Công nghệ sạ cụm, nhanh và chính xác đã tối ưu vấn đề quản lý mùa vụ trên đồng ruộng, tiết kiệm giống, cây lúa khỏe ít đổ ngã, ít sâu bệnh, giảm phân bón so với sạ lan truyền thống.
Sạ cụm - đáp ứng yêu cầu sản xuất lúa giảm phát thải
Mới đây, Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) phối hợp với Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) đồng tổ chức trình diễn thực địa về cơ giới hóa gieo sạ chính xác.
8 loại máy móc cơ giới hóa ứng dụng trong khâu gieo sạ lúa chính xác “phô diễn” khả năng tối ưu hóa chi phí đầu vào. Các thiết bị đã được cải tiến phù hợp và hiệu quả với địa hình ở vùng ĐBSCL. Trong đó, thiết bị máy sạ cụm của Công ty TNHH TM-DV Sài Gòn Kim Hồng nhận được sự quan tâm của nhiều bà con nông dân, HTX trong vùng.
Ông Trần Văn Chung, Giám đốc HTX Phát Tài, xã Thanh Mỹ, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vĩnh: “Sạ cụm rất hiệu quả so với sạ hàng hoặc cấy. Thứ nhất giảm được giống, phân, hơn nữa không đổ ngã. Hồi trước sạ lan rồi tới giai đoạn sạ hàng sau này cấy rồi qua sạ cụm thấy mang lại hiệu quả cao hơn vì mình giảm được chi phí, thay vì cấy 700 nghìn đồng/công, còn hiện nay sạ cụm tôi lãnh cho nông dân chỉ có 300 nghìn đồng/công thôi”.
Ông Nguyễn Thanh Vững, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang: “Ấn tượng nhất là máy sạ cụm, máy bay phun thuốc mình cũng có rồi, thấy nó tiện lợi, mau cho bà con, máy sạ cụm đầu tư được”.
Từ năm 2019 máy sạ cụm được đưa vào thử nghiệm trên đồng ruộng Việt Nam, trải qua 8 mùa vụ vừa sản xuất, vừa cải tiện, đến nay thiết bị đã chứng minh được hiệu quả khi chính thức là một thiết bị cơ giới hóa được Cục Trồng trọt đưa vào quy trình canh tác lúa giảm chi phí.
Bà Đào Thị Như Hè, Giám đốc Công ty TNHH TM-DV Sài Gòn Kim Hồng: “Trước giờ hiệu quả của máy cấy nông dân của mình không ai chê cả, nhưng để áp dụng được máy cấy vào trong diện tích lớn của ĐBSCL rất là khó. Hiện nay, Công ty đưa dàn sạ cụm gắn trên máy cấy, máy cày… bà con sẽ dễ đầu tư hơn. Nhà nhà đều có máy cày, sạ cụm này thay được máy cấy ở chỗ là nó thông thoáng, từng cụm, mật độ như lúa cấy, nhưng hơn lúa cấy ở chỗ là cấy phải làm mạ còn bên đây mình chỉ cần sạ bằng giống thôi, người dân có thể giảm được rất nhiều chi phí nếu như sạ cụm".
Theo đánh giá của các chuyên gia, ĐBSCL đang cần công nghệ sạ nhanh và chính xác để tối ưu vấn đề quản lý mùa vụ trên đồng ruộng, giảm thiểu rủi ro biến đổi khí hậu, đổ ngã, tổn thất.
PGS.TS Nguyễn Văn Hùng, Chuyên gia khoa học cao cấp, Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế IRRI: “Yêu cầu của ĐBSCL là phải sạ đồng loạt nên trong thời gian 10 ngày là phải sạ xong vùng nào đó, cho nên phải sạ nhanh, chính xác. Không có con đường nào khác là phải sử dụng máy gieo sạ chính xác. Nó sẽ hỗ trợ rất mạnh cho chương trình tăng chất lượng”.
Ông Ngô Văn Đây, Nguyên Phó trưởng Văn phòng thường trực tại Nam bộ, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia: “Lâu nay bà con nông dân chúng ta áp dụng bước đầu những tiến bộ khoa học kỹ thuật khá nhiều. Nhưng khâu cơ giới hóa xuống giống còn yếu, cây lúa yếu nhất. Máy sạ cụm Hàn Quốc đang khuyến cao sử dụng lượng giống tối thiểu từ 40-60kg/ha. Quan trọng hơn nữa từ giảm giống, giảm phân, giảm thuốc thì kéo theo vấn đề giảm ô nhiễm môi trường, giảm phát thải, đó là chỉ tiêu quan trọng nhất”.
Hiện nay, Bộ NN-PTNT đang thực hiện Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL”. Với mục tiêu hình thành vùng nguyên liệu quy mô lớn, ổn định, lâu dài, xây dựng thương hiệu lúa gạo giảm phát thải. Việc ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa nói chung và khâu gieo sạ chính xác nói riêng góp phần cùng với Bộ NN-PTNT thực hiện thành công đề án. Riêng sạ cụm chính xác là một trong những yếu tố đầu vào đáp ứng yêu cầu sản xuất lúa giảm phát thải.