Quảng Trị cần xử lý nghiêm vụ phá rừng tự nhiên. Cơ hội cho nông sản Việt khi Trung Quốc siết chặt Zero Covid. Dư lượng thuốc bảo vệ thực vật là thách thức lớn với ngành tiêu Việt Nam. Mít rừng tí hon có giá cao gấp 5 lần mít Thái.
BỘ NN-PTNT ĐỀ NGHỊ QUẢNG TRỊ XỬ LÝ NGHIÊM VỤ PHÁ RỪNG TỰ NHIÊN
Bộ NN-PTNT vừa ra văn bản yêu cầu UBND tỉnh Quảng Trị chỉ đạo cơ quan chức năng ở địa phương tăng cường công tác quản lý, không để xảy ra tình trạng phá rừng, lấn chiếm rừng trái pháp luật; điều tra, xác minh làm rõ hành vi, đối tượng vi phạm, các tổ chức, cá nhân có liên quan để xảy ra tình trạng phá rừng trong thời gian qua để xử lý nghiêm.Bộ NN&PTNT cũng đề nghị tỉnh này tiếp tục tập trung đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án trọng điểm về phá rừng, lấn chiếm đất rừng đã được các cơ quan báo chí phản ánh trong thời gian qua.Liên quan đến vụ hàng chục ha rừng tự nhiên tại Tiểu khu 699 và 708 bị tàn phá, UBND tỉnh Quảng Trị vừa ra công văn hỏa tốc yêu cầu Sở NN&PTNT, UBND huyện Đakrông khẩn trương báo cáo nguyên nhân vì sao sự việc, hành vi phá rừng đã phát hiện từ đầu tháng 4 và diễn ra trên diện tích rừng tự nhiên lớn nhưng không có báo cáo kịp thời cho UBND tỉnh này.
CƠ HỘI CHO NÔNG SẢN VIỆT KHI TRUNG QUỐC SIẾT CHẶT ZERO COVID
Chính sách zero-Covid của Trung Quốc trong thời gian qua gây rất nhiều khó khăn cho hoạt động thông quan nông sản của Việt Nam, nhất là tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc. Nhưng xét ở khía cạnh thị trường, chính sách này đang tạo thêm cơ hội cho doanh nghiệp Việt, do nguồn cung nội địa nước này thiếu hụt. Trong tháng 4, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào Trung Quốc tăng hơn 2 lần so với tháng trước đó, đạt 216 triệu USD. Lũy kế 4 tháng ước đạt 578 triệu USD, tăng 94% so với cùng kỳ năm trước.Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Chính sách Zero Covid của Trung quốc khiến nhiều nhà máy tại quốc gia này bị đóng cửa, sản xuất bị đình trệ, thị trường thiếu hụt nguồn cung thủy sản cho tiêu thụ nội địa và chế biến xuất khẩu. Do vậy, nhu cầu nhập khẩu thủy sản của Trung Quốc hiện đang rất lớn. Doanh nghiệp Việt Nam đã khắc phục các khó khăn về thủ tục, quy định mới để tăng doanh số.
DƯ LƯỢNG THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT LÀ THÁCH THỨC LỚN VỚI NGÀNH TIÊU VIỆT NAM
Theo Bà Hoàng Thị Liên – Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, Hàng rào lớn nhất hiện nay đối với ngành hạt tiêu nói riêng và ngành hàng gia vị đó trong việc xuất khẩu vào thị trường EU là các tiêu chí về quản lý dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón.Các quốc gia thuốc khối EU đặt ra những tiêu chí rất cao và ngày càng mở rộng với mức độ chặt chẽ hơn.Bên cạnh các tiêu chuẩn về phương pháp sản xuất và sản phẩm đảm bảo an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng, người sản xuất và hệ sinh thái tự nhiên, thị trường EU còn yêu cầu các tiêu chuẩn về thương mại công bằng.Hạt tiêu nói riêng và ngành gia vị nói chung được đánh giá thuộc Top đầu ngành được hưởng ưu đãi thuế quan từ Hiệp định EVFTA khi xuất khẩu sang EU. Trong Quý I/2022 xuất khẩu hạt tiêu sang EU đã tăng 93% so với cùng kỳ năm ngoái.
MÍT RỪNG TÍ HON CÓ GIÁ CAO GẤP 5 LẦN MÍT THÁI
Theo các tiểu thương, đây là loại mít mọc tự nhiên trong rừng, mít rừng có hình dáng khá lạ. Quả mít hình tròn, vỏ màu xanh và nhiều gai gọn, chỉ nặng từ 0,3-0,5kg nhưng rất nhiều múi. Loại mít này đang được bán với giá lên tới 55.000 đồng/quả, nếu tính theo cân nặng thì lên tới cả trăm nghìn đồng/kg, thậm chí muốn mua cũng không dễ.Được biết, loại mít này mọc nhiều ở các khu rừng già thuộc các tỉnh Tây Nguyên như Đắk Nông, Đắk Lắk và một số tỉnh miền Trung, mùa mít rừng chỉ có vào tháng 4 đến tháng 6 hàng năm.