HTX Nuôi trồng thủy sản xã Ninh Phú, TX Ninh Hòa đang tiên phong khi đồng loạt nuôi tôm theo công nghệ Semi biofloc.
Mô hình nuôi bền vững
Ông Phạm Thanh Sinh, Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Phú, TX Ninh Hòa cho biết, toàn xã có 110 ha nuôi tôm thẻ chân trắng. Những năm trước đây do ảnh hưởng biến đổi khí hậu, dịch bệnh diễn biến phức tạp nên việc nuôi tôm của người dân diễn ra không thuận lợi, nhất là nuôi tôm trên ao đất.
“Hầu hết người nuôi tôm trên ao đất trên địa bàn xã không hiệu quả kinh tế cao, nhiều người thiệt hại. Nguyên nhân do người nuôi thả nuôi không theo lịch thời vụ khuyến cáo và một số ít thả giống không có nguồn gốc.
Bên cạnh đó do hệ thống ao nuôi nhiều năm nên mầm bệnh tồn tại trong ao nhiều. Cộng với thời tiết diễn biến thất thường kết hợp với việc xử lý môi trường nước nuôi chưa triệt để, từ đó dễ phát sinh dịch bệnh”, ông Sinh đánh giá và cho biết thêm, để nuôi tôm bền vững hiện địa phương khuyến khích người nuôi áp dụng công nghệ nuôi tiên tiến như: Công nghệ Biofloc, Semi Biofloc…
Vì các thành viên thuộc HTX Nuôi trồng thủy sản xã Ninh Phú áp dụng công nghệ nuôi này rất hiệu quả. Không chỉ tạo ra sản phẩm tôm sạch do quá trình nuôi không dùng chất kháng sinh, mà còn góp phần bảo về môi trường.
“Bởi quá trình xả nước thải nuôi tôm ra môi trường được các hộ nuôi xử lý bài bản. Cụ thể, ban đầu nước thải ra ao chứa, sau đó đánh vôi xử lý, rồi ra ao nuôi thả cá, trước khi thả trực tiếp ra môi trường. Vấn đề này được cơ quan chức năng chuyên môn đánh giá cao”, ông Sinh bộc bạch.
Kiếm tiền tỷ
Ông Nguyễn Xuân Lê, Chủ tịch HĐQT HTX Nuôi trồng thủy sản xã Ninh Phú, cho biết, HTX được thành lập giữa năm 2019 gồm 10 thành viên tham gia, với tổng diện ao nuôi trên 10 ha. Hiện tất các thành viên đều đồng loạt nuôi tôm an toàn sinh học theo công nghệ Semi biofloc.
Đây là công nghệ nuôi do ông Lê Minh Chính (xã Ninh Phú), Giám đốc Hợp tác xã Nuôi trồng thủy sản xã Ninh Phú triển khai thành công nhiều năm qua, rồi hướng dẫn các thành viên.
Theo anh Lê Minh Chính, công nghệ nuôi tôm Semi biofloc được anh học hỏi từ Thái Lan, kết hợp nghiên cứu tài liệu dịch “Thực hành công nghệ Biofloc” của PGS.TS Hoàng Tùng và nhóm nghiên cứu ở ĐH Quốc gia TP.HCM.
Từ năm 2014 đến nay, anh vừa áp dụng vừa nghiên cứu cho phù hợp với thực tế từng vụ, nay đã hoàn thiện bài bản. Đồng thời áp dụng nuôi tôm theo 3 giai đoạn nên giá thành chỉ mất khoảng 60 ngàn đồng đã nuôi tôm đạt 100 con/kg.
Anh Chính giải thích: Công nghệ Semi Biofloc là làm sạch, ổn định môi trường bằng vi tảo. Còn Biofloc là vi khuẩn dị dưỡng, tảo, mùn giúp làm sạch nước, cung cấp nguồn thức ăn giàu dinh dưỡng cho đối tượng nuôi, ức chế sự phát triển của các vi sinh vật gây bệnh.
Từ đó, tôm nuôi mau lớn, kiểm soát được dịch bệnh, sản phẩm đảm bảo ATTP. Nhờ vậy khi các thành viên thu hoạch tôm chỉ cần gọi là thương lái là đến ngay và họ rất tin tưởng vào sản phẩm, không cần test kháng sinh.
Cũng theo anh Chính, để nuôi tôm theo công nghệ này các ao nuôi đều lót bạt nền đáy và bờ ao kết hợp hệ thống xi phông tự động. Khu nuôi phải có ao chứa nước nước và ao xử lý chất thải bài bản. Ngoài hệ thống công trình ao nuôi, phải đầu tư máy phát điện, khu nuôi cây vi sinh dùng hỗn hợp nước, mật rỉ đường, vi sinh… tạo biofloc trong thùng phuy để đưa xuống ao nuôi…
Vì vậy, chi phí đầu tư cho 1ha khoảng 1 tỷ đồng (bao gồm công trình và thiết bị). Mặc dù chi phí cao nhưng quy trình này giúp người nuôi an toàn, hiệu quả hơn và mang tính bền vững cao.
Ông Nguyễn Xuân Lê đánh giá, công nghệ nuôi tôm này giúp các xã viên kiểm soát được dịch bệnh trên tôm khoảng 70-80% so và tỷ lệ thành công lên đến 80% so với nuôi trong ao đất. Nhờ vậy, nhiều thành viên nuôi tôm thuộc HTX kiếm tiền tỷ/năm.
Như gia đình ông Lê với tổng diện tích khu nuôi trên 1,2 ha, trong đó 6.000 m2 ao nuôi. Từ khi áp dụng công nghệ nuôi này mỗi năm nuôi 3 vụ ông thu hoạch với sản lượng khoảng 50 tấn/năm. Sau khi trừ chi phí, ông lãi trên 1 tỷ đồng/năm.
Với hiệu quả nuôi tôm thẻ an toàn sinh học theo công nghệ Semi biofloc, hiện một số hộ trên địa bàn tiếp tục học hỏi lẫn nhau để nhân rộng. Mặt khác, nhiều hộ nuôi tôm trên ao đất họ cũng muốn áp dụng công nghệ nuôi này, tuy nhiên do vốn đầu tư ban đầu lớn, từ tiền tỷ trở lên nên quá khả năng tài chính. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ các hộ nuôi vay vốn để đầu tư áp dụng khoa học công nghệ trong nuôi trồng thủy sản.
(Ông Phạm Thanh Sinh, Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Phú)