| Hotline: 0983.970.780

Nuôi thủy sản dưới tán rừng hướng đến phát thải thấp

Thứ Ba 13/08/2024 , 17:08 (GMT+7)

Trà Vinh Mô hình nuôi tôm dưới tán rừng không chỉ mang lại lợi nhuận ổn định, khoảng 100 triệu đồng/ha mỗi năm, mà còn có tiềm năng tăng giá trị nhờ khai thác tín chỉ carbon.

Nông dân huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh phát triển nghề nuôi thủy sản dưới tán rừng. Ảnh: Hồ Thảo.

Nông dân huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh phát triển nghề nuôi thủy sản dưới tán rừng. Ảnh: Hồ Thảo.

Theo người dân vùng giáp biển tỉnh Trà Vinh, mô hình nuôi tôm dưới tán rừng ngập mặn đã xuất hiện từ nhiều năm trước, chủ yếu tại huyện Duyên Hải.

Ban đầu, hầu hết các hộ thực hiện mô hình đều thu lãi cao, thắng lớn, nhưng chỉ có số ít người nhận ra việc trúng tôm là nhờ hệ sinh thái rừng hỗ trợ. Nhiều người lầm tưởng rễ cây phát triển chiếm diện tích tôm ở nên đã phá rừng để mở rộng ao nuôi.

Kể từ đó, tôm nuôi liên tục thất bát, khiến nhiều hộ gia đình rơi vào cảnh nợ nần chồng chất, đến nay vẫn chưa trả hết.

Sau khi được chính quyền tuyên truyền và rút kinh nghiệm từ thực tế, người dân dần nhận ra việc thiếu độ che phủ của rừng là nguyên nhân khiến đàn thủy sản dễ nhiễm bệnh. Họ bắt đầu hợp tác với các cơ quan chức năng để trồng lại rừng, khắc phục sai lầm trước đó.

Ông Nguyễn Chúc Linh, người có nhiều năm gắn bó với nghề nuôi tôm ở (ấp Phước Thiện, xã Đông Hải) chia sẻ: Trước đây, đa số hộ nuôi theo mô hình công nghiệp, tỷ lệ sống của tôm rất thấp, chỉ đạt khoảng 10-15% bởi bị sốt nhiệt. Từ khi tôi trồng cây đước trong ao, tạo bóng mát cho tôm và cua trú ẩn, rủi ro đã giảm đi đáng kể. Tỷ lệ thành công của mô hình đạt trên 80%, cao hơn nhiều so với nuôi chuyên canh.

Hàng năm, ông Linh thả nuôi từ 40.000 - 45.000 con tôm và 5.000 - 10.000 con cua giống trên diện tích 4ha, lợi nhuận trung bình đạt 120 triệu đồng/ha mỗi năm, trong đó lãi 20 triệu từ cua. Mặc dù thu nhập từ mô hình tôm - rừng không cao bằng nuôi công nghiệp, nhưng lại mang lại sự ổn định lâu dài.

Ông Linh lưu ý để đảm bảo năng suất cao khi nuôi tôm quảng canh dưới tán rừng, người nuôi cần tuân thủ lịch thời vụ thả giống và chọn giống tôm chất lượng. Gia đình ông thường chia ra 4 đợt thả giống mỗi năm, mỗi đợt khoảng 10.000 con. Đặc biệt, vào mùa mưa, khi nhiệt độ và độ mặn của nước biến động, ông chuyển sang nuôi cua biển để đảm bảo thu nhập ổn định.

Ông Linh cho biết, nuôi tôm dưới tán rừng không chỉ ít tốn công chăm sóc mà còn giúp giảm chi phí thức ăn nhờ tận dụng nguồn vi sinh vật tự nhiên trong nước, giúp tôm khỏe và ít nhiễm bệnh. Ông tâm đắc mô hình ở chỗ không chỉ mang tính bền vững mà còn thân thiện với môi trường.

"Nếu nuôi thủy sản dưới tán rừng theo quy trình giảm phát thải để khai thác tín chỉ carbon, người dân sẽ rất phấn khởi. Khi huyện, tỉnh triển khai quy hoạch, xây dựng mô hình điểm chúng tôi sẽ tham gia ngay", ông Linh nói.

Nông dân đang thu hoạch cua nuôi dưới tán rừng. Ảnh: Hồ Thảo.

Nông dân đang thu hoạch cua nuôi dưới tán rừng. Ảnh: Hồ Thảo.

Tin từ Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh cho biết, đơn vị đang trình UBND tỉnh xin kinh phí khoảng 5 tỷ đồng để điều tra, cập nhật diện tích rừng của tỉnh cũng như thuê đơn vị tư vấn hướng tới việc tham gia thị trường carbon.

Ông Lê Quang Răng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh, cho biết, với tổng diện tích rừng hơn 9.000ha, trong đó hơn 4.000ha là rừng do người dân tự trồng và bảo vệ để kết hợp nuôi tôm sinh thái, việc tham gia thị trường carbon rất tiềm năng.

Mô hình này không chỉ giúp hấp thụ carbon, giảm phát thải khí nhà kính mà còn tạo thêm thu nhập cho người nuôi tôm từ việc bán tín chỉ carbon. Tuy nhiên, đây mới là bước đầu, để đảm bảo quy trình, việc nuôi thủy sản theo hướng giảm phát thải khí nhà kính cần sự tham gia của các ngành chuyên môn. 

Ông thông tin thêm ngoài thực hiện mô hình điểm tham gia Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, tỉnh cũng đang triển khai nhiệm vụ khoa học - công nghệ về "Xây dựng bản đồ phân bố không gian, ước lượng carbon và khả năng hấp thụ CO2 trên sinh khối cây dừa tỉnh Trà Vinh" nhằm hướng tới tham gia thị trường carbon trên loại cây này.

Xem thêm
Nâng tầm chăn nuôi vùng ven biển: [Bài cuối] Lộ trình chăn nuôi tập trung ứng dụng công nghệ cao

HẢI PHÒNG Là thành phố Cảng năng động, đô thị hóa mạnh mẽ, diện tích canh tác thu hẹp, lĩnh vực chăn nuôi của Hải Phòng đã có lộ trình, giải pháp để phát triển hiệu quả.

Tăng tốc giải ngân hỗ trợ người chăn nuôi thiệt hại do dịch bệnh

Hơn 46 tỷ là số tiền Hà Tĩnh cấp cho các địa phương để hỗ trợ người chăn nuôi thiệt hại do bệnh viêm da nổi cục trâu, bò và dịch tả lợn Châu Phi.

Khám tổng thể sức khỏe đất: [Bài 5] Sức khỏe đất của tỉnh Phú Yên và Bắc Ninh

TS Lương Đức Toàn - Trưởng Bộ môn Sử dụng đất thuộc Viện Thổ nhưỡng Nông hóa thông tin về kết quả kiểm tra chất lượng đất của tỉnh Phú Yên và Bắc Ninh.