang xây dựng Đề án Làng thông minh Phú Giáo, trong đó tập trung các nội dung trọng tâm như thể chế thông minh, nguồn lực thông minh, hạ tầng thông minh, dịch vụ thông minh, sản xuất và kinh doanh thông minh. Dự kiến trong tương lai làng thông minh trở thành nơi đáng sống, thân thiện môi trường và trở thành một trong những biểu tượng xanh tiền đề cho việc phát triển bền vững.
Ông ĐOÀN VĂN ĐỒNG
Chủ tịch UBND huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương
Xây dựng nông thôn mới là một trong những mục tiêu trọng tâm của huyện Phú Giáo, mục tiêu đến năm 2025 sẽ trở thành huyện nông thôn mới nâng cao. Thời gian tới, huyện sẽ từng bước xây dựng các xã kiểu mẫu và xây dựng thí điểm làng thông minh trên địa bàn xã An Thái. Xây dựng nông thôn mới không có thành tích mà phải thực chất, phải huy động mọi tầng lớp xã hội, nhân dân tham gia, vừa đầu tư, vừa hưởng hưởng thụ và vừa xây dựng cái môi trường ở địa phương ngày càng tốt hơn.
Đến Phú Giáo hôm nay, điều dễ dàng nhận thấy là các tuyến đường xã đã được nhựa hóa, bê tông hóa, giúp tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại và vận chuyển hàng hóa. Điều này không chỉ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội mà còn nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Việc đầu tư phát triển hạ tầng giao thông đã đóng góp vào việc xây dựng huyện Phú Giáo trở nên giàu đẹp và văn minh