'Săn' chem chép, thu nhập trên 500.000 đồng/ngày. Ngư dân Quảng Trị mất mùa cá nục. Trung Quốc chi hơn 1 tỷ USD nhập cao su của Việt Nam. Đồng Nai hướng đến chăn nuôi an toàn dịch bệnh để xuất khẩu.
‘Săn’ chem chép, thu nhập trên 500.000 đồng/ngày
Phạm Huy khai thác
Tại xã Thanh Tùng, huyện Đầm Dơi có hàng chục hộ dân sống bằng nghề bắtchem chép. Sáng sớm, người dân sẽ dùng các thuyền, ghe đi dọc theo các con sông, mé biển để tìm hang chem chép và bắt.
Chem chép biển lớn hơn chem chép sông, ăn có vị ngọt, thơm nên thường được bán với giá cao, trung bình mỗi người bắt được vài chục kg mỗi ngày. Hiện giá chem chép được thương lái thu mua tại vựa từ 40.000 đồng đến 60.000 đồng/kg. Do đó, Thu nhập từ nghề bắt chem chép có khi lên đến hơn 500.000đ/ngày.
Chem chép biển là loài nhuyễn thể hai mảnh nhỏ sống ở vùng đất ngập nước Cà Mau, thường sinh sống ở những vùng nước mặn, thủy triều lên xuống có đầm lầy. Đây cũng là một sản vật được nhiều người dân đất Mũi săn lùng bởi loại này ăn có vị ngọt thơm, được thị trường ưa chuộng.
Ngư dân Quảng Trị mất mùa cá nục
Võ Dũng sx
Mùa đánh bắt cá nục của ngư dân Quảng Trị thường bắt đầu từ tháng 4 hàng năm và kết thúc vào cuối tháng 8. Ngư trường đánh bắt cá nục thường cách bờ khoảng từ 15-20 hải lý.
Theo ngư dân Quảng Trị, năm nay, sản lượng đánh bắt cá nục chỉ bằng khoảng 1/2 so với những năm trước. Giá cá nục được thương lái thu mua tại các cảng cá thời điểm này dao động từ 14-16 nghìn đồng/kg, cao hơn khoảng 2-3 nghìn đồng/kg so với năm trước.
Đại diện Cảng cá Bắc Cửa Việt cho biết, những ngày qua, nhiều tàu cá đánh bắt cá nục ra vào cảng bốc dỡ hàng hóa và tiếp nhiên liệu. Tuy nhiên, sản lượng đánh bắt thấp nên mỗi chuyến ra khơi không đem về nguồn thu lớn khiến ngư dân kém vui.
Trung Quốc chi hơn 1 tỷ USD nhập cao su của Việt Nam
Phạm Huy khai thác
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, Trung Quốc đang là thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản lớn của Việt Nam. Tính đến hết tháng 7 năm nay, xuất khẩu các nhóm hàng này sang thị trường Trung Quốc tăng 12,5 % so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 21,9 % tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp nước ta. Ngoài ra, quốc gia này còn chi hơn một tỉ đô la Mỹ để mua cao su của nước ta. Tháng 7/2023, Trung Quốc tiếp tục là thị trường xuất khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam, chiếm gần 80% tổng lượng cao su xuất khẩu của cả nước, đạt trên 175.000 tấn, trị giá trên 226.000 đô la Mỹ, tăng 25% về lượng và tăng 2,7 phần trăm về trị giá so với tháng 7 năm ngoái. Đây là tháng thứ sáu liên tiếp lượng cao su xuất khẩu sang Trung Quốc tăng so với cùng kỳ năm trước.
Đồng Nai hướng đến chăn nuôi an toàn dịch bệnh để xuất khẩu
Minh Sáng sx
Đồng Nai là tỉnh nằm trong tốp đầu của cả nước về chăn nuôi heo, gà, gia cầm lấy trứng. Thời gian qua, thịt gà, trứng gia cầm của Đồng Nai đã xuất khẩu được vào Nhật Bản và một số nước. Ngoài ra, một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh này cũng đã xuất khẩu sản phẩm xúc xích làm từ thịt heo, gà qua gần 10 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Vì thế, Đồng Nai đẩy mạnh việc hình thành các vùng an toàn dịch bệnh và vùng đạt tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới nhằm kết nối với doanh nghiệp chế biến thực phẩm, tạo chuỗi phát triển chăn nuôi bền vững để xuất khẩu.
Theo các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã xuất khẩu được thịt gà, trứng thì hơn 90% sản phẩm chăn nuôi của Đồng Nai được thực hiện theo mô hình tập trung, người chăn nuôi có kinh nghiệm, kỹ thuật nên việc hình thành các vùng an toàn dịch bệnh sẽ thuận lợi hơn. Đưa được thịt heo, gà, trứng gia cầm đi xuất khẩu nông dân giảm bớt nỗi lo đầu ra bị ép giá…