Ra mắt vacxin Tembusu trên thủy cầm nhập khẩu chính ngạch về Việt Nam. Sản lượng quýt hồng Lai Vung sụt giảm do nắng nóng. Hà Tĩnh hỗ trợ giống, phân bón cho mô hình trồng sâm Bố Chính. Giá dừa đang biến động mạnh như giá vàng.
Ra mắt vacxin Tembusu trên thủy cầm nhập khẩu chính ngạch về Việt Nam
Duy Học sx
Công ty Cổ phần Tập đoàn Invet vừa tổ chức Hội nghị ra mắt văcxin thủy cầm.
Hiện nay, chăn nuôi thủy cầm ở nước ta tương đối phát triển, năm sau cao hơn năm trước 15 - 20%. Tuy nhiên, diễn biến dịch bệnh cũng hết sức phức tạp, trong đó có bệnh Tembusu.
Trước tình hình đó, Invet phối hợp với Tập đoàn Sinder (Trung Quốc) để nhập khẩu chính ngạch lô vắc xin Xinshutan hay vắc xin Tembusu bất hoạt đầu tiên về Việt Nam, với mong muốn có giải pháp căn cơ, đồng bộ để kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh.
Ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) khẳng định, việc đánh giá nhập khẩu vắc xin Xinshutan về Việt Nam rất khắt khe, phức tạp, đáp ứng theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y Thế giới. Sau thời gian dài đánh giá bài bản, Cục Thú y đã cấp phép cho Invet nhập khẩu lô hàng đầu tiên. Hy vọng thời gian tới, Invet và các doanh nghiệp sản xuất thuốc thú y trong nước có thể nghiên cứu sớm sản xuất được loại văcxin này.
Sản lượng quýt hồng Lai Vung sụt giảm do nắng nóng
Văn Vũ sản xuất
Theo phòng NN-PTNT huyện Lai Vung, hiện tổng diện tích quýt hồng tại địa phường là hơn 500 héc ta. Thời điểm này đã có hàng chục héc ta quýt hồng bị ảnh hưởng do nắng nóng, không chỉ làm cho quýt không ra hoa mà còn làm cho các vườn ra hoa bị rụng và xèo lá, với tình trạng này sản lượng thu hoạch sắp tới sẽ bị sụt giảm từ 30-40% so với thời điểm cùng kỳ hàng năm.
Để giảm thiệt hại do thời tiết nắng nóng, từ đầu vụ, ngành chức năng đã đưa ra nhiều khuyến cáo và hướng dẫn người trồng áp dụng biện pháp như đào mương tích trữ nước, lắp hệ thống phun sương tự động để giúp làm mát cho vườn quýt, ngoài ra còn sử dụng phân bón hữu cơ để giúp cây tăng khả năng chống chịu,
Hà Tĩnh hỗ trợ giống, phân bón cho mô hình trồng sâm bố chính
Thanh Nga sx
Ông Võ Trọng Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa đi kiểm tra, đánh giá bước đầu mô hình sản xuất sâm bố chính trên đất màu bỏ hoang tại thôn Phúc Thanh, xã Thạch Khê, huyện Thạch Hà. Mô hình này được triển khai trên diện tích 1ha, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Tĩnh hỗ trợ toàn bộ giống, khoa học kỹ thuật và một phần phân bón.
Sau hơn 3 tháng chăm sóc, toàn bộ diện tích sâm sinh trưởng, phát triển tốt, thích nghi với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng ở địa phương, đặc biệt là chất đất thịt pha cát. Theo anh Phan Nhân Trí, chủ mô hình tính toán, ước năng suất thu hoạch sẽ đạt 4 – 5 tấn/ha, bán với giá tương đương năm 2023 là 150.000 đồng/kg, thu nhập sẽ đạt khá cao.
Giá dừa đang biến động mạnh như giá vàng
Minh Phúc khai thác
Các doanh nghiệp cho biết 'giá dừa đang biến động mạnh như giá vàng' khi tăng lên 130.000 đồng một chục, cao gấp 4 lần so với những tháng trước đó.
Không chỉ giá cao, chúng còn biến động mạnh trong ngày khi buổi sáng báo giá khác, chiều đã cao hơn. Do đó, các doanh nghiệp, thương lái phải cạnh tranh nhau để thu mua mới có nguyên liệu.
Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP. Hồ Chí Minh, cho thấy dừa xiêm loại 1 bán ra dao động 25.000-30.000 đồng một trái, loại 2 khoảng 15.000-20.000 đồng, với hàng loại 3 giá 10.000-13.000 đồng.