Mô hình kết hợp nuôi thủy sản dưới tán rừng ngập mặn không chỉ bảo vệ môi trường mà còn tạo sinh kế ổn định, mang lại lợi nhuận mỗi năm khoảng 150 triệu đồng/ha.
Nuôi thủy sản dưới tán rừng ngập mặn, mỗi năm lãi 150 triệu đồng/ha
Trong mô hình này, tôm, cua, cá được thả vào khu vực rừng ngập mặn, nơi chúng sinh trưởng hoàn toàn tự nhiên. Nguồn thức ăn cho thủy sản bao gồm rong rêu, sinh vật phù du và các loài thủy sinh có sẵn dưới tán rừng. Nhờ không sử dụng thức ăn công nghiệp, chi phí nuôi trồng giảm đến 80%, đồng thời chất lượng sản phẩm lại vượt trội hơn hẳn so với các phương pháp nuôi công nghiệp.
Anh Nguyễn Minh Nhựt, xã Long Khánh, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh: Bên cạnh việc tạo ra thức ăn cho tôm cua, rừng còn che phủ tạo bóng mát, giúp cho tôm cua lẫn trốn để hạn chế phát sinh dịch bệnh.
Những sản phẩm thủy sản nuôi dưới tán rừng thường được thương lái thu mua với giá cao hơn từ 20 đến 30% so với sản phẩm nuôi công nghiệp. Trung bình, mỗi hecta mô hình rừng – thủy sản mang lại thu nhập từ 120 đến 150 triệu đồng mỗi năm. Đây là nguồn thu nhập đáng kể giúp nâng cao đời sống cho người dân ven biển.
Anh Nguyễn Minh Nhựt, xã Long Khánh, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh: Hằng năm của mình thả tôm khoảng 200 ngàn con giống và cua khoảng 59-100 ngàn con giống. Sản lượng thu hoạch hàng năm cua từ 400-500kg và tôm từ 500kg - 1 tấn tôm, tùy vụ.
Để duy trì và phát triển mô hình này, tỉnh Trà Vinh đã triển khai Dự án Đầu tư trồng rừng phòng hộ ven biển, với dự kiến trồng mới thêm khoảng 800ha rừng ngập mặn đến năm 2025, nâng độ che phủ rừng lên 4,5%. Những diện tích rừng mới trồng sẽ được giao khoán cho người dân chăm sóc và bảo vệ, đồng thời họ có thể kết hợp nuôi thủy sản để tạo thêm nguồn thu nhập.
Ông Lê Văn Tâm, Hạt Kiểm lâm huyện Cầu Ngang: Chính sách giao khoán rừng của nhà nước cho phép người dân sống ven rừng được hưởng lợi không chỉ từ việc chăm sóc rừng mà còn từ việc khai thác thủy sản dưới tán rừng. Hằng năm, mỗi hộ dân được nhận hỗ trợ 500.000 đồng cho mỗi hecta rừng được giao khoán, đồng thời họ có quyền khai thác các sản phẩm từ tôm, cua, cá để phát triển kinh tế gia đình.
Mô hình nuôi thủy sản dưới tán rừng không chỉ mang lại lợi nhuận cao mà còn đóng góp quan trọng trong việc bảo vệ môi trường, ngăn chặn xói mòn đất, và chống lại tác động của biến đổi khí hậu. Đây là mô hình sinh kế bền vững, vừa giúp người dân ổn định cuộc sống vừa bảo vệ hệ sinh thái rừng ngập mặn, đảm bảo sự phát triển bền vững cho tương lai.