Nuôi chồn hương tại Nghệ An phát triển mạnh mẽ nhiều năm gần đây, các hộ tham gia áp dụng quy trình tương đối đồng bộ, khoa học theo hình thức chuỗi liên kết bền vững. Không chỉ cung cấp con giống đều đặn, một số trang trại còn chủ động hướng dẫn quy trình, kết hợp thu mua chồn thịt cho đối tác có nhu cầu.
Chồn hương có mùi vị đặc trưng, thơm ngon nên dễ dàng được người tiêu dùng đón nhận, thị trường thu mua ổn định giúp nhiều hộ lãi lớn, có chủ hộ kiếm cả tỷ đồng/năm. Nhân vật chúng tôi muốn đề cập là anh Vũ Văn Cử, xóm 3, xã Xuân Lam, huyện Hưng Nguyên.
Sau khoảng thời gian tầm sư học đạo đủ dài, năm 2019 anh Cử quyết định đầu tư nuôi chồn hương. Chân ướt chân ráo vào nghề anh Cử nuôi thăm dò để nắm bắt thị trường. Bước đầu anh chủ động nuôi thử nghiệm 25 con giống với tổng mức đầu tư khoảng 300 triệu đồng.
Với anh Cử, thời gian này đặc biệt quan trọng, thành hay bại sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tham vọng của bản thân. Đồng tiền đi liền khúc ruột thành thử quá trình chăm sóc chồn hương nhọc nhằn như chăm con mọn, từ đầu chí cuối phải chú tâm, tỉ mẩn trong từng công đoạn.
Để giảm thiểu tối đa nguy cơ dịch bệnh đòi hỏi phải tiêm phòng đầy đủ cho vật nuôi. Mỗi con chồn được nuôi mỗi chuồng riêng biệt, chiều cao chuồng dao động từ 0,7 - 0,8m, đáy chuồng cách mặt đất độ 1 gang tay, vừa đảm bảo thoáng mát lại tránh ẩm độ bốc lên từ sàn nền.
Qua nhiều năm ứng dụng, anh Vũ Văn Cử đúc kết kinh nghiệm thực tiễn: “2 loại bệnh phổ biến mà chồn hương thường mắc phải là tiêu chảy và viêm phổi, hay xảy ra vào thời điểm giao mùa. Nếu tuân thủ đúng quy trình, chủ động tiêm phòng và về sinh sạch sẽ chuồng trại không quá đáng lo. Chỉ cần quan sát nhịp thở và lượng phân tiết ra có thể phán đoán được diễn biến chung, qua đó kịp thời đưa ra phương án điều trị.
Một điểm cần lưu ý nữa là tâm lý của chồn mẹ trong quá trình nuôi con, lúc này chồn mẹ rất nhạy cảm và nêu cao cảnh giác, khi nghe tiếng ồn bất thương hay có sự xuất hiện của người lạ tức thì sẽ giấu kín chồn con trong tổ. Việc này sẽ làm tổn thương chồn con, nhẹ thì xây xát, nặng sẽ nhiễm trùng, nếu không phát hiện kịp thời có thể gây tử vong”.
Anh Cử thông tin thêm, 1 con chồn cái sinh sản từ 1 - 2 lứa/ năm, mỗi lứa dao động từ 2 - 6 con. Sau khi sinh khoảng hai tháng chồn con sẽ được tách hẳn ra để sống tự lập, lúc này áp dụng chế độ ăn 2 lần/ ngày, khi đạt trọng lượng trên 3kg sẽ rút ngắn khẩu phần xuống 1 lần/ngày.
Thực đơn chính của chồn hương là cá rô phi xay nhuyễn trộn lẫn với chuối, thi thoảng sẽ thay đổi bằng đầu, cổ gà nấu cháo. Sau thời gian nhất định sẽ tiến hành phân loại, những con đạt tiêu chuẩn sẽ giữ làm giống, số còn lại sẽ bán thương phẩm.
“Chồn cái nếu sinh sản sớm có thể ảnh hưởng đến chất lượng con giống, do đó đòi hỏi phải nắm rõ toàn bộ quá trình sinh trưởng, phát triển của vật nuôi, đặc biệt là thời điểm phát dục. Chúng tôi xác định củng cố thương hiệu, uy tín là yếu tố cốt lõi trong sản xuất, kinh doanh, vì thế nhất nhất khi xuất giống phải đảm bảo đầy đủ các yếu tố, phải được tiêm phòng, giám sát đầy đủ. Ngoài ra, trang trại sẵn sàng hỗ trợ quy trình, kiến thức cơ bản cần có cũng như đứng ra bao tiêu sản phẩm cho đối tác”, anh Cử nhấn mạnh.
Sau 5 năm gầy dựng, hiện anh Cử sở hữu trên 500 con chồn sinh sản. Hàng năm trang trại xuất bán hơn 200 cặp giống với mức giá dao động 13 - 14 triệu đồng/cặp, trừ chi phí lãi hơn 1 tỷ đồng/năm, ấy là chưa tính lợi nhuận từ bán thịt chồn thương phẩm.