Hợp tác xã Nấm dược liệu Chư Yang Sin ở xã Chư Kty, huyện Krông Bông đã xây dựng mô hình 'trồng Linh chi đỏ dưới tán rừng' bước đầu mang lại hiệu quả tích cực.
Trồng nấm linh chi dưới tán rừng cho thu nhập cao
Hợp tác xã Nấm dược liệu Chư Yang Sin ở xã Chư Kty, huyện Krông Bông đã xây dựng mô hình “trồng Linh chi đỏ dưới tán rừng” bước đầu mang lại hiệu quả tích cực. Việc trồng cây dược liệu dưới tán rừng mở ra hướng đi mới, tạo sinh kế cho nhiều người dân vùng sâu, vùng xa của tỉnh Đắk Lắk.
Cách đây 2 năm, HTX Nấm dược liệu Chư Yang Sin bắt đầu trồng thử nghiệm nấm linh chi đỏ trên diện tích gần 1 ha dưới tán rừng keo lai tại xã Chư Kty, huyện Krông Bông. Đây là mô hình trồng dược liệu dưới tán rừng đầu tiên ở Đắk Lắk do hợp tác xã Nấm dược liệu Chư Yang Sin mạnh dạn trồng thử nghiệm, bước đầu phát triển tốt, mô hình đã tạo sinh kế cho nhiều người dân và xã viên tham gia hợp tác xã.
Bà Hồ Thị Bích Ngọc, Thôn 6, xã Cư Kty, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk
Trước đây tôi làm nông nghiệp cũng trồng lúa, cà phê, nhưng từ khi tham gia HTX và tôi thấy HTX mở ra rất hợp lý, giúp chúng tôi tăng thêm thu nhập và tranh thủ việc lúc nhàn rỗi.
Cùng với trồng nấm, HTX Nấm dược liệu Chư Yang Sin cũng đã tự sản xuất phôi nấm linh chi đỏ để cung cấp cho các cơ sở trồng nấm trong và ngoài tỉnh. Nấm linh chi trồng dưới tán rừng mang đặc tính tự nhiên nên giá thành cũng cao hơn so với trồng trong nhà trại, đây cũng là khó khăn cho đầu ra của sản phẩm. Hiện, HTX Nấm dược liệu Chư Yang Sin đang tìm đối tác để đàm phán về giá cả, cũng như liên kết với các đơn vị chế biến sâu, và đa dạng hóa sản phẩm để gia tăng giá trị của nấm linh chi đỏ.
Ông Đoàn Hữu Nhị,Người sáng lậpHTX Nấm dược liệu Chư Yang Sin
Chúng tôi đang đàm phán về giá. Hiện trên thị trường có rất nhiều loại nấm linh chi nhưng chủ yếu là trồng trong nhà. Đối với Đắk Lắk và Krông Bông thì chỉ có mỗi mô hình này là trồng dưới tán rừng, nên chúng tôi đang đàm phán với các Công ty lớn ở Hà Nội, TP.HCM. Ngoài ra chúng tôi dự kiến sẽ làm ra nhiều loại sản phẩm từ nấm linh chi như trà linh chi, rượu linh chi, viên nang linh chi để nâng cao giá trị từ nấm linh chi đỏ này.
HTX Nấm dược liệu Chư Yang Sin đang đi vào hoạt động sản xuất đi vào ổn định, do đó trong thời gian tới sẽ tập trung xây dựng thương hiệu. Hiện nay, HTX đã hoàn thiện hồ sơ để xét công nhận sản phẩm nấm Linh chi đỏ đã trở thành sản phẩm OCOP của địa phương vào cuối năm 2024.
Thời gian tới sẽ tiến hành mở rộng diện tích và đẩy mạnh việc bán phôi nấm ra thị trường để nhân rộng mô hình, giúp bà con tại địa phương có hướng đi mới trong phát triển kinh tế.
Ông Võ Tấn Trực, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Krông Bông
Hiện nay chúng tôi cùng HTX bước đầu trồng cây dược liệu dưới tán rừng thì thấy phát triển khá tốt. Đối với điều kiện Krông Bông hiện nay thì diện tích rừng trồng của bà con rất nhiều, đặc biệt là ở xã vùng 3, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Định hướng của phòng NN sắp đến sẽ tuyên truyền cho bà con là trồng cây dược liệu khác dưới tán rừng, chứ không riêng gì nấm linh chi. Để bà con chúng ta kết hợp trồng rừng và phát triển cây dược liệu dưới tán rừng nhằm tăng thu nhập cho bà con.
Đắk Lắk có diện tích hơn 500 nghìn ha rừng, trong đó hơn 75 nghìn ha rừng trồng. Địa phương cũng đã có kế hoạch trồng 500 ha cây dược liệu dưới tán rừng theo chỉ thị của Trung ương. Hiện tại, mô hình trồng nấm linh chi đỏ của hợp tác xã Nấm dược liệu Chư Yang Sin được xem là mô hình điểm của tỉnh, và bước đầu đã đem lại kết quả khả quan. Huyện Krông Bông và tỉnh Đắk Lắk đặt nhiều kỳ vọng và có kế hoạch nhân rộng mô hình trồng cây dược liệu dưới tán rừng, trong đó có nấm linh chi đỏ, mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập cho chủ rừng và người tham gia quản lý, bảo vệ, trồng rừng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế dưới tán rừng bền vững, lâu dài.