| Hotline: 0983.970.780

'Thủ phủ’ chồn hương Quảng Bình

Thứ Ba 01/10/2024 , 09:16 (GMT+7)

QUẢNG BÌNH Bố Trạch hiện có tổng đàn động vật rừng nguy cấp, quý hiếm khá lớn đang được nuôi nhốt dưới sự giám sát, quản lý của lực lượng kiểm lâm.

Huyện Bố Trạch là địa phương đứng đầu của tỉnh Quảng Bình về số hộ nuôi, tổng đàn nuôi các loại động vật rừng quý hiếm hiếm và động vật hoang dã nguy cấp.

Ông Đoàn Văn Ngãi, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Bố Trạch cho hay: “Từ vài hộ nuôi ban đầu với số lượng ít, chỉ trong thời gian ngắn, trên địa bàn huyện đã phát triển thêm hàng chục cơ sở nuôi. Có doanh nghiệp đã đầu tư tiền tỷ để nuôi các loài động vật hoang dã. Lượng lực kiểm lâm chúng tôi đã làm việc hết sức mình nhằm hỗ trợ bà con trong quá trình phát triển nghề nuôi mới. Đồng thời, hỗ trợ bà con thực hiện đúng những quy định của pháp luật trong lĩnh vực này”.   

Cán bộ kiểm lâm địa bàn huyện Bố Trạch kiểm tra cơ sở nuôi chồn mốc tại xã Sơn Lộc. Ảnh: T. Đức.

Cán bộ kiểm lâm địa bàn huyện Bố Trạch kiểm tra cơ sở nuôi chồn mốc tại xã Sơn Lộc. Ảnh: T. Đức.

Tăng nhanh cơ sở nuôi và tổng đàn

Cách đây khoảng 3 năm, trên địa bàn huyện Bố Trạch, các cơ sở nuôi nhốt động vật hoang dã quý hiếm chủ yếu là cầy vòi hương (bà con hay gọi là chồn hương) và cầy vòi mốc (chồn mốc) với số lượng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vậy mà đến nay, toàn huyện đã có 13 xã, thị trấn có cơ sở nuôi nhốt động vật hoang dã với số lượng hàng trăm con với mục đích kinh doanh. Đứng đầu hiện nay là thị trấn nông trường Việt Trung với 4 cơ sở nuôi, tổng đàn gần 130 con, sau đó là xã Cự Nẫm, Phúc Trạch (đều có 3 cơ sở nuôi/xã với tổng số gần 100 con). Nhiều xã còn lại có từ 1 - 2 cơ sở nuôi với số lượng ít hơn và đang trong giai đoạn khởi nghiệp.

Chúng tôi ghé thăm cơ sở nuôi chồn mốc của bà Trần Thị Tình (xã Sơn Lộc, huyện Bố Trạch). Khu nuôi nhốt động vật hoang dã được đặt cách xã khu dân cư. Anh Nguyễn Anh Tuấn, nhân viên phụ trách khu trại cho hay, cách đây 3 năm, cơ sở mua 7 cặp giống chồn mốc về thả nuôi. Đến nay, cơ sở đang duy trì 34 con, chủ yếu là nuôi sinh sản để bán giống.

Anh Tuấn cho biết: “Tính từ khi mua giống về thả thì khoảng sau một năm chồn cái động đực và cho ghép đôi một cặp để phối giống. Chồn cái có chửa được khoảng 2 tháng 10 ngày thì sinh sản được 2 - 3 con mỗi lứa. Chồn cái chăm sóc tốt trung bình sinh 3 lứa mỗi năm”.

Cũng theo anh Tuấn, chồn con sau khi tách mẹ nuôi riêng từ 6 - 12 tháng là có thể bán giống. Tùy theo thị trường, chồn giống có giá từ 10 - 20 triệu đồng mỗi cặp.

Giống chồn mốc tùy theo thị trường có giá từ 10 - 20 triệu đồng mỗi cặp. Ảnh: T. Đức.

Giống chồn mốc tùy theo thị trường có giá từ 10 - 20 triệu đồng mỗi cặp. Ảnh: T. Đức.

Tại cơ ở nuôi chồn hương của ông Đặng Đức Khanh (xã Đồng Trạch, huyện Bố Trạch), với hệ thống chuồng trại được đầu tư khá bài bản, hiện cơ sở nuôi của ông có trên 40 con chồn hương gồm 10 con đực và 30 con cái.

Ông Khanh cho hay, đây là nghề nuôi mới nhưng so với chăn nuôi các vật nuôi truyền thống như lợn, gà, dê, ngỗng… thì nuôi chồn hương nhàn hơn cả. “Chồn được nuôi trong chuồng kín, người nuôi cho ăn theo định kỳ và thức ăn cũng không khó kiếm. Nuôi chồn hương cũng ít rủi ro hơn và giá bán cao nên dù nuôi số lượng ít mà thu nhập lớn” - ông Khanh bộc bạch.

Đối với chồn mốc, hiện số cơ sở nuôi tại Bố Trạch ít hơn so với chồn hương. Anh Nguyễn Thái Sơn (ở thị trấn nông trường Việt Trung) có cơ sở nuôi chồn mốc với tổng đàn 15 con. Anh cho hay, giữa chồn hương và chồn mốc không khác nhau nhiều về cách nuôi, chăm sóc và giá cả. Chúng cơ bản giống nhau về hình dạng, trọng lượng và sinh sản. Khác biệt nhất để nhận biết là qua màu lông và cơ bản nhất là dấu vết ở vùng lông trước mặt. Chồn mốc có vệt lông trắng chạy dọc trước mắt, chồn hương thì vệt lông trắng chạy ngang.

Lực lượng kiểm lâm luôn giám sát biến động số lượng chồn nuôi tại các cơ sở đã được cấp mã số. Ảnh: T. Đức.

Lực lượng kiểm lâm luôn giám sát biến động số lượng chồn nuôi tại các cơ sở đã được cấp mã số. Ảnh: T. Đức.

Theo nhiều bà con, khi nuôi chồn cần lưu ý ở giai đoạn phối giống, chọn đúng thời điểm để ghép đôi chồn đực và chồn cái và sau đó phải tách riêng ra. Thức ăn của chồn chủ yếu là chuối chín. Người nuôi thường “tẩm bổ” thêm trong thức ăn hàng ngày cho chồn cháo gạo nấu với cá hay nấu với tiết đông của các loại gia súc. Nói về thu nhập, ông Khanh (xã Đồng Trạch) cho hay, mỗi năm gia đình có thu nhập trên 200 triệu đồng từ nuôi chồn hương.

Quản lý chặt mô hình nuôi mới

Với những hộ nuôi nhốt động vật hoang dã để kinh doanh, Hạt Kiểm lâm huyện Bố Trạch đã xây dựng kế hoạch quản lý theo quy định của pháp luật. Theo ông Đoàn Văn Ngãi, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Bố Trạch, tại các cơ sở nuôi nhốt động vật hoang dã (chồn hương, chồn mốc, dúi, nhím…), đơn vị đã có kế hoạch để giám sát, kiểm tra và hướng dẫn bà con thực hiện đúng, đầy đủ các thủ tục để được cấp phép, cấp mã số.

“Huyện Bố Trạch có Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và các xã vùng đệm nên việc kiểm soát động vật hoang dã nuôi nhốt càng phải thận trọng và chặt chẽ hơn” - ông Ngãi nói thêm.

Kiểm lâm viên phụ trách địa bàn - anh Phạm Phong Phú (Hạt Kiểm lâm huyện Bố Trạch) cho biết, hiện anh được giao đảm nhận địa bàn 3 xã Sơn Lộc, Trung Trạch và Hải Phú. Ngoài nhiệm vụ tham mưu, giám sát, kiểm tra công tác bảo vệ phát triển rừng trên địa bàn phụ trách, anh Phú còn có nhiệm vụ làm tốt công tác kiểm soát việc nuôi nhốt động vật hoang dã tại các địa phương.

Anh Phú cho hay, kiểm lâm viên địa bàn phải nắm chắc, cụ thể từng hộ dân nuôi, số lượng, biến động về số lượng và luôn kiểm tra thực tế tại các cơ sở nuôi. “Không chỉ kiểm soát về số lượng, chúng tôi còn phải hướng dẫn cho bà con thủ tục hành chính trong quá trình nuôi. Giúp bà con về phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi.

Chồn nuôi thương phẩm có thể bán với giá từ 1,8 - 2 triệu đồng mỗi kg. Ảnh: T. Đức.

Chồn nuôi thương phẩm có thể bán với giá từ 1,8 - 2 triệu đồng mỗi kg. Ảnh: T. Đức.

Ngoài ra, việc mua bán, vận chuyển động vật hoang dã nuôi nhốt ra vào địa bàn phải có sự giám sát, kiểm tra cụ thể từng con, cụ thể về loài, số lượng, trọng lượng từng con… để tránh tình trạng lợi dụng để mua bán, vận chuyển động vật hoang dã trái phép” - anh Phú cho biết thêm.

Theo nhìn nhận của ông Ngãi, sở dĩ trên địa bàn thời gian qua phát triển nhanh cơ sở nuôi động vật hoang dã bởi mức đầu tư ban đầu không cao, thu hồi vốn nhanh và thị trường đang có nhu cầu lớn. Mỗi mô hình nuôi chỉ vài chục con vừa sinh sản, vừa bán thương phẩm cũng có thể cho thu nhập vài trăm triệu đồng mỗi năm. Vì vậy, cơ sở nuôi có thể tiếp tục tăng vào thời gian tới.

Chính nhờ sự vào cuộc theo trình tự và có kiểm soát nên đến bây giờ, trên địa bàn huyện Bố Trạch chưa phát hiện vụ gian lận nào và cũng không phát hiện trường hợp vi phạm đến động vật hoang dã rừng. “Việc kiểm soát tốt động vật hoang dã nuôi nhốt đã góp phần hạn chế nạn khai thác, mua bán, sử dụng động vật hoang dã rừng” - ông Ngãi nhìn nhận.

“Hiện nay, huyện Bố Trạch đã có 30 cơ sở nuôi nốt cầy vòi hương, cầy vòi mốc với tổng đàn gần 500 con. Chúng tôi đã đưa vào quản lý đăng ký mã số 23 cơ sở. Những cơ sở còn lại đang trong giai đoạn làm thủ tục hồ sơ để được cấp mã số. Chúng tôi cũng tham mưa cho UBND huyện có kế hoạch phát triển cơ sở nuôi, đàn nuôi theo lộ trình, kiểm soát phát triển và đầu ra sản phẩm”, ông Đoàn Văn Ngãi, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Bố Trạch cho biết.

Xem thêm
Biên Hòa phát hiện, xử lý các lò mổ lậu

Đồng Nai Lực lượng liên ngành thành phố Biên Hòa đang tăng cường kiểm tra, xử lý các điểm giết mổ không phép trên địa bàn, nhất là trong giai đoạn cuối năm.

Cải tạo đồi cằn trồng na trái vụ, giá trị hơn 1 tỷ đồng/ha

Lào Cai Từ những vùng đất đồi cằn cỗi, nhờ dày công cải tạo đất, áp dụng đồng bộ kỹ thuật chăm sóc, cây na đã cho ra quả trái vụ, giá trị hơn 1 tỷ đồng/ha/năm.

Bảo tồn giống bưởi cơm của xứ Mường

Hòa Bình Sớm đó, khi thảm cỏ còn đẫm sương đêm, tôi cùng anh Lương Văn Thảo (xóm Má 1, xã Bắc Phong, huyện Cao Phong, Hòa Bình) leo lên quả đồi cao trước mặt.