| Hotline: 0983.970.780

Xây dựng ngành hàng nuôi biển: [Bài 5] Chia sẻ của doanh nghiệp nuôi biển hiện đại nhất Việt Nam

Thứ Ba 09/04/2024 , 10:30 (GMT+7)

Theo Australis Việt Nam, với những tiềm năng, lợi thế, nuôi biển ở Việt Nam sẽ sớm trở thành ngành hàng tỷ USD.

Xà lan phun thức ăn tự động công suất 250 tấn được Australis hạ thủy chiều 25/4 tại vịnh Vân Phong, Khánh Hòa. Ảnh: Australis.

Xà lan phun thức ăn tự động công suất 250 tấn được Australis hạ thủy chiều 25/4 tại vịnh Vân Phong, Khánh Hòa. Ảnh: Australis.

Nuôi biển ở Việt Nam sớm trở thành ngành hàng tỷ USD

Ông Leonardo Mata - Giám đốc Dự án tảo biển Green Grazing (Công ty TNHH thủy sản Australis Việt Nam) - nhận định, với những tiềm năng, lợi thế rất lớn, nuôi biển Việt Nam sẽ sớm trở thành ngành hàng tỷ đô.

Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi biển theo quy mô công nghiệp, ông Leonardo Mata cho biết: Công ty TNHH thủy sản Australis Việt Nam được thành lập từ năm 2008 với tổng mức đầu tư xấp xỉ 200 triệu USD. Hoạt động chủ yếu là nuôi cá chẽm tại vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa. Sau hơn 15 năm nuôi biển, đến nay Australis Việt Nam có hơn 1.000 nhân lực, kế hoạch tăng trưởng mỗi năm khoảng 50.000 tấn thủy sản, đóng góp 7% vào tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của tỉnh Khánh Hòa, trở thành một trong những công ty nuôi cá biển hiện đại nhất Việt Nam.

Là doanh nghiệp nước ngoài đầu tư nuôi biển sớm nhất ở Việt Nam, ông Leonardo Mata khẳng định, tiềm năng, lợi thế nuôi biển của Khánh Hòa nói riêng và nhiều địa phương khác như Kiên Giang, Ninh Thuận có điều kiện thuận lợi lớn để nuôi biển nhờ nhiệt độ, độ mặn ổn định, đặc biệt là đối với loài cá chẽm, được mệnh danh là “cá hồi nhiệt đới”.

Cùng với bản chất cần cù, chịu khó và kinh nghiệm nuôi biển của người dân Việt Nam, thị trường của các sản phẩm từ cá chẽm đang vô cùng rộng mở nhờ giá trị dinh dưỡng cao, đại diện Australis Việt Nam tin tưởng rằng nuôi biển Việt Nam sẽ sớm đạt mục tiêu phát triển theo hướng công nghệ cao, đóng góp lớn vào giá trị của ngành hàng thủy sản.

Thủy sản được nuôi với công nghệ cao, theo hướng phát triển bền vững với khoảng 10.000 tấn cá/năm. Ảnh: Australis.

Thủy sản được nuôi với công nghệ cao, theo hướng phát triển bền vững với khoảng 10.000 tấn cá/năm. Ảnh: Australis.

Chiến lược phát triển của Australis Việt Nam thể hiện, doanh nghiệp này đang tiến gần đến cột mốc sản lượng 10.000 tấn cá chẽm ở vịnh Vân Phong. Trong thời gian tới, sau khi gia hạn giấy phép thuê mặt biển ở tỉnh Khánh Hòa, tập đoàn số 1 thế giới về cá chẽm cũng dự kiến thực hiện dự án nuôi biển ở tỉnh Kiên Giang. Khi các dự án của Australis đi vào hoạt động, mục tiêu 50.000 tấn cá chẽm/năm hoàn toàn có thể đạt được.

“Australis Việt Nam hiện là nhà sản xuất, chế biến và xuất khẩu cá chẽm lớn nhất thế giới. Bài học của chúng tôi là đầu tư nghiên cứu kỹ thuật, tuyển dụng chuyên gia từ nước ngoài, đào tạo cán bộ quản lý và phát triển thị trường quốc tế cho cá chẽm, trở thành một chuỗi khép kín từ sản xuất đến thị trường. Thứ hai là tập trung nâng cấp công nghệ nuôi biển hiện đại ở khu vực ngoài khơi, sử dụng thức ăn có thành phần bền vững, giám sát phát triển của cá chẽm bằng công nghệ hiện đại, bảo đảm sinh trưởng khỏe mạnh, ổn định”, ông Leonardo Mata phân tích.

Cũng theo đại diện Australis Việt Nam, năm 2023, nhân chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Việt Nam, Tập đoàn nuôi trồng thủy sản Australis đã cam kết bổ sung thêm 100 triệu USD để mở rộng nuôi bền vững cá chẽm tại Việt Nam. Đây có thể xem là cột mốc quan trọng thể hiện tham vọng đầu tư nuôi biển của Australis ở Khánh Hòa và mở rộng sang các địa phương có lợi thế nuôi biển khác.

Các nhà khoa học Australis phân tích, cá chẽm (tên khoa học là Lates calcarifer) là đối tượng được lựa chọn nhờ cho hiệu quả dinh dưỡng, kinh tế cao trong khi quá trình nuôi dưỡng để lại rất ít tác động lên môi trường. Nếu đầu tư nuôi biển theo quy mô công nghiệp, ứng dụng khoa học hiện đại vào nuôi biển, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành cường quốc về cá chẽm, thậm chí loài “cá hồi nhiệt đới” này còn có thể cạnh tranh với cá hồi của quốc gia tiên tiến như Na Uy.

Bà Hilde Solbakken chia sẻ kinh nghiệm nuôi biển của Na Uy tại Hội nghị phát triển bền vững nuôi biển - Nhìn từ Quảng Ninh. Ảnh: Tùng Đinh.

Bà Hilde Solbakken chia sẻ kinh nghiệm nuôi biển của Na Uy tại Hội nghị phát triển bền vững nuôi biển - Nhìn từ Quảng Ninh. Ảnh: Tùng Đinh.

Ngoài giá trị kinh tế, một lợi thế nữa của nuôi cá chẽm quy mô công nghiệp liên quan đến thích ứng biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và tính đa dạng sinh học của môi trường biển. Ở các mô hình nuôi cá chẽm quy mô công nghiệp, dự án của Australis Việt Nam như Greener Grazing hướng tới nuôi xen canh rong đỏ Asparagopsis. Mô hình xen canh rong và cá chẽm được xem là giải pháp nhằm phục hồi môi trường. Cùng với đó là nuôi trồng rong sụn Kappaphycus. Loại tảo này có công dụng thu hút một số lượng đáng kể các loài cá ăn thực vật, vừa góp phần vào câu chuyện giảm phát thải để canh tác bền vững.

Việc nuôi trồng xen canh rong biển ở các mô hình nuôi cá chẽm còn có khả năng làm chậm tiến trình acid hóa đại dương, tái tạo và tăng cường tính bền vững của các hệ sinh thái biển, đồng thời hấp thụ một lượng carbon rất lớn.

“Để phát triển nuôi biển bền vững, nhất là đối với những mô hình nuôi biển quy mô công nghiệp hiện đại như con đường Australis Việt Nam đang theo đuổi, chúng tôi kiến nghị cần phải cân bằng giữa các yếu tố, giữa các bên liên quan nhằm tăng cường giải pháp an ninh sinh học trong nuôi biển. Cần sự chung tay của cơ quan quản lý Nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã và người nuôi biển trong vấn đề bảo vệ hệ sinh thái đại dương. Kiến nghị Chính phủ Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi nhất có thể trong vấn đề cấp phép cho các doanh nghiệp nuôi biển”, ông Leonardo Mata kiến nghị.

Giải pháp xanh để nuôi biển xanh

Bà Nguyễn Thị Hải Bình, Tổng giám đốc STP Group cho biết, đơn vị này đang nghiên cứu và ứng dụng các giải pháp về khoa học công nghệ để thực hiện nuôi biển bền vững, bảo vệ môi trường. Về hạ tầng thủy sản, STP luôn cập nhật và cải tiến các sản phẩm để mang lại giá trị sử dụng tốt nhất cho ngư dân, đáp ứng tập quán nuôi theo từng vùng và theo từng loài.

Kiểm tra các chỉ số trong nước tại vùng nuôi trồng thủy sản của STP tại biển Vân Đồn. Ảnh: Kiên Trung.

Kiểm tra các chỉ số trong nước tại vùng nuôi trồng thủy sản của STP tại biển Vân Đồn. Ảnh: Kiên Trung.

Hiện, STP đưa ra 4 mẫu lồng nuôi nổi bằng vật liệu HDPE, gồm lồng/cụm lồng vuông thích hợp nuôi cá nước ngọt, lợ và vùng vịnh biển trong phạm vi 3 hải lý; lồng tròn ứng dụng nuôi cá đa môi trường, thường được lựa chọn cho nuôi xa bờ, cho năng suất nuôi cao hơn với thể tích lồng lớn; lồng chữ nhật và cụm lồng chữ nhật sử dụng nuôi các loài cá biển kích thước lớn; lồng phao hạ tầng. Những lồng nuôi HPDE giúp dễ dàng tháo lắp, vận hành, có thể cơi nới, sửa chữa, đa dạng về kích thước, tiện dụng trong nhiều môi trường nước khác nhau.

Tại Quảng Ninh, từ năm 2017, STP Group đã phối hợp với HTX Phất Cờ (huyện Vân Đồn) xây dựng mô hình Farm nuôi trồng thủy sản kết hợp du lịch. Tại đây, một khu nhà tiền chế với hệ thống nổi HDPE sử dụng làm nhà ở, khu vực nghỉ ngơi cho bà con nuôi trồng thủy sản gần và xa bờ. Điều quan trọng, STP ứng dụng công nghệ tự động AI trong nuôi trồng thủy sản, gồm hệ thống cho ăn tự động, robot giặt lưới, giải pháp giúp giảm nguồn nhân lực vận hành để gia tăng hiệu suất, năng suất nuôi để tăng giá trị kinh tế.

Farm nuôi thủy sản kết hợp du lịch trải nghiệm của STP. Ảnh: Kiên Trung.

Farm nuôi thủy sản kết hợp du lịch trải nghiệm của STP. Ảnh: Kiên Trung.

“Công nghệ nuôi cá, cho ăn tự động, camera AI phân tích sự bắt mồi của cá từ đó hạn chế tối đa thức ăn thừa. Thiết bị đo lường môi trường nuôi, hệ thống cảm biến từ Đức liên tục đo lường môi trường nuôi và ghi nhận theo thời gian thực, phát hiện sớm các yếu tố môi trường ảnh hưởng tới cá. Trường hợp nước thiếu oxy, hệ thống quạt cung cấp oxy sẽ chạy tự động để bổ sung nguồn oxy cho vật nuôi; thiết bị phát hiện sớm tình trạng tảo nở hoa để có phương án phòng ngừa gây độc cho vật nuôi. Các thiết bị này được lắp đặt ở các vùng nuôi để tạo dựng hệ thống dữ liệu lớn (Big Data) của mỗi vùng, từ đó các cơ sở chọn loại thuốc phù hợp cho hoạt động nuôi thủy hải sản.

Đối với phương án nuôi xen canh, đa loài, STP hiện đang nuôi kết hợp rong sụn với hàu và cá biển. Việc nuôi đa tầng kết hợp giữa hai loài nuôi có tác dụng bổ trợ nhau cùng tăng trưởng nhanh. Rong phát triển nên phần tế bào phía ngoài bị thay thế (màng sinh học trên thân rong) bị thay thế bong tróc liên tục để tăng trưởng. Đó chính là nguồn thức ăn khá tốt trong quá trình phát triển của hàu. Khi kết hợp hai loài thì khả năng làm sạch nước được cải thiện lớn hơn khi chỉ có một loài tham gia”, bà Hải Bình cho hay.

Xem thêm
Nuôi nhuyễn thể có thể là mũi nhọn lớn thứ 3 sau tôm, cá tra

Người tiêu dùng trong nước và trên thế giới ngày càng nhận thấy nhuyễn thể hai mảnh vỏ là thực phẩm giàu protein, ít béo…, đặc biệt việc nuôi trồng bền vững với môi trường.

Nghiệp đoàn Nghề cá: Điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi

Từ nhu cầu thực tiễn, Nghiệp đoàn Nghề cá ra đời là nhu cầu cấp thiết và trở thành điểm tựa vững chắc giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ giữ đà tăng trưởng trong năm 2025

Theo Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân, Việt Nam có nhiều ưu điểm vượt trội về năng lực sản xuất các sản phẩm thủy sản so với các quốc gia cạnh tranh khác.

Cứu ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ rơi xuống biển

Quảng Trị Ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ đi hái rau mứt không may trượt chân, rơi xuống biển đã được thuyền viên tàu cá Bình Định và tổ tự quản đưa lên bờ an toàn.

Bình luận mới nhất