| Hotline: 0983.970.780

Hơn 300 nông dân phấn chấn xem máy gieo sạ chính xác

Thứ Sáu 07/04/2023 , 15:14 (GMT+7)

CẦN THƠ Cục Trồng trọt phối hợp với Viện Lúa Quốc tế (IRRI) vừa tổ chức trình diễn cơ giới hóa gieo sạ chính xác, hỗ trợ sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp.

Buổi trình diễn được tổ chức tại huyện Thới Lai (TP Cần Thơ). Tham dự buổi trình diễn có lãnh đạo Cục Trồng trọt, Sở NN-PTNT TP Cần Thơ, Viện Lúa ĐBSCL, đại diện Sở NN-PTNT, khuyến nông 13 tỉnh thành ĐBSCL và các đoàn nông dân các nước Thái Lan, Campuchia, Philippines, Malaysia; TS Bas Bouman - Giám đốc Nghiên cứu và phát triển cùng đoàn cán bộ khoa học của IRRI…

Đặc biệt, chương trình có sự tham dự của khoảng 300 nông dân tại Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp do Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền tổ chức. Đây là những nông dân đã rất tích cực tham gia Chương trình Canh tác lúa thông minh do Bình Điền, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và hệ thống khuyến nông 13 tỉnh thành ĐBSCL thực hiện tới 7 vụ lúa, qua 2 giai đoạn, từ 2016 - 2017 đến 2020 - 2022.

42

300 nông dân tại Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp tham gia chương trình do Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền tổ chức.

Chương trình Canh tác lúa thông minh đã đạt được hiệu quả tốt như giảm giống gieo sạ (từ trên 200kg xuống còn dưới 80kg/ha), giảm phân bón và thuốc BVTV hơn 1,5 triệu đồng/ha, năng suất tăng thêm hơn 400kg thóc/ha, lợi nhuận tăng thêm từ 4 - 4,5 triệu đồng/ha so với đối chứng.

Quy trình canh tác trong chương trình Canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu đã được Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) công nhận là tiến bộ kỹ thuật. Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền cũng sẽ tiếp tục phối hợp cùng Cục Trồng trọt để triển khai quy trình Canh tác lúa thông minh vào Đề án phát triển 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, gắn với tăng trưởng xanh và phát thải thấp cho sản xuất lúa ĐBSCL.

Theo TS Trần Ngọc Thạch, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL: Sản xuất lúa ở ĐBSCL trong thời gian qua có nhiều thành tích, nhưng cũng còn nhiều vấn đề cần phải được cải thiện, như chi phí đầu vào sản xuất không ngừng tăng, dẫn đến lợi nhuận của người trồng lúa giảm, cách thức sản xuất truyền thống của nông dân làm tổn hại rất lớn đến môi trường. Giảm giống gieo sạ là vấn đề đầu tiên trong tiến trình giảm chi phí đầu vào sản xuất lúa. Cơ giới hóa gieo sạ chính xác là để giảm tối đa giống và công lao động.

Việc tổ chức trình diễn gieo sạ chính xác với nhiều thiết bị khác nhau sẽ giúp ngành nông nghiệp xây dựng chính sách, lựa chọn trang thiết bị gieo sạ phù hợp với địa phương mình; nhà khoa học xem xét để cải tiến cỗ máy gieo sạ ngày càng hoàn thiện hơn cho nông dân.

6

Buổi trình diễn cơ giới hóa gieo sạ chính xác, hỗ trợ sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp.

Tại chương trình trình diễn cơ giới hóa gieo sạ, TS Bas Bouman, Giám đốc Nghiên cứu và phát triển của IRRI nói: “Hôm nay có rất nhiều người mặc áo xanh, đội mũ xanh, đó là biểu tượng sản xuất lúa gạo của Việt Nam mà trọng tâm là tại đây - ĐBSCL. Người dân đã làm được việc này, tức làm ra lúa gạo để mình ăn và còn giúp cho nhiều nơi trên thế giới cũng có gạo của Việt Nam để ăn.

Sản xuất lúa gạo rất vất vả với nhiều công việc nặng nhọc mà không phải lúc nào thời tiết, thiên nhiên cũng ủng hộ. Hôm nay nhiều nước trên thế giới đến đây xem trình diễn cơ giới hóa trên đồng ruộng, đó là đổi mới trong sản xuất lúa gạo, máy móc sẽ giúp tăng năng suất, giảm công sức lao động cho nông dân.

Tôi hi vọng rằng tất cả những nông dân ngồi đây sẽ lái những cỗ máy đi gieo sạ để có thời gian và thu nhập nhiều hơn, con cái được chăm lo cuộc sống tốt đẹp hơn. Chính vì vậy, chúng tôi là những cuyên gia nông nghiệp quốc tế đến xem nông dân Việt Nam trình diễn”.

Tại khu vực ruộng thí nghiệm của Viện Lúa ĐBSCL, Ban tổ chức đã trình diễn 8 loại máy cơ giới hóa ứng dụng trong khâu gieo sạ lúa chính xác. Các công nghệ và máy móc tiên tiến cho gieo sạ chính xác đã được cải tiến cho phù hợp và hiệu quả với sản xuất lúa ở ĐBSCL, điển hình như: Máy sạ cụm Sài Gòn Kim Hồng; máy bay drone sạ lúa, sạ phân, phun thuốc Sài Gòn Kim Hồng; máy sạ hàng khí động liên hợp máy kéo; máy sạ hàng khí động liên hợp máy tự hành; máy sạ cụm Yanmar…

8

Buổi trình diễn cuốn hút nông dân theo dõi.

Theo ông Lê Thanh Tùng, Cục phó Cục Trồng trọt: Giảm giống gieo sạ là một yêu cầu bức thiết trong quy trình "1 phải 5 giảm", có thể gọi giảm giống là từ khóa của sản xuất lúa ở ĐBSCL hiện nay. Giảm giống là giảm áp lực đầu vào khác của sản xuất lúa. Nếu không giảm được lượng giống gieo sạ thì những yêu cầu của quy trình "1 phải 5 giảm" đều không có ý nghĩa. Việc trình diễn các thiết bị cơ giới hóa gieo sạ vì vậy sẽ giúp nông dân chọn lựa được cách thức, thiết bị phù hợp...

Cũng theo ông Tùng, Cục Trồng trọt đã phối hợp với nhiều đơn vị, doanh nghiệp trong nước tổ chức bằng nhiều hình thức khác nhau, như trình diễn trực tiếp hoặc hội thi, hội thao, tạo ra nhiều sân chơi để doanh nghiệp được trình diễn, mục tiêu cuối cùng là bà con nông dân hoặc tổ chức đại diện cho nông dân có thể khai thác, sử dụng tối đa được trang thiết bị kỹ thuật.

Đây cũng chính là tâm nguyện của nông dân đang tham quan trình diễn. Ông Từ Bá Đạt ở ấp Mỹ Bình, xã Thạnh Mỹ, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang cho biết, nhà ông làm 4ha lúa, cả lúa thịt và lúa giống, ông thấy cách thức sạ hàng phù hợp hơn với làm lúa thịt, sạ cụm thích hợp với làm lúa giống.

“Nhưng đầu tư một máy gieo sạ hơn 200 triệu đồng, lại không làm được bao nhiêu thời gian, rồi thì đắp chiếu chờ thời vụ tới, những người ít ruộng, ruộng nhỏ như tôi, việc san phẳng mặt ruộng là rất khó, mà mặt ruộng không phẳng, không tưới tiêu nước chủ động được thì khó xài máy sạ. Phải tổ chức các hợp tác xã kiểu mới, mới đặng", ông Đạt nói.

Nông dân cần liên kết hợp tác làm lúa, có sự hỗ trợ thiết thực của nhà nước mới mở ra con đường phát triển của máy gieo sạ chính xác. Việc ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa nói chung và khâu gieo sạ chính xác nói riêng góp phần cùng với Bộ NN-PTNT thực hiện thành công Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL.

Xem thêm
Vịt Xiêm lai Pháp thích hợp cho chăn nuôi nhỏ lẻ

ĐBSCL Tại ĐBSCL, mô hình nuôi vịt Xiêm lai Pháp được bà con nông dân đánh giá mang lại hiệu quả cao, thích hợp cho hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ, truyền thống.

Kiểm dịch tôm giống còn gặp khó

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trên tôm nuôi mà một phần nguyên nhân do tôm giống gây ra, ngành chức năng đã siết chặt công tác kiểm dịch.

Quảng Ngãi xây dựng mô hình cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa

Các đơn vị đã phối hợp tổ chức gieo sạ bằng máy sạ cụm 12 hàng trên diện tích 5.000m2 tại mô hình ở cánh đồng lúa xã Đức Chánh (Mộ Đức, Quảng Ngãi).