Mô hình nuôi chồn hương đang phát triển mạnh ở Nghệ An, được nhiều hộ lựa chọn nuôi vì sức đề kháng vượt trội, ít dịch bệnh, sinh sản ổn định và cho hiệu quả kinh tế cao.
Nuôi chồn hương kháng bệnh hiệu quả, đẻ nhiều, người nuôi lãi lớn
MC: Trong thời gian gần đây, mô hình nuôi chồn hương đang phát triển mạnh ở Nghệ An. Trang trại của anh Vũ Văn Cử ở xóm 3, xã Xuân Lam, huyện Hưng Nguyên là một trong nhưng mô hình tiên phong của việc vừa tham gia nuôi, lại áp dụng hình thức chuỗi liên kết bền vững, bán sản phẩm và kết hợp bao tiêu đầu ra cho các đối tác.
Phỏng vấn anh Vũ Văn Cử: “Năm 2019 tôi có đi làm xây dựng trong miền nam, quá trình tham quan, tìm hiểu nhận thấy mô hình nuôi chồn hương cho giá trị kinh tế cao. Hiện tại tôi đang có 2 trang trại, 1 trạng trại ở xã Xuân Lam với quy mô hơn 300 con, trang trại thứ 2 ở xóm 6 xã Nghi Kiều, huyện Nghi Lộc quy mô hơn 200 con”.
MC: Nguyên nhân của việc phát triển nuôi chồn hương được nhiều hộ ưu tiên chọn nuôi là vì loài này sở hữu nhiều đặc tính vượt trội. Chồn hương dễ nuôi, sinh sản ổn định. Chi phí thức ăn không quá cao, nhưng lại cho giá trị kinh tế vượt trội. Đặc biệt, chồn gần như miễn nhiễm với dịch bệnh nên rủi ro được giảm thiểu đến mức tối đa.
Phỏng vấn anh Cử: “Chồn hương sức đề kháng cao, rất ít bệnh, thứ hai nữa là không sống theo bầy đàn, mỗi con mỗi chuồng riêng biệt, cách ly bên ngoài nên dịch bệnh cũng ít”.
MC: Qua nhiều năm theo dõi, anh Cử nhận thấy 2 loại bệnh khá phổ biến trên con chồn hương là tiêu chảy và viêm phổi, thường xảy ra vào thời điểm giao mùa. Nếu tuân thủ đúng quy trình nuôi, kết hợp chủ động tiêm phòng vắc-xin và về sinh sạch sẽ chuồng trại tình hình không quá đáng lo. Thông thường 1 con chồn cái sinh sản từ 1 - 2 lứa/ năm, mỗi lứa dao động từ 2 - 6 con. Hiện tại mỗi cặp giống đẹp được anh Cử bán với giá 15 triệu đồng. Từ hiệu quả kinh tế vượt trội mà con chồn hương mang lại, nhiều hộ đã tiếp cận và xây dựng mô hình.
Phỏng vấn bà Nguyễn Thị Xuân, hộ nuôi tại xã Hưng Tân, huyện Hưng Nguyên “Tìm hiểu về mô hình chăn nuôi chồn của anh Cử nên gia đình anh chị quyết định nuôi lần đầu 10 con, quá trình nuôi thấy phù hợp với điều kiện thời tiết, phát triển ổn định nên quyết định nhân rộng lên 20 con”.
MC: Nghệ An là tỉnh có thời tiết bất thuận, mùa hè nắng hầm hập còn mùa đông lại lạnh buốt thấu xương, đây là rào cản đối với các loại vật nuôi. Dù vậy chồn hương với sức đề kháng vượt trội lại không bị tác động quá nhiều, điều đó nói lên sự khác biệt.
Phỏng vấn ông Nguyễn Cảnh Toàn, PCT UBND xã Xuân Lam, huyện: “Con chồn hương gần gũi với môi trường, đặc biệt phù hợp với môi trường nhiệt đới của Nghệ An. Công tác phòng trừ rất thuận tiện, trong quá trình nuôi anh em theo dõi không có dịch bệnh lớn xảy ra trên đàn chồn hương”.
MC: Dù khá mới mẻ nhưng mô hình nuôi chồn hương tại Nghệ An bước đầu cho tín hiệu thực sự khả quan. Với diễn biến lúc này, dự kiến mô hình sẽ được nhân rộng trong thời gian tới.