Quy hoạch ĐBSCL thành thương hiệu du lịch nông nghiệp mang tầm quốc tế. Đề nghị công nhận 6 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra vào Mỹ. Đưa 100% sản phẩm OCOP 3 sao lên sàn thương mại điện tử. Việt Nam là thị trường cung cấp cao su lớn thứ 3 của Ấn Độ.
QUY HOẠCH ĐBSCL THÀNH THƯƠNG HIỆU DU LỊCH NÔNG NGHIỆP MANG TẦM QUỐC TẾ
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký Quyết định phê duyệt Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong Quy hoạch này, ĐBSCL sẽ phát triển trở thành thương hiệu quốc tế về du lịch nông nghiệp - nông thôn, du lịch sinh thái, miệt vườn sông nước, đất ngập nước và du lịch biển trên cơ sở phát triển sản phẩm và xúc tiến chung cho thương hiệu; phát triển Cần Thơ và Phú Quốc trở thành 2 trung tâm du lịch quốc tế, là cửa ngõ đón khách của toàn vùng. Đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch đồng bộ, kết nối giữa các khu và điểm du lịch trong vùng, liên vùng và quốc tế trong đó chú trọng phát triển hệ thống cảng du lịch trên sông Tiền, sông Hậu và cảng du lịch tàu biển tại các tỉnh ven biển. Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển du lịch. Tăng cường đào tạo nghề dịch vụ du lịch, góp phần chuyển đổi nghề bền vững cho lao động nông thôn.
ĐỀ NGHỊ CÔNG NHẬN 6 DOANH NGHIỆP XUẤT KHẨU CÁ TRA VÀO MỸ
Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản cho biết, đơn vị này đã hoàn thiện hồ sơ gửi Cơ quan thanh tra và an toàn thực phẩm Mỹ công nhận thêm 6 doanh nghiệp cá tra Việt Nam đủ điều kiện xuất khẩu vào quốc gia này. Hiện nay, trong danh sách xuất khẩu cá tra được Cơ quan thanh tra và an toàn thực phẩm Mỹ công nhận là 13 doanh nghiệp. Ngoài đăng ký thêm doanh nghiệp, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản cũng đang làm thủ tục đăng ký với phía bạn để được phép xuất khẩu cá tra ở dạng chế biến, sản phẩm giá trị gia tăng vào Mỹ, bởi hiện xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ chủ yếu là dạng sơ chế. Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam, năm 2021 xuất khẩu cá tra Việt Nam đạt khoảng 1,6 tỉ đô la Mỹ, tăng 8,4% so với năm 2020. Trong đó, kim ngạch xuất cá tra sang Mỹ đạt hơn 370 triệu đô la Mỹ, tăng 50,5% so với năm 2020.
ĐƯA 100% SẢN PHẨM OCOP 3 SAO LÊN SÀN THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ
Kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn năm 2022 vừa được Bộ Thông tin và Truyền thông điều chỉnh. Theo đó, cùng với mục tiêu thiết lập 10 triệu tài khoản hoạt động trên các sàn thương mại điện tử Postmart và Vỏ Sò, kế hoạch cũng hướng tới đưa 100% sản phẩm OCOP đáp ứng tiêu chí 3 sao của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lên các sàn TMĐT; 100% hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT được đào tạo kỹ năng số, kỹ năng kinh doanh trên các sàn. Thông qua các sàn TMĐT và nền tảng số cung cấp các thông tin hữu ích cho các hộ sản xuất nông nghiệp như thông tin thị trường nông sản, dự báo nhu cầu và năng lực sản xuất nông sản, thông tin thời tiết, mùa vụ, giống, phân...
VIỆT NAM LÀ THỊ TRƯỜNG CUNG CẤP CAO SU LỚN THỨ 3 CỦA ẤN ĐỘ
Năm 2021, Việt Nam là thị trường lớn thứ 3 cung cấp cao su cho Ấn Độ với 125,95 nghìn tấn, trị giá 243,56 triệu USD (đọc: hơn 243 triệu đô la Mỹ), tăng 85,9% về lượng và tăng 142,3% về trị giá so với năm 2020. Cao su nhập khẩu từ Việt Nam chiếm 10,5% trong tổng lượng cao su nhập khẩu của Ấn Độ, tăng so với mức 7,6% của năm 2020. Ở chủng loại cao su tự nhiên, Việt Nam là thị trường lớn thứ 2 cung cấp cho Ấn Độ với 124,19 nghìn tấn, trị giá 237,35 triệu USD (đọc: hơn 237 triệu đô la Mỹ), tăng 84,9% về lượng và tăng 138,8% về trị giá so với năm 2020. Thị phần cao su tự nhiên của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Ấn Độ trong năm 2021 chiếm 23,6%, tăng mạnh so với mức 17,8% của năm 2020.