Ngành trồng trọt đứng trước tác động tiêu cực từ La Nina. Cần Thơ đầu tư gần 16 tỷ đồng cho cơ giới hóa nông nghiệp. Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt hơn 7 tỷ USD. Ấn Độ xem xét nới lỏng hạn chế xuất khẩu gạo.
Ngành trồng trọt đứng trước tác động tiêu cực từ La Nina
Đức Minh - Sx
Sáng 12/7, Cục trồng trọt tổ chức hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2024 và triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm 2024. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung dự và chỉ đạo hội nghị.
Theo thống kê, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất trồng trọt đạt 2,13%. Trong đó cây hàng năm tăng trưởng 1,98%, cây lâu năm tăng trưởng 2,46%. Giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 15,76 tỷ USD, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 54% tổng giá trị xuất khẩu toàn ngành.
Dự báo 6 tháng cuối năm, ngành trồng trọt sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: tác động tiêu cực từ hiện tượng La Nina, các đối tượng sinh vật gây hại trên cây trồng… Vì vậy, Thứ trưởng Hoàng Trung đề nghị Cục Trồng trọt có phương án đảm bảo sản xuất của cho người dân, đặc biệt là trong mùa mưa bão. Bên cạnh đó, toàn ngành cần tập trung, đẩy mạnh tái cơ cấu cây trồng; ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số để nâng cao năng suất, chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh của các mặt hàng nông sản.
Cần Thơđầu tư gần16 tỷ đồng cho cơ giới hóa nông nghiệp
Văn Vũ - Sx
UBND TP Cần Thơ vừa ban hành kế hoạch về thực hiện chiến lược cơ giới hóa nông nghiệp; chế biến nông lâm, thủy sản và xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp tập trung đến năm 2030. Tổng kinh phí dự trù gần 16 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước và vốn đối ứng của người dân.
Kế hoạch hướng đến đảm bảo tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường tại các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung được cơ giới hóa và nâng cao năng lực chế biến gắn với phát triển thị trường nông sản đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn TP Cần Thơ.
Đến năm 2030, các vùng sản xuất nguyên liệu phục vụ cho sản xuất, chế biến các sản phẩm đặc sản, sản xuất nông nghiệp chủ lực được cơ giới hóa toàn diện. Lĩnh vực chế biến nông sản đủ năng lực sản xuất gắn với phát triển thị trường theo hướng ứng dụng công nghệ cao, bền vững, có sức cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.
Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt hơn 7 tỷ USD
Khai thác
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), tính chung 6 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 7,4 tỷ USD, tăng 22,2% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 5,03 tỷ USD, tăng 21,4% so với cùng kỳ năm 2023.
Về thị trường, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang Hoa Kỳ đạt 4,38 tỷ USD, chiếm 55% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành. Từ đầu năm tới nay, gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu tới thị trường Hoa Kỳ tăng trưởng mạnh. Điều này cho thấy nhu cầu đang phục hồi nhanh tại thị trường này. Trong đó, đồ nội thất bằng gỗ là mặt hàng xuất khẩu chính tới Hoa Kỳ, đây cũng là mặt hàng mang lại giá trị gia tăng cao cho ngành gỗ.
Ấn Độ xem xét nới lỏng hạn chế xuất khẩu gạo
Khai thác
Chính phủ Ấn Độ đang cân nhắc cho phép xuất khẩu gạo trắng phi basmati và gạo tấm, nhưng sẽ áp một mức thuế cố định. Ngoài ra, giới chức Ấn Độ cũng đã kiến nghị giảm mức thuế xuất khẩu 20% đối với gạo đồ. Đề xuất nới lỏng các biện pháp hạn chế xuất khẩu được đưa ra trong bối cảnh lượng gạo dự trữ trong các nhà kho của chính phủ dồi dào và kỳ vọng về một vụ thu hoạch bội thu sắp tới nhờ thời tiết thuận lợi.
Đồng thời, việc nới lỏng sẽ giảm bớt áp lực cho các nhà kho và mang lại doanh thu từ thuế xuất khẩu. Dữ liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ cho thấy, gạo dự trữ trong các nhà kho của Ấn Độ lên mức cao kỷ lục do chính sách hạn chế xuất khẩu.