Phát triển chuỗi giá trị hợp pháp là điều kiện sống còn của ngành gỗ. 8.000 chai rượu men lá xuất khẩu sang Nhật Bản. Trồng rau rút lợi nhuận 1,8 triệu đồng/công. Nhiều điểm sạt lở gây nguy hiểm cho người dân Bình Định.
PHÁT TRIỂN CHUỖI GIÁ TRỊ HỢP PHÁP LÀ ĐIỀU KIỆN SỐNG CÒN CỦA NGÀNH GỖ
Ngày 28/10, tại Bình Dương, Tổng cục Lâm nghiệp phối hợp Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) và Nhóm nòng cốt thực thi đa bên về thương mại giữa Việt Nam và EU tổ chức Diễn đàn “Chuỗi giá trị gỗ hợp pháp và bền vững tại Việt Nam”.Theo ông Phạm Văn Điển, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, phát triển chuỗi giá trị gỗ hợp pháp và bền vững trong lâm nghiệp là một trong những điều kiện sống còn cho ngành gỗ trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay. “Hợp pháp” và “bền vững” có thể coi là hai từ khóa cho ngành gỗ trong bối cảnh mới, khi mà các quốc gia đều đưa ra các quy định mới về gỗ hợp pháp để góp phần chống lại nạn khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp ở các nước sản xuất. Hiện Việt Nam đang phấn đấu trở thành một trong những trung tâm chế biến gỗ xuất khẩu hàng đầu thế giới. Theo dự báo, vào năm 2030, tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành chế biến gỗ Việt Nam ước đạt 25 tỷ đô la Mỹ.
8.000 CHAI RƯỢU MEN LÁ XUẤT KHẨU SANG NHẬT BẢN
Hợp tác xã Thanh Tâm ở xã Bằng Phúc, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn vừa bàn giao lô rượu men lá truyền thống với hơn 8 nghìn chai cho Công ty Komeco để xuất khẩu sang Nhật Bản. Sản phẩm rượu men lá truyền thống đã được cấp giấy chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh, đảm bảo chất lượng, mẫu mã theo yêu cầu của đối tác xuất khẩu.Theo đại diện HTX Thanh Tâm, sản lượng rượu của xã Bằng Phúc đạt hơn 6 nghìn lít mỗi ngày, riêng Hợp tác xã Thanh Tâm có 24 thành viên, bình quân mỗi tháng, đơn vị sản xuất, bán ra thị trường 10 nghìn lít rượu men lá. Ngoài rượu men lá truyền thống, doanh nghiệp tại tỉnh Bắc Kạn cũng đã xuất khẩu các sản phẩm rượu mơ vẩy vàng, mơ quả chế biến,... sang Nhật Bản.
TRỒNG RAU RÚT LỢI NHUẬN 1,8 TRIỆU ĐỒNG/CÔNG
Nhờ thả rau nhút trên mặt nước, nhiều hộ dân ở xã Xuân Hiệp, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long đã có thu nhập ổn định, tạo việc làm cho nhiều lao động thông qua việc giũ bèo, cắt và bó rau.Ấp hồi Trinh tại xã Xuân Hiệp có gần 20 hộ dân chuyên canh loại rau đặc sản, với diện tích khoảng 30 ha thả rau nhút. Người dân cho biết, trồng rau nhút không đòi hỏi kỹ thuật cao và hạn chế sử dụng phân bón, thuốc hóa học nên ít tốn chi phí.Người trồng thường thả rau nhút quanh năm trên các mặt ao hồ hoặc trên ruộng có đắp đê giữ nước. Rau nhút từ khi trồng đến thu hoạch khoảng 2 tháng, thời gian thu hoạch 5 đến 6 tháng. Với giá bán khoảng 10.000 đ/kg, sau khi trừ chi phí, bà con có lợi nhuận mỗi tháng 1,8 triệu đồng/công. Với khoảng 178ha trồng rau nhút, UBND xã Xuân Hiệp thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng và xử lý sâu bệnh. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thành lập hợp tác xã rau nhút tại xã Xuân Hiệp.
NHIỀU ĐIỂM SẠT LỞ GÂY NGUY HIỂM CHO NGƯỜI DÂN BÌNH ĐỊNH
Sông Hà Thanh, đoạn qua địa bàn xã Canh Vinh, huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định đã và đang bị sạt lở nghiêm trọng. Đất đá bị nước dữ cuốn trôi, nhiều điểm sạt lở ăn sâu vào khu vực dân cư. Người dân xã Canh Vinh cho biết, con đường bê tông liên thôn ở khu vực xóm 3, thôn Tăng Lợi, xã Canh Vinh trước đây được xây dựng chạy dài ra bến sông Hà Thanh để người dân sử dụng đi ra đường lộ. Thế nhưng, theo thời gian, xâm thực mạnh đã phá hỏng con đường này, tạo thành vực sâu lớn, người điều khiển phương tiện giao thông không chú ý có thể gặp nguy hiểm bất cứ lúc nào.