Quảng Ngãi cần khắc phục hạn chế trong chống IUU. Thị trường lúa gạo đang tốt, tập trung sản xuất tốt vụ đông xuân. Doanh nghiệp chây ỳ, hơn 2 năm chưa đền bù người dân. Đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho dừa sáp Trà Vinh.
Quảng Ngãi cần khắc phục hạn chế trong chống IUU
Lê Khánh
Ngày 14/9, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT cùng đoàn công tác của Bộ đã đến khảo sát, làm việc với tỉnh Quảng Ngãi về việc triển khai công tác phòng chống iuu khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo theo quy định trên địa bàn tỉnh này.
Theo Thứ trưởng, Quảng Ngãi là tỉnh có đội tàu lớn với hơn 4.200 chiếc nên sản lượng thủy sản cũng lớn, đóng góp đáng kể vào cơ cấu kinh tế của tỉnh. Thời gian qua, việc triển khai công tác gỡ thẻ vàng của tỉnh đã có những chuyển biến tích cực.
Cùng với sự nỗ lực của chính quyền địa phương thì nhận thức của người dân cũng được cải thiện, dần dần chấm dứt những hành vi khai thác bất hợp pháp chống iuu. Nhiều tàu đánh bắt cho hiệu quả kinh tế tương đối cao.
Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ngãi hiện nay vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần sớm khắc phục với tinh thần chung nhất là chung tay cùng với Chính phủ gỡ thẻ vàng trong lần thanh tra thứ 4 của EC vào tháng 10 tới.
Thị trường lúa gạo đang tốt, tập trung sản xuất tốt vụ đông xuân
Kim Anh – Văn Vũ
Sáng 14/9, tại TP Cần Thơ, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung chủ trì Hội nghị sơ kết sản xuất trồng trọt vụ hè thu, thu đông, mùa năm 2023, triển khai kế hoạch sản xuất vụ đông xuân 2023 – 2024 vùng ĐBSCL.
Theo báo cáo từ Sở NN-PTNT các địa phương vùng ĐBSCL, sản xuất lúa năm 2023 của vùng ước đạt trên 3,8 triệu ha; năng suất ước đạt 62,81 tạ/ha và sản lượng ước đạt gần 24 triệu tấn. Thực hiện chương trình giảm lượng giống lúa gieo sạ do Bộ NN-PTNT phát động, lết quả lượng giống lúa gieo sạ dưới 100 kg/ha đang có chuyển biến tích cực, lượng giống gieo sạ trên 150 kg/ha có chiều hướng giảm, xu hướng 120 – 130 kg/ha đang được triển khai nhiều tại các tỉnh. Ngoài ra, nhiều mô hình giảm lượng giống gieo sạ xuống còn 80 kg/ha có kết quả tốt và đang được tuyên truyền nhân rộng trong sản xuất.
Để vụ lúa đông xuân 2023 – 2024 thắng lợi, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung lưu ý, các địa phương tập trung kiểm soát tốt diện tích gieo trồng lúa đông xuân đảm bảo năng suất, chất lượng, an toàn dịch bệnh. Đồng thời thường xuyên kiểm tra đê bao, bờ bao và diễn biến thời tiết để thông báo kịp thời cho người dân có biện pháp chủ động bảo vệ diện tích lúa.
Doanh nghiệp chây ỳ, hơn 2 năm chưa đền bù người dân
Ngọc Tú
Thủy điện Pác Cáp ở xã Sơn Thành, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn đã tích nước đi vào hoạt động từ tháng 6/2021. Vùng ngập nước của dự án ảnh hưởng đến đất đai người dân 2 xã Sơn Thành và Văn Minh thuộc huyện Na Rì. Ngoài các hộ đã được đền bù thì có 46 hộ ở xã Văn Minh và 1 tổ chức bị ảnh hưởng, trong đó 40 hộ có đất đai, hoa màu bị ngập, 5 hộ bị ảnh hưởng đến ao cá, 1 trạm bơm không thể vận hành. Tổng diện tích bị ảnh hưởng gần 13 nghìn m2, trong đó có gần 6 nghìn m2 đất trồng lúa. Phần diện tích bị ngập này nằm ngoài phạm vi dự án đã được phê duyệt ban đầu. Nhưng hơn 2 năm đã trôi qua, doanh nghiệp vẫn chưa đền bù, hỗ trợ người dân có đất bị ngập. Vụ việc kéo dài quá lâu gây bức xúc trong nhân dân. Thông tin từ UBND huyện Na Rì cho biết, huyện đã nhiều tổ chức các cuộc họp giải quyết, mời cả đơn vị chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Thủy điện Sử Pán 1 đến làm việc nhưng công ty vẫn chưa đền bù người dân. Lý do được công ty viện dẫn cho sự chậm trễ này là do thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với số diện tích bị ngập ngoài phạm vi dự án này mất nhiều thời gian.
Đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho dừa sáp Trà Vinh
Hồ Thảo
Ngày 14/9, ông Trần Văn Út Tám, Phó Giám Sở KHCN tỉnh Trà Vinh thông tin tỉnh này vừa đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý "Trà Vinh" cho sản phẩm dừa sáp với tổng kinh phí hơn 1,5 tỷ đồng.
Hiện tỉnh Trà Vinh có 750ha dừa sáp tập trung chủ yếutại huyện Cầu Kè, cung cấp cho thị trường hơn 2,3 triệu trái sáp/năm.
Phó Giám đốc Sở KHCN tỉnh Trà Vinh nhấn mạnh: Việc đăng ký bảo hộ địa lý trên sản phẩm như dừa sáp nhằm gia tăng giá trị và thương hiệu của sản phẩm dừa sáp trên thị trường. Đồng thời, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, chế biến, và cung cấp sản phẩm.
Sắp tới, Sở KHCN tỉnh Trà Vinh tiếp tục triển khai các hoạt động liên quan đến chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm đậu phộng, tôm khô, cua biển, và dưa hấu. Điều này góp phần nâng cao nhận thức về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong cộng đồng