Nông trại cung ứng 12.000 tấn rau VietGAP mỗi năm ra thị trường. Tôn vinh sản phẩm cá ngừ đại dương. Đầu tư trên 8 tỷ đồng cho chăn nuôi công nghệ cao. Nguồn cung thịt lợn vẫn được đảm bảo.
Nông trại cung ứng 12.000 tấn rau VietGAP mỗi năm ra thị trường
Trần Phi - Sx
Trong khuôn khổ chương trình Đổi mới sáng tạo Aus4Innovation (Ớt-pho-in-no-vây-sừn) do Chính phủ Úc tài trợ, Quyền Phó Đại sứ Úc, Ông Daniel Ross (Đa-ni-en-ron) và Giám đốc Chương trình, ông Kim Wimbush (kim-wim-bớt), đã tới thăm mô hình tại Trang trại Phong Thúy, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng. Đây là mô hình sản xuất rau công nghệ cao với diện tích khoảng 30 ha. Mỗi năm, cung cấp ra thị trường trên 12.000 tấn rau, củ, quả theo tiêu chuẩn VietGAP. Trong đó, trên 80% sản lượng cung ứng cho các siêu thị, nhà hàng, doanh nghiệp chế biến.
Nông nghiệp công nghệ cao không chỉ giúp trang trại nâng cao năng suất, chất lượng rau củ, mà còn có góp phần giảm tổn thất sau thu hoạch, giảm sử dụng nước và nâng cao năng suất lao động.
Tôn vinh sản phẩm cá ngừ đại dương
Vũ Đình Thung - Sx
Lễ hội Tinh hoa đất biển Bình Định năm 2024 với chủ đề “Bình Định – Khát vọng Biển” vừa chính thức khai mạc tại thành phố Quy Nhơn. Đây là lễ hội mang đậm dấu ấn riêng của Bình Định, hứa hẹn sẽ mang đến cho người dân và du khách những trải nghiệm thú vị. Lan tỏa hình ảnh đẹp về vùng đất và con người Bình Định, góp phần quảng bá và nâng cao vị thế du lịch của địa phương tới du khách trong và ngoài nước.
Lễ hội tập trung tôn vinh, giới thiệu, quảng bá, nâng cao giá trị thương hiệu các sản phẩm làng nghề tiêu biểu, làng nghề truyền thống của tỉnh Bình Định. Đặc biệt, lễ hội tập trung giới thiệu sản phẩm cá ngừ đại dương. Đây là sản phẩm thế mạnh của tỉnh, góp phần tôn vinh và truyền cảm hứng cho ngư dân an tâm ra khơi, bám biển, phát triển nghề đánh bắt thủy sản bền vững, hiệu quả, đóng góp cho sự tăng trưởng, phát triển kinh tế và giữ vững biển đảo biên cương của Tổ quốc.
Đầu tư trên 8 tỷ đồng cho chăn nuôi công nghệ cao
Văn Vũ - Sx
Phòng NN-PTNT huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang đã triển khai thực hiện Dự án “Ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi” với kinh phí trên 8 tỷ đồng trong giai đoạn 2023 - 2025. Dự án nhằm giúp người chăn nuôi đạt được hiệu quả, phát triển kinh tế. Theo đó, dự án thực hiện hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ gồm các quy trình: Máy băm cây thức ăn gia súc, hệ thống ăn uống tự động, máy trộn và chế biến thức ăn, hệ thống thông gió, làm mát, vệ sinh chuồng trại, kiểm soát nhiệt độ trong chuồng trại nuôi, xử lý phân trong chăn nuôi…
Đại diện phòng NN-PTNT huyện Thoại Sơn cho biết, việc áp dụng công nghệ cao vào chăn nuôi sẽ giúp giảm bớt nhân công lao động, giúp xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường, vật nuôi tăng trưởng nhanh, khỏe mạnh, tạo thuận lợi cho bà con phát triển chăn nuôi quy mô lớn. Qua thời gian triển khai dự án đã có nhiều mô hình phát huy hiệu quả, các hộ dân đã cải tiến được phương thức sản xuất và nâng cao thu nhập.
Nguồn cung thịt lợn vẫn được đảm bảo
Khai thác
Theo Cục Thú y, từ đầu năm đến nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã được ghi nhận tại 44 tỉnh, thành phố. Trên 39.000 con lợn đã bị tiêu hủy, con số cao gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Sau Công điện số 58 của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương đã tích cực phòng, chống bệnh dịch. Tổng đàn lợn cả nước hiện có 26 triệu con. Tính chung từ đầu năm đến nay, chăn nuôi gia súc, gia cầm vẫn phát triển tương đối ổn định. Bên cạnh đó, kết quả khảo sát xu hướng chăn nuôi mới đây cho thấy, 3,07% số hộ dự kiến mở rộng sản xuất, 88,10% số hộ dự kiến ổn định sản xuất trong thời gian tới. Điều này được cho là sẽ giúp bảo đảm nguồn cung thịt lợn cho thị trường.