Sản xuất lúa gạo theo định hướng tăng trưởng xanh. Tạo chuỗi liên kết để phát triển ngành nông nghiệp quy mô lớn. 80% diện tích trồng sắn ở Tây Ninh bị nhiễm bệnh khảm lá. Giá phân bón giảm xuống mức thấp nhất trong 2 năm.
SẢN XUẤT LÚA GẠO THEO ĐỊNH HƯỚNG TĂNG TRƯỞNG XANH – Quang Dũng
Sáng 28/3, Bộ NN-PTNT và Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế (IRRI) đồng tổ chức hội thảo tham vấn “Các giải pháp để chuyển đổi sản xuất gạo chất lượng cao và phát thải thấp ở Việt Nam”.Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam, sản lượng lúa của ĐBSCL đóng góp hơn 50% tổng lượng gạo sản xuất và hơn 90% lượng gạo xuất khẩu cả nước, tạo việc làm và thu nhập cho hơn 1,5 triệu nông hộ, góp phần quan trọng vào mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp chế biến và xuất khẩu gạo. Tuy nhiên, sản xuất lúa gạo ở khu vực này vẫn còn nhiều thách thức, hạn chế.Nhằm giải quyết những vấn đề đó, Chính phủ Việt Nam đã triển khai nhiều chính sách và chương trình, trong đó có việc triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, theo định hướng tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL. Đây được đánh giá là một bước tiến mới, cùng hướng đến một nền sản xuất lúa gạo chất lượng cao và thích ứng với khí hậu ở Việt Nam.
TẠO CHUỖI LIÊN KẾT ĐỂ PHÁT TRIỂN NGÀNH NÔNG NGHIỆP QUY MÔ LỚN - minh hậu – kim sơ
Tại Hội nghị Phát triển chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ sản phẩm nông lâm thuỷ sản hướng đến xuất khẩu do UBND tỉnh Ninh Thuận phối hợp cùng Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức sáng 28/3, nhiều vấn đề trong đầu tư, hợp tác, phát triển liên kết chuỗi đã được các bên đưa ra thảo luận, phân tích những khó khăn, tồn tại và tìm cách tháo gỡ. Ông Lê Huyền, Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận nhấn mạnh, địa phương có sự chuyển biến rõ rệt trong lĩnh vực nông nghiệp với nhiều mô hình liên doanh, liên kết sản xuất, hiện tỉnh đã có 68 mô hình liên kết chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp, hợp tác xã với nông dân. Việc xây dựng các chuỗi liên kết sẽ giúp bà con yên tâm sản xuất, giúp ngành nông nghiệp địa phương hướng đến quy mô lớn hơn, qua đó mở rộng thị trường.Tại hội nghị, các đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã đã cùng ký kết hợp tác sản xuất, tiêu thụ nhiều sản phẩm như thuỷ sản, lúa gạo, cừu, yến sào, nho...
80% DIỆN TÍCH TRỒNG SẮN Ở TÂY NINH BỊ NHIỄM BỆNH KHẢM LÁ (LÊ BÌNH - TRẦN TRUNG)
Theo Trung tâm khuyến nông tỉnh Tây Ninh, địa phương hiện có trên 60.000 ha sắn, Tuy nhiên, hơn 80% diện tích đã bị nhiễm bệnh khảm lá. Cây sắn đóng góp khoảng 10% giá trị xuất khẩu nông sản của tỉnh, để duy trì và phát triển vùng nguyên liệu sắn, Trung tâm Nông nghiệp Nhiệt đới Quốc tế và Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm nông nghiệp Hưng Lộc đã đồng hành cùng ngành Nông nghiệp Tây Ninh nghiên cứu, thử nghiệm các giống sắn sạch bệnh và tìm được 6 giống kháng bệnh khảm lá trên tổng số 536 giống khảo nghiệm.Qua thực tế áp dụng trồng khảo nghiệm 2 trong số 6 giống sắn này, sau hai năm triển khai đã cho kết quả khả quan, năng suất thu được trên 40 tấn/ha, hàm lượng tinh bột đạt bình quân từ 28% đến 30%.
GIÁ PHÂN BÓN GIẢM XUỐNG MỨC THẤP NHẤT TRONG 2 NĂM
So với cách nay khoảng 1 tháng, giá nhiều loại phân bón, đặc biệt là phân Đạm (Urê) tại vùng ĐBSCL giảm thêm ít nhất từ 10.000-30.000 đồng/bao 50kg và đang ở mức thấp nhất trong hơn 2 năm qua.Giá Đạm Cà Mau, Đạm Phú Mỹ và nhiều loại Urê nhập khẩu từ Trung Quốc, Indonesia và Malaysia tại nhiều nơi đang ở mức 480.000-520.000 đồng/bao, trong khi cùng kỳ năm 2022 có giá 860.000-940.000 đồng/bao.
Giá Kali miểng từ 680.000-730.000 đồng/bao, trong khi cùng kỳ năm trước ở mức 890.000-950.000 đồng/bao.Giá DAP nhập khẩu từ Nga (loại hạt đen) đang ở mức 1.000.000-1.050.000 đồng/bao, DAP Philippines từ 1.200.000-1.250.000 đồng/bao và DAP Hồng Hà (Trung Quốc) ở mức 1.250.000-1.290.000 đồng/bao…Giá giảm bởi sức mua yếu, nguồn cung dồi dào và có sự canh tranh của nhiều thương hiệu phân bón.