| Hotline: 0983.970.780

Cơ giới hóa gieo sạ kết hợp làm cỏ: Một cửa ngõ đến tăng trưởng xanh của sản xuất lúa Đồng bằng sông Cửu Long

Thứ Ba 11/04/2023 , 11:03 (GMT+7)

Nếu chuyển được từ sạ lan qua sạ hàng hoặc sạ cụm (cũng theo hàng) bằng máy sẽ tiết kiệm lúa giống mỗi vụ cả ngàn tỷ đồng, chưa kể đến tất cả các lợi ích khác. 

Ngày 31/3/2023 tại Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã có buổi thao diễn gieo sạ lúa, với 3 máy sạ hàng, 4 máy sạ cụm, và 1 máy bay sạ lan. Các máy sạ hàng/ sạ cụm đạt năng suất làm việc cao, 4-8 hecta/ngày.

Các máy sạ hàng/ sạ cụm đạt năng suất làm việc cao, 4-8 hecta/ngày.

Các máy sạ hàng/ sạ cụm đạt năng suất làm việc cao, 4-8 hecta/ngày.

Hiện tại ở ĐBSCL, tỷ lệ cơ giới hóa (CGH) gieo sạ lúa theo hàng rất thấp, với công cụ sạ hàng kéo tay (coi như là “máy”) năng suất làm việc chỉ cỡ 1 ha/ngày. Nông dân vẫn chủ yếu sạ lan bằng tay hoặc với bình phun mang vai...  

Theo báo cáo sau buổi thao diễn trên, cũng như tại Hội thảo do IRRI và Cục Trồng trọt tổ chức trước đó (30/3/2023) thì qua nhiều thử nghiệm, cả sạ hàng và sạ cụm chỉ tốn khoảng 50 kg/ha giống, so với sạ lan tốn 150-200 kg/ha; năng suất thu hoạch tăng hơn sạ lan. 

 

Sạ lan tốn nhiều phân hơn, bị sâu bệnh nhiều hơn, dù đạt năng suất thì chất lượng gạo cũng thua gieo hàng hoặc cấy. 

Cấy lúa bằng máy thì rất tốt, nhất là khi sản xuất giống cần khử lẫn; nhưng chi phí cao, do máy ngoại nhập và do chuẩn bị mạ cho máy (hiện tại dịch vụ cấy khoảng 5-6 triệu đ/ha); vì thế khó áp dụng cho canh tác lúa thương phẩm.

Trong chương trình “1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao, tăng trưởng xanh” nếu chuyển được từ sạ lan qua sạ hàng hoặc sạ cụm (cũng theo hàng) bằng máy sẽ tiết kiệm lúa giống mỗi vụ cả ngàn tỷ đồng, chưa kể đến tất cả các lợi ích khác. 

Đáp ứng chương trình trên, ước tính lý thuyết cần 20.000 máy (giả định năng suất gieo 5 ha/ngày, mùa vụ gieo 10 ngày). 

Khi số máy tăng nhiều, sẽ di chuyển địa bàn hoạt động ở nhiều nơi có mùa vụ hơi lệch nhau, có lẽ chỉ cần 12.000 máy (tham khảo trường hợp máy gặt đập liên hợp, tình huống tương tự...).

Vậy làm thế nào để nhanh chóng có số lượng máy trên, đáp ứng yêu cầu cơ giới hóa sạ theo hàng?

Trước hết cần rút các bài học kinh nghiệm trong quá khứ, qua trường hợp máy gặt đập liên hợp (GĐLH). 

Nhiều vùng nhiều nước qua 20 năm vẫn chưa đạt mức 50% thu hoạch lúa bằng máy. Ngược lại ở ĐBSCL, chỉ trong 8 năm (2008-2016), CGH với máy GĐLH đã từ khoảng 6% tăng đến 97% (coi như 100%). Thành công nhờ “đi trên hai chân”. 

Chân thứ nhất là nghiên cứu sử dụng, để máy làm việc tốt với điều kiện đất đai, giống lúa, v.v; qua 4 cuộc Hội thi máy GĐLH (2007-2010) do Bộ NN-PTNT tổ chức, các nhà sản xuất máy đã cải tiến rất nhiều... “Chân” thứ hai là một nhà sản xuất máy nước ngoài, tuy không dự thi, nhưng theo dõi các cải tiến rất kỹ và đưa vào máy của họ. 

Với công nghệ chế tạo hàng đầu thế giới, họ đã cung cấp hơn 10.000 máy GĐLH bền bỉ, tin cậy cho nông dân (tuy rằng hơi tiếc cho các nhà sản xuất nội địa đã “thua trên sân nhà”).

Máy GĐLH là bài học kinh nghiệm quý giá, để vận dụng cho CGH gieo sạ ở ĐBSCL, gồm 2 vế: Vế thứ nhất là hỗ trợ sử dụng, bao gồm: (a) Tổ chức các cuộc thi máy sạ hàng/sạ cụm, mời nông dân và các chuyên gia đến xem và góp ý, nhờ đó nhà sản xuất máy sẽ liên tục cải tiến máy. 

(b) Thực hiện ưu tiên chính sách hỗ trợ cơ giới hóa đồng bộ, đặc biệt theo Đề án “1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao, tăng trưởng xanh”, bao gồm hỗ trợ một phần chi phí mua máy, và một phần chi phí nông dân thuê dịch vụ sạ. 

Tăng số chủ máy và số nông dân thuê sạ là một vòng lặp của quá trình CGH, nghĩa là “có ít mới có nhiều”.

Vế thứ hai là hỗ trợ để phát triển mạng lưới các nhà chế tạo máy. Cần các nhà sản xuất máy tương tác với nông dân sử dụng máy qua các buổi hội thi, hội diễn, hội thảo... (mỗi hội thảo 100 người thì ít nhất cũng có 10 nhà chế tạo máy, lớn và nhỏ). 

Các máy sạ hàng/sạ cụm không phức tạp lắm, nên các công ty nước ngoài chắc ít quan tâm vì doanh thu nhỏ và nhiều cạnh tranh nội địa. 

Nhưng các nhà sản xuất nội địa cần bảo đảm độ tin cậy, máy bền bỉ, ít hỏng hóc, thông qua: thiết kế tốt, chế tạo chuẩn với các máy CNC, và bảo hành nhanh trong 1-2 ngày.  

Trễ 3 ngày là hết gần một nửa thời vụ gieo; nông dân không thuê máy, chủ máy không lấy vốn đầu tư, đó là vòng luẩn quẩn đã gặp với nhiều trường hợp không CGH được.

Vì thế, Nhà nước cũng cần hỗ trợ chế tạo, bao gồm:

1. Xem xét để hỗ trợ, chọn các nhà sản xuất uy tín, có nhân lực kỹ thuật, có quá trình phục vụ cơ khí nông nghiệp, có một số máy công cụ hiện đại.

2. Hỗ trợ thiết kế, chế tạo máy, khảo nghiệm máy, tham gia các hội thi, v.v. 

3. Hỗ trợ mua thêm các máy công cụ hiện đại (máy tiện, phay CNC, máy cắt laser, v.v) với lãi suất vay ưu đãi.

Không thể nghĩ đơn giản “có cầu là có cung”; ngành cơ khí nội địa mấy chục năm chưa phục vụ tốt cho nông dân vì thiếu các tương tác nói trên; cứ tự tin là “cái gì làm cũng được, cứ đưa bản thiết kế cho xưởng...”, nhưng kết cục chẳng làm gì nhiều... Tạo được nguồn cung máy nông nghiệp nội địa là một bảo đảm tốt nhất cho quá trình cơ giới hóa...

Sạ hàng/sạ cụm tạo điều kiện ứng dụng diệt cỏ bằng cơ giới

Hiện tại kỹ thuật sạ hàng hoặc sạ cụm bằng máy đã tiết kiệm giống, hơn hẳn sạ lan gây lãng phí trung bình khoảng 100 kg/ha giống.  

Hai kỹ thuật này tạo điều kiện để kết hợp với diệt cỏ bằng cơ giới thay thế cho sử dụng thuốc diệt cỏ trong sản xuất lúa ở ĐBSCL gây tác hại lớn đến môi trường: đất, nước, sức khỏe…

Kết hợp sạ hàng và sạ cụm (cũng theo hàng) có thể thực hiện bằng bố trí sạ theo hàng kép, ví dụ 40-15-40-15-40cm.  

Giữa hai hàng biên 15 cm, cây lúa sẽ “ém” cỏ. Giữa hai hàng rộng 40 cm, sẽ dùng lưỡi xới cơ khí để diệt cỏ, chỉ cách gốc lúa 5 cm. Máy xới cỏ có số hàng làm việc bằng với số hàng gieo sạ, chạy theo đường gieo, nên sẽ ít làm tổn thương cây lúa.  

Chế tạo máy làm cỏ cũng đơn giản, trong khả năng của các xưởng cơ khí trong nước. Ước tính chi phí làm cỏ bằng máy tương đương với sạ cụm, tức là khoảng 1 triệu đồng/ha. So sánh với dùng thuốc cỏ 2 lần, chi phí có thể đến 1,5 triệu đ/ha. 

Nông dân ưa dùng thuốc cỏ, vì “việc nhẹ” ít tốn công. Vì sức khỏe của nông dân và vì môi trường, cần thay đổi tập quán này với sử dụng cơ giới.

Hình 4: Sạ hàng (hoặc sạ cụm) theo hàng kép 15-40-15-40 cm.

Hình 4: Sạ hàng (hoặc sạ cụm) theo hàng kép 15-40-15-40 cm.

Bắt đầu với thử nghiệm thêm ở ít nhất 5 địa phương, với khoảng 10-20 hecta ở mỗi địa điểm, so sánh các nghiệm thức sạ hàng, sạ cụm, và sạ lan, để có số liệu khoa học và đối chiếu về hiệu quả kinh tế (chi phí giống, vật tư khác, năng suất, chất lượng gạo, v.v). 

Đồng thời, tiến hành thử nghiệm hàng/sạ cụm kết hợp với máy làm cỏ cơ khí, không dùng thuốc dịệt cỏ. Kết quả ứng dụng là cơ sở để mở rộng đại trà ở mỗi địa phương; với các hỗ trợ cho cả 2 phía (sử dụng và chế tạo) như đã trình bày... 

Cơ giới khâu gieo sạ để giảm lượng giống, giảm mật độ cây lúa trên ruộng giúp giảm đáng kể lượng phân bón, lượng thuốc BVTV; nếu kết hợp với cơ giới làm cỏ thay thế cho dùng thuốc diệt cỏ phổ biến hiện nay thì không những giảm chi phí cho nông dân mà không giảm năng suất, đồng thời giảm tác động tiêu cực đến môi trường. Đây là một cửa ngõ đến tăng trưởng xanh của sản xuất lúa đồng bằng sông Cửu Long.

(Nguyên giảng viên Trường Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh)

Xem thêm
Nghề nuôi đà điểu gặp khó khăn chưa từng có

Hà Nội Trong trang trại của ông Tài, đàn đà điểu vục đầu ăn ở máng xong một con co chân chạy là tất cả các con khác cùng chạy theo, bụi cuốn bay mù mịt.

Mua heo không được lại gần chuồng xem heo

BÌNH ĐỊNH Một thợ chuyên mua heo thịt tại Bình Định chia sẻ, hiện người dân không còn cho thương lái vào chuồng như trước để tránh lây lan dịch bệnh từ ngoài vào trang trại.

Hà Nội xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn gắn với du lịch

Mô hình sản xuất rau an toàn gắn với du lịch sinh thái và trải nghiệm ở Văn Đức đã tích hợp được đa giá trị, nâng cao khả năng sản xuất, tiêu thụ.