Các vùng nuôi tôm ao đất phải 'treo ao' vì nắng nóng và chi phí tăng cao thì với nuôi tôm công nghệ Semi Biofloc vẫn diễn ra bình thường với giá thành nuôi thấp, người nuôi có lãi.
Nuôi tôm trên núi bằng công nghệ Semi biofloc giảm chi phí, không lo nắng nóng
Tại Khánh Hòa, các vùng nuôi tôm ao đất phải 'treo ao' vì nắng nóng và chi phí tăng cao thì nuôi tôm công nghệ Semi biofloc vẫn diễn ra bình thường với giá thành thấp.
Tại xã Ninh Phú, anh Lê Minh Chính đang thành công trong việc nuôi tôm trên núi không sợ nóng mà còn giảm được chi phí sản xuất. Tại khu nuôi của cơ sở, ghi nhận thực tế cho thấy ao nuôi lót bạt, các ao vẫn thả giống bình thường, máy quạt nước sục khí tạo oxy hoạt động liên tục dù ngoài trời nóng đến 40 độ C. Anh Chính cho biết, có 2 nguyên nhân bà con phải dừng nuôi tôm ở nơi đây là nắng nóng bất lợi và chi phí đầu tư thức ăn, giống, tiền điện tăng cao, trong khi giá tôm thương phẩm ở mức thấp nên khó có lãi.
Phỏng vấn: Lê Minh Chính
Tìm hiểu rõ về khu nuôi, anh chính chia sẻ cơ sở nuôi tôm theo công nghệ Semi biofloc kết hợp 3 giai đoạn, Giai đoạn 1, tôm được ương trong bể hơn 100m2, mật độ 25 - 50 vạn con giống, thời gian khoảng 30 ngày. Khi đó, tôm sẽ đạt kích cỡ từ 1.000 - 1.200 con/kg, Gia đoạn này sẽ giảm chi phí về thức ăn khoảng 1/3 so với cách nuôi truyền thống và tiền điện chỉ tiêu hao khoảng 500 ngàn đồng do dùng máy sục khí công suất nhỏ trong bể ương.
Ở giai đoạn 2, toàn bộ tôm ương được chuyển xuống ao nuôi ngoài trời, áp dụng nuôi theo công nghệ Semi biofloc. Thời gian nuôi khoảng 25 ngày, khi đó tôm đạt kích cỡ 200 - 250 con/kg, mật độ 500 con/m2. Người nuôi cũng giảm chi phí thức ăn và tiền điện khoảng 1/2 so với cách nuôi truyền thống.
Ở giai đoạn 3, mật độ nuôi được giảm xuống một nửa, tương đương mật độ thả từ 250 - 300 con/m2. Sau đó nuôi đến khi kết thúc khoảng 90 ngày, tôm sẽ đạt kích cỡ trung bình 50 con/kg. Người nuôi chỉ tốn đầu tư tiền điện và thức ăn ở giai đoạn 3 theo nhu cầu của đàn tôm đang thả. Hệ thống nuôi tôm được xây dựng từ trên cao xuống thấp và thực hiện theo hình thức xả ngầm không làm ảnh hưởng đến con giống.
Phỏng vấn: Lê Minh Chính
Mô hình nuôi tôm của anh Chính giúp giải bài toán về tiết kiệm chi phí thức ăn và tiền điện, vốn là 2 yếu tố chính khiến giá thành sản xuất tôm nuôi tăng cao. Với mật độ nuôi 300 con/m2, anh Chính thả nuôi 60 ngày tôm sẽ đạt kích cỡ 100 con/kg, chi phí đầu tư khoảng 50 ngàn đồng/kg. Với giá bán 80 ngàn đồng/kg (loại 100 con/kg), sau khi trừ phí anh đạt lợi nhuận 30 ngàn đồng/kg tôm. Nhiều người cũng tìm đến để học hỏi.
Phỏng vấn: Người làm
Có thể thấy với mô hình nuôi tôm 3 giai đoạn này của anh Chính, tôm nuôi mau lớn, sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm, giúp giảm chi phí thức ăn và tiền điện cũng như kiểm soát được mầm bệnh từ lúc thả con giống, nếu có rủi ro xảy ra có thể hủy bỏ sớm để tránh thiệt hại nặng.