| Hotline: 0983.970.780

Nuôi tôm công nghệ Semi Biofloc: Lãi lớn và an toàn

Thứ Ba 10/12/2019 , 10:05 (GMT+7)

Để nuôi tôm nước lợ bền vững, thời gian qua tỉnh Khánh Hòa đã đẩy mạnh, cũng như khuyến khích người nuôi áp dụng công nghệ trong sản xuất.

Nuôi tôm trong ao đất không còn hiệu quả

Theo Chi cục Thủy sản Khánh Hòa, toàn tỉnh có trên 2.000 ha ao nuôi tôm nước lợ, tập trung tại các huyện Vạn Ninh, Cam Lâm, TX Ninh Hòa và TP. Cam Ranh. Tuy nhiên những năm gần đây do ảnh hưởng biến đổi khí hậu, dịch bệnh diễn biến phức tạp nên việc nuôi tôm của người dân diễn ra không thuận lợi, nhất là nuôi tôm trên ao đất.

Cở sở nuôi tôm của anh Chính tại xã Ninh Phú, TX Ninh Hòa (Khánh Hòa).

Anh Nguyễn Văn Hưng, một người nuôi tôm thẻ chân trắng ở xã Ninh Ích, TX Ninh Hòa, xác nhận, việc nuôi tôm trong ao đất hiện không còn thuận lợi như trước. Bởi 2 loại bệnh đó là bệnh hoại tử gan tụy cấp tính và bệnh đốm trắng thường xuyên đe dọa, gây thiệt hại cho người nuôi tôm.

Về nguyên nhân, theo anh Hưng chưa rõ, nhưng có thể do hệ thống ao nuôi nhiều năm nên mầm bệnh tồn tại trong ao hoặc chất lượng nước ngày càng không đảm bảo.

“Do việc nuôi tôm những năm gần đây không thuận lợi nên giờ đây dường như người nuôi chuyển sang nuôi ương cá bớp hoặc thả nuôi quảng canh. Như gia đình tôi với diện tích ao nuôi khoảng 2.000 m2, ba năm nay cũng chỉ thả nuôi quảng canh, chứ không rộ như trước”, anh Hưng chia sẻ.

Ông Nguyễn Trọng Chánh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Khánh Hòa cũng cho rằng, việc nuôi tôm trong ao đất, hiện khó thành công. Bởi việc người nuôi thả nuôi lâu năm nên trầm tích tích tụ trong ao nhiều. Cộng với thời tiết diễn biến thất thường kết hợp với việc xử lý môi trường nước nuôi chưa triệt để, từ đó dễ phát sinh dịch bệnh.

Do đó, để phát triển nuôi tôm nước lợ bền vững, thời gian qua, Chi cục Thủy sản Khánh Hòa thường xuyên cập nhập các mô hình, công nghệ nuôi hiệu quả để phổ biến cho người nuôi. Đồng thời Chi cục cũng khuyến khích người nuôi áp dụng các công nghệ nuôi tiên tiến như: Công nghệ Biofloc, Semi Biofloc, nuôi tôm trong nhà màng…
 

Nuôi tôm công nghệ Semi Biofloc, kiếm hàng tỷ đồng/năm

Theo Chi cục Thủy sản, hiện trên địa bàn tỉnh một số cơ sở nuôi tôm thẻ chân trắng đã đầu tư cơ sở vật chất và ứng dụng nuôi theo công nghệ Semi Biofloc. Công nghệ nuôi này không chỉ giúp người nuôi giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh trên tôm, nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế, mà còn tạo ra sản phẩm đảm bảo ATTP phục vụ cho người tiêu dùng trong nước và chế biến xuất khẩu.

Ghi nhận của PV tại cơ sở nuôi tôm thẻ chân trắng, với diện tích ao nuôi khoảng 2 ha của anh Lê Minh Chính, tại thôn Hang Dơi, xã Ninh Phú (TX Ninh Hòa). Mấy năm gần đây, anh nuôi tôm rất thành công, kiếm hàng tỷ đồng/năm nhờ áp dụng công nghệ Semi Biofloc.

Công nghệ nuôi tôm theo Semi Biofloc được một số người nuôi ở Khánh Hòa áp dụng hiệu quả.

Như năm 2019, với diện tích trên, anh thả 4 vụ, với sản lượng thu trung bình từ 30 - 40 tấn/ha/vụ. Mặc dù trong năm có thời điểm giá tôm thương phẩm rớt thấp, chỉ còn 80 ngàn đ/kg (size 100 con/kg), nhưng nhờ anh nuôi tôm đưa về size lớn, khoảng 60 -70 con/kg nên được bán với giá 120 - 130 ngàn đ/kg. Sau khi trừ chi phí anh vẫn lãi khoảng 40 ngàn đ/kg.

Dẫn chúng tôi tham mô hình, anh Chính cho biết, công nghệ nuôi này được anh nghiên cứu tài liệu dịch “Thực hành công nghệ Biofloc” của PGS.TS Hoàng Tùng và nhóm nghiên cứu ở ĐH Quốc gia TP.HCM. Từ năm 2014 đến nay, trang trại của anh vừa áp dụng vừa nghiên cứu cho phù hợp với thực tế từng vụ đã dần ổn định và hoàn thiện bài bản.

Nhờ áp dụng công nghệ trong nuôi tôm, anh Chính nuôi tôm đạt kích cỡ lớn.

“Để nuôi được 4 vụ trong/năm, tôi nuôi 3 pha. Trong đó, pha 1 tôi nuôi ương tôm giống trên bể nổi có lưới lan áp dụng theo công nghệ Biofloc. Bể này hình tròn lót bạt, có đường kính 12- 15m, cao 1,2m, chứa khoảng 150 m3 nước và có thể ương tới 70 vạn đến 1 triệu giống.

Tiếp đến pha 2, tức sau 20 ngày, toàn bộ tôm ương được chuyển xuống ao nuôi ngoài trời, áp dụng nuôi theo công nghệ Semi Biofloc. Tại đây sẽ nuôi 30 ngày, đến khi tôm đạt kích cỡ 200 con/kg, mật độ 500 con/m2 trước khi chuyển sang pha 3. Tuy nhiên ở pha 3, mật độ nuôi được giảm xuống nửa, tức là mỗi ao chỉ thả từ 200-250 con/m2 để nuôi tôm đến khi đạt kích cỡ mong muốn thì thu hoạch”, anh Chính chia sẻ.

Nhờ áp dụng công nghệ Semi Biofloc, kết hợp nuôi 3 pha (hay 3 giai đoạn) nên việc nuôi tôm của anh Chính giảm được nhiều chi phí về tiền điện, thức ăn ban đầu, cũng như kiểm soát được tỷ lệ sống trong quá trình nuôi ương ban đầu. Tôm nuôi được 80-90 ngày đạt kích cỡ 50 con/kg.

Được biết, công nghệ Semi Biofloc là làm sạch, ổn định môi trường bằng vi tảo. Còn Biofloc là vi khuẩn dị dưỡng, tảo, mùn giúp làm sạch nước, cung cấp nguồn thức ăn giàu dinh dưỡng cho đối tượng nuôi, ức chế sự phát triển của các vi sinh vật gây bệnh. Từ đó, tôm nuôi mau lớn, kiểm soát được dịch bệnh.

Xem thêm
Hướng đến nuôi biển bền vững: [Bài 3] Nhân rộng mô hình tiên tiến

Thời gian tới, Khánh Hòa sẽ nỗ lực mở rộng mô hình thí điểm phát triển nuôi biển bằng công nghệ tiên tiến, mở rộng quy mô, khu vực thí điểm.

Tổ đoàn kết trên biển góp phần chống khai thác IUU

BÌNH ĐỊNH Không chỉ tương trợ trong quá trình khai thác hải sản, các tổ đoàn kết trên biển ở Bình Định còn góp phần nâng cao ý thức cho ngư dân trong chống khai thác IUU.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.