| Hotline: 0983.970.780

Trồng thảo quả dưới tán rừng, tăng thu nhập, bảo vệ rừng

Thứ Tư 18/09/2024 , 15:15 (GMT+7)

YÊN BÁI Nhiều hộ dân huyện vùng cao Mù Cang Chải phát triển cây thảo quả dưới tán rừng cho thu nhập 40 - 50 triệu đồng/ha/năm, hạn chế xói mòn đất, bảo vệ môi trường rừng.

Nhiều hộ dân ở huyện vùng cao Mù Cang Chải có thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ việc trồng cây thảo quả dưới tán rừng. Ảnh: Thanh Tiến.

Nhiều hộ dân ở huyện vùng cao Mù Cang Chải có thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ việc trồng cây thảo quả dưới tán rừng. Ảnh: Thanh Tiến.

Thu hàng trăm triệu nhờ thảo quả dưới tán rừng

Cao Phạ là một trong những xã có diện tích cây thảo quả lớn nhất ở huyện Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái). Nằm ở độ cao trên 1.000 mét so với mực nước biển, khí hậu mát mẻ, đất đai màu mỡ, diện tích rừng còn khá lớn, Cao Phạ có điều kiện thích hợp để phát triển mạnh cây thảo quả, trở thành một trong những cây xóa đói, giảm nghèo.

Gia đình chị Lý Thị Phếnh, người dân tộc Mông ở bản Tà Chơ, xã Cao Phạ là một trong những hộ có nhiều diện tích cây thảo quả được trồng từ năm 2008. Với hơn 2ha trồng cây thảo quả dưới tán rừng, mỗi năm gia đình chị Phếnh thu hoạch từ 800 – 900kg quả khô, giá bán trung bình từ 130.000 – 150.000 đồng/kg, cho thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm.

Theo chị Phếnh, trước đây người dân trong xã chỉ canh tác lúa và trồng ngô nương, thu nhập bấp bênh, đói nghèo đeo bám quanh năm. Từ khoảng năm 2010 trở đi, cây thảo quả bắt đầu được một số hộ dân lấy quả về gieo trồng thử nghiệm. Nhờ phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai nên cây phát triển tốt, đặc biệt là những diện tích trồng dưới tán rừng hoặc khu vực ven khe nước có độ ẩm cao. Người dân ở đây nhân rộng diện tích bằng quả hoặc cây con, thường trồng vào mùa mưa (từ tháng 4 đến tháng 9 hàng năm).

Mùa thu hoạch thảo quả bắt dầu từ cuối tháng 7 dương lịch và kéo dài đến hết tháng 10 hàng năm. Ảnh: Thanh Tiến.

Mùa thu hoạch thảo quả bắt dầu từ cuối tháng 7 dương lịch và kéo dài đến hết tháng 10 hàng năm. Ảnh: Thanh Tiến.

Việc chăm sóc cây thảo quả cũng khá đơn giản, chỉ cần phát sơ qua cỏ dại quanh gốc và để phát triển tự nhiên, không cần bón phân hay phun thuốc bảo vệ thực vật. Cứ đến khoảng cuối tháng 7 là bắt đầu vào vụ thu hoạch quả, thời gian thu hoạch kéo dài đến hết tháng 10 hàng năm. Mỗi ha thảo quả có thể cho thu nhập từ 40 - 50 triệu đồng/năm, nhờ đó đã giúp gia đình chị Phếnh và nhiều hộ dân trong xã có cuộc sống khấm khá hơn.

Cũng giống như nhà chị Phếnh, gia đình ông Sùng A Lử ở xã Cao Phạ bắt đầu trồng cây thảo quả dưới tán rừng từ năm 2012. Ban đầu ông chỉ trồng vài trăm cây trên diện tích khoảng 0,5ha. Thấy hiệu quả nên những năm sau ông tỉa cây con nhân rộng dần. Vào vụ thu hoạch (từ đầu tháng 8 hàng năm), cả gia đình ông lên rừng thu hái quả về sấy khô để bán cho thương lái. Với gần 2ha trồng dưới tán rừng, dự kiến năm nay ông Lử thu được khoảng 8 tạ thảo quả khô, thu nhập hơn 100 triệu đồng.

Ông Lử bộc bạch, 100 triệu đồng với người Mông vùng cao quý lắm, từ khi trồng cây thảo quả dưới tán rừng bà con mới có cuộc sống khá hơn. Cây thảo quả ưa ẩm, ưa bóng nên trồng dưới tán cây rừng và ven khe nước phát triển tốt, cho năng suất cao. Có thu nhập ổn định nên người dân không còn phát nương làm rẫy, không xâm lấn rừng, ngược lại còn quan tâm bảo vệ, chăm sóc diện tích rừng để tạo môi trường cho cây thảo quả phát triển.

Cây thảo quả rất phù hợp khi trồng dưới tán rừng, khu vực đất dốc nhiều đá, gần khe nước. Ảnh: Thanh Tiến.

Cây thảo quả rất phù hợp khi trồng dưới tán rừng, khu vực đất dốc nhiều đá, gần khe nước. Ảnh: Thanh Tiến.

Hiện nay ở xã Cao Phạ có trên 130ha cây thảo quả trồng dưới tán rừng, mỗi năm diện tích này mang lại thu nhập từ 5 - 6 tỷ đồng cho bà con. Không chỉ mang lại thu nhập ổn định, cây thảo quả còn góp phần giữ đất, chống xói mòn, sạt lở và bảo vệ môi trường sinh thái.

Phát triển thảo quả gắn với bảo vệ môi trường rừng

Không chỉ riêng ở xã Cao Phạ, những năm qua cây thảo quả đã được mở rộng diện tích tại nhiều địa phương ở huyện Mù Cang Chải như La Pán Tẩn, Khao Mang, Púng Luông, Lao Chải...

Hiện nay, toàn huyện có trên 2.100ha cây thảo quả. Giá trị bình quân của cây thảo quả trồng dưới tán rừng tự nhiên cho thu nhập khoảng 40 – 50 triệu đồng/ha. Loại cây này ưa sống dưới tán rừng, khả năng sinh trưởng tốt, không phải chăm sóc nhiều, trồng một năm thu hoạch nhiều năm, ít phải đầu tư.

Trung bình mỗi ha trồng thảo quả dưới tán rừng cho thu nhập từ 40 - 50 triệu đồng/năm. Ảnh: Thanh Tiến.

Trung bình mỗi ha trồng thảo quả dưới tán rừng cho thu nhập từ 40 - 50 triệu đồng/năm. Ảnh: Thanh Tiến.

Ông Lương Văn Thư, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Mù Cang Chải cho biết, để phát triển cây thảo quả gắn với việc bảo vệ rừng, ngành nông nghiệp huyện đã hỗ trợ cây giống, cử cán bộ hướng dẫn bà con cách thức trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây thảo quả. Bên cạnh đó phối hợp với các địa phương mở các lớp tập huấn kỹ thuật thu hoạch, bảo quản sau thu hoạch thảo quả để đảm bảo chất lượng. Hướng dẫn bà con tuân thủ nghiêm kỹ thuật trồng xen cây thảo quả dưới tán rừng mà không được chặt cây, không đốt các cây thảo mộc dưới tán rừng, không làm mất đi sự đa dạng sinh học của các loài cây, cỏ mọc trong rừng.

Đặc biệt, huyện Mù Cang Chải đã xây dựng Đề án “Quản lý cây thảo quả gắn với phát triển kinh tế đồi rừng”. Theo đó, mục tiêu là chỉ trồng thảo quả trên diện tích rừng do bà con nhận giao khoán bảo vệ, không phát triển tự do, không phá rừng để trồng thảo quả hoặc lấy gỗ sấy thảo quả. Hình thành thói quen và nhận thức cho người dân về kinh tế rừng gắn với cuộc sống lâu dài, không gây hại đến rừng mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế đồi rừng và góp phần giữ đất, giữ rừng.

Các hộ dân có nguyện vọng phát triển cây thảo quả trên diện tích rừng sản xuất được giao khoán, hoặc trên diện tích ít xung yếu của rừng phòng hộ, vùng đệm của rừng đặc dụng phải đăng ký với chính quyền địa phương. Từ đó, các ngành chức năng sẽ phối hợp với chính quyền các xã khảo sát, thiết kế, lập hồ sơ và thẩm định các diện tích được trồng thảo quả, có cam kết sử dụng đất dưới tán rừng đúng mục đích, theo đúng hồ sơ được phê duyệt.

Hiện nay, chính quyền huyện Mù Cang Chải rất chú trọng việc quản lý phát triển diện tích cây thảo quả gắn với bảo vệ rừng. Ảnh: Thanh Tiến.

Hiện nay, chính quyền huyện Mù Cang Chải rất chú trọng việc quản lý phát triển diện tích cây thảo quả gắn với bảo vệ rừng. Ảnh: Thanh Tiến.

Ngoài ra, huyện khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh để thu mua, sấy khô, chế biến thành phẩm trước khi xuất khẩu nhằm nâng cao giá trị sản phẩm thảo quả. Chính việc quản lý chặt chẽ các diện tích trồng thảo quả dưới tán rừng đã vừa góp phần giúp người dân duy trì diện tích, nâng cao giá trị thu nhập, vừa bảo vệ tốt diện tích rừng và môi trường sinh thái rừng.

Bà Đinh Thu Hường, Chủ tịch UBND xã Cao Phạ cho biết, mặc dù phát triển tốt và cho hiệu quả kinh tế khá nhưng chính quyền xã không tuyên truyền bà con mở rộng diện tích thảo quả mà chỉ tập trung duy trì, chăm sóc diện tích hiện có và chú trọng bảo vệ rừng, tránh tình trạng lợi dụng phát triển cây thảo quả để xâm lấn rừng. Bên cạnh đó, xã phối hợp với ngành chức năng hướng dẫn người dân liên kết trong sản xuất, tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm, không để tư thương ghìm giá, ép giá.

Xem thêm
Nhiều rào cản trong phát triển rừng gỗ lớn

Quảng Nam Phát triển rừng gỗ lớn giúp tăng hiệu quả kinh tế, hướng đến phát triển lâm nghiệp bền vững. Tuy nhiên, muốn thực hiện được điều này thì cần phải tháo gỡ những rào cản.

Bình Thuận tăng cường bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng dịp giáp Tết

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình mà không có biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy rừng hiệu quả.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.