Người nuôi gà lông trắng lỗ khoảng 6.000 - 9.000 đồng/kg. Thanh Hóa: Hơn 100 dự án chậm tiến độ, vi phạm Luật Đất đai. Quảng Ninh đã chuyển đổi 5,9 triệu phao xốp sang vật liệu theo quy chuẩn. Ngư dân Hà Tĩnh khi đi khai báo, khi về kê khai.
Người nuôi gà lông trắng lỗ khoảng 6.000 - 9.000 đồng/kg
Theo Cục Chăn nuôi, giá bán gà lông trắng thấp hơn giá thành sản xuất diễn ra trong suốt 6 tháng năm 2023. Giá trung bình 6 tháng đầu năm khoảng 25,9 nghìn đồng/kg trong khi giá thành sản xuất gà lông trắng 32-35 nghìn đồng/kg. Điều này khiến doanh nghiệp hộ chăn nuôi thua lỗ triền miên. Còn giá trứng gia cầm được duy trì ổn định trong dân, có lúc thị trường dao động nhẹ do thương lái ép giá. Nhìn chung giá trứng gà trung bình 6 tháng đầu năm giữa 3 miền là 1.950 đồng/quả; giá trứng vịt trung bình 2.420 đồng/quả.
Thanh Hóa: Hơn 100 dự án chậm tiến độ, vi phạm Luật Đất đai
Theo thống kê, tỉnh Thanh Hóa hiện có hơn 100 dự án chậm tiến độ, vi phạm pháp luật đất đai, trong đó có nhiều dự án ở các huyện miền núi, điển hình như dự án nhà máy xi măng Thanh Sơn, huyện Ngọc Lặc; dự án bến xe khách Cửa Đạt tại huyện miền núi Thường Xuân; Dự án Nhà máy liên hiệp chế biến gỗ xuất khẩu rừng bền vững Toàn Cầu tại xã Trung Hạ (huyện Quan Sơn). Những dự án này đang gây lãng phí quỹ đất, ảnh hưởng sự phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là đối với các huyện miền núi Thanh Hóa. Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Thanh Hóa sẽ tiến hành chất vấn Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường về thực trạng các dự án đã được gia hạn nhiều lần nhưng nhà đầu tư vẫn không triển khai thực hiện hoặc triển khai chậm.
Quảng Ninh đã chuyển đổi 5,9 triệu phao xốp sang vật liệu theo quy chuẩn
Tính đến hết tháng 6/2023, tỉnh Quảng Ninh vận động người nuôi trồng thủy sản (NTTS) chuyển đổi được 5,9 triệu quả phao xốp sang các loại vật liệu nổi theo quy chuẩn địa phương 08:2020/QN (đạt gần 96%). Trước đó, phao xốp chủ yếu được sử dụng để nuôi biển tại địa phương. Dù giá thành rẻ, dễ đầu tư, nhưng vật liệu này có “tuổi thọ” ngắn và tác động tiêu cực đến môi trường. Cùng với đó, các ngành và địa phương có biển trong tỉnh cũng ra quân xử lý tình trạng NTTS ngoài quy hoạch, chồng chéo, quá tải, vi phạm hành lang an toàn giao thông đường thủy… Đây được coi là những giải pháp căn cơ của Quảng Ninh để “trả lại mặt bằng”, lập lại trật tự nuôi biển cho phát triển nuôi biển bền vững, giá trị cao.
Ngư dân Hà Tĩnh khi đi khai báo, khi về kê khai
Nhờ triển khai thực hiện các giải pháp chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, hiện nay hầu hết ngư dân Hà Tĩnh đã hình thành thói quen khai báo trước khi đi khai thác và kê khai sản lượng hải sản khi cập bến. Trước mỗi chuyến biển, ngư dân thông báo cho Ban quản lý các cảng cá Hà Tĩnh xin giấy xuất lạch. Sau đó, cán bộ cảng kiểm tra hệ thống giám sát hành trình có đang hoạt động hay không? Có bao nhiêu thuyền viên?. Tiếp đến Đồn Biên phòng thực hiện việc kiểm tra bảo hiểm. Tàu cá khi vào bờ thông báo dự kiến sản lượng, nộp nhật ký báo cáo khai thác. Riêng đội tàu có chiều dài trên 12m phải báo cáo chi tiết tọa độ, thời gian khai thác các mẻ lưới, mẻ câu và khối lượng, thành phần loài hải sản theo đúng quy định.