Nuôi yến thu về 200 triệu USD/năm, Bộ NN-PTNT kiến nghị đẩy mạnh xuất khẩu. Giá mít Thái khởi sắc trở lại. Xuất khẩu phân bón sang Campuchia đối diện nhiều thách thức. Thanh Hóa có hơn 30 trọng điểm về đê điều mất an toàn.
NUÔI YẾN THU VỀ 200 TRIỆU USD/NĂM, BỘ NN-PTNT KIẾN NGHỊ ĐẨY MẠNH XUẤT KHẨU
Theo Bộ NN-PTNT, sản lượng nuôi yến hiện nay của Việt Nam rơi vào khoảng 200 tấn/năm, đem lại giá trị kinh tế lên tới 200 triệu USD mỗi năm. Về tình hình xuất khẩu các sản phẩm tổ yếnsang Trung Quốc theo nghị định thư, tính đến ngày 19/6, đã có 35 doanh nghiệp với khoảng 3.000 cơ sở nuôi chim yến đang tích cực chuẩn bị để sớm xuất khẩu. Tuy nhiên việc đàm phán, hướng dẫn, hỗ trợ xuất khẩu các sản phẩm tổ yến còn nhiều hạn chế, chưa có cơ sở được chấp nhận và cấp phép xuất khẩu các sản phẩm tổ yến sang Trung Quốc. Từ thực tế đó, Bộ NN-PTNT đề xuất Thủ tướng xem xét, ban hành công điện chỉ đạo các địa phương, các bộ, ngành liên quan tập trung, ưu tiên các nguồn lực để chủ động chỉ đạo, triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp tăng cường quản lý nuôi yến và đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm tổ yến.
GIÁ MÍT THÁI KHỞI SẮC TRỞ LẠI
Ghi nhận tại khu vực ĐBSCL, sau một thời gian ở mức thấp, giá trái mít Thái hiện tăng trở lại từ 4.000-6.000 đồng/kg so với cách nay hơn 2 tuần. Hiện mít loại 1 đạt chuẩn xuất khẩu, trọng lượng từ 9 kg/trái trở lên được nông dân tại nhiều nơi bán cho thương lái và các vựa thu mua ở mức 11.000-12.000 đồng/kg. Mít Thái loại 2 có trọng lượng từ 7-9 kg/trái được nông dân tại nhiều nơi bán với giá 7.000 đồng/kg, trong khi trước đây chỉ 4.000-5.000 đồng/kg. Giá mít Thái tăng do nguồn cung giảm so với trước và nhiều tiểu thương, doanh nghiệp cũng tăng cường thu mua để phục vụ chế biến xuất khẩu.
XUẤT KHẨU PHÂN BÓN SANG CAMPUCHIA ĐỐI DIỆN NHIỀU THÁCH THỨC
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 5 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu hơn 692.000 tấn phân bón các loại, tương đương hơn 289 triệu USD, giảm 8,9% về lượng và giảm 42,2% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái. Phân bón của Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Campuchia. Riêng thị trường này trong 5 tháng qua đã chiếm 33% trong tổng khối lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu phân bón của cả nước. Đứng sau thị trường Campuchia là thị trường Hàn Quốc và Maylaysia. Lãnh đạo một số doanh nghiệp xuất khẩu phân bón cho biết, hiện nay, nhiều doanh nghiệp Thái Lan, Trung Quốc đã sang Campuchia đầu tư và bao tiêu đầu vào lẫn đầu ra sản xuất nông sản, nhất là mặt hàng phân bón. Điều này đang là thách thức rất lớn đối với các nhà sản xuất phân bón Việt Nam ở thị trường xuất khẩu truyền thống này.
Thanh Hóa có hơn 30 trọng điểm về đê điều mất an toàn
Toàn tỉnh Thanh Hóa có hơn 1 nghìn km đê các loại và 250 km kè bảo vệ đê... Tuy nhiên, vẫn còn hơn 30 trọng điểm xung yếu về đê điều, không đảm bảo an toàn trước mùa mưa bão. Trước thực tế trên, UBND tỉnh đã yêu cầu các địa phương có trọng điểm về đê xây dựng phương án phòng, chống riêng cho từng trọng điểm, tăng cường tuần tra, kiểm soát để kịp thời phát hiện các sự cố, tiến hành xử lý từ giờ đầu, góp phần đảm bảo an toàn cho cả tuyến đê. Các trọng điểm đê điều trên địa bàn tỉnh đều đã được lập và phê duyệt các phương án bảo vệ theo quy định, bảo đảm phòng, chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”.