| Hotline: 0983.970.780

Quảng Bình: Bệnh khảm lá sắn lây lan nhanh trên diện rộng

Thứ Hai 20/03/2023 , 07:05 (GMT+7)

Hơm 2.000ha sắn ở Quảng Bình đã bị nhiễm bệnh khảm lá. Địa phương này đang khẩn trương xây dựng mô hình giống mới kháng bệnh để nhân rộng ra sản xuất.

Thời tiết đầu niên vụ trồng sắn năm nay khá thuận lợi nên các địa phương trong tỉnh Quảng Bình hiện đã trồng khoảng 6.500ha sắn nguyên liệu. Tuy nhiên đến nay, đã có trên 2.000ha sắn nguyên liệu bị nhiễm bệnh khảm lá sắn. Ông Lê Xuân Tứ, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Quảng Bình cho hay: “Trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện bệnh khảm lá sắn do virus gây hại. Đơn vị đang phối hợp với các địa phương hướng dẫn nông dân tập trung phòng, chống”.

Bệnh ngày càng lan nhanh trên diện rộng

Chúng tôi về huyện Bố Trạch, nơi có diện tích trồng sắn nguyên liệu lớn nhất tỉnh Quảng Bình. Theo ông Nguyễn Cẩm Long, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Bố Trạch, toàn huyện có gần 4.000ha sắn. Trong đó có khoảng 2.000ha đã bị nhiễm bệnh khảm lá sắn. Trong số này, có trên 200ha đã bị nhiễm nặng với tỷ lệ trên 80%.

“Gần như địa phương nào trên địa bàn cũng có diện tích sắn bị nhiễm bệnh. Một số địa phương có diện tích nhiễm bệnh cao như xã Tây Trạch, Phú Định, Nam Trạch, thị trấn Việt Trung…”, ông Long cho biết. Cũng theo ông Long, bệnh khảm lá sắn có tên khoa học là Sri Lanka cassava mosaic virus (SLCMV), lan truyền qua môi giới truyền bệnh là bọ phấn trắng và qua hom giống đã bị nhiễm bệnh từ vụ trước. Tỷ lệ bệnh phổ biến từ 30 - 50% diện tích trồng sắn trên đồng.

Nông dân huyện Bó Trạch lo lắng vì diện tích sắn bị nhiễm bệnh khảm lá rất lớn. Ảnh: T.P

Nông dân huyện Bố Trạch lo lắng vì diện tích sắn bị nhiễm bệnh khảm lá rất lớn và không ngừng lây lan. Ảnh: Tâm Phùng.

Trên cánh đồng thôn Chùa (xã Tây Trạch, huyện Bố Trạch), vợ chồng anh Nguyễn Thanh Tuấn đang cày và vun gốc cây sắn. Trên ruộng, cây sắn đã có chiều cao chừng 20cm, phần lớn cây có bộ lá quăn queo hoặc nổi đốm lên chứ không được phẳng, xanh như bình thường.

Anh Tuấn cho hay, niên vụ năm ngoái, sắn của gia đình anh cũng đã bị bệnh như vậy, bà con không biết bệnh gì nhưng thấy lá sắn cứ quăn queo lại nên gọi chung là bệnh “mồng lá”. Sau khi phát hiện cây sắn bị bệnh, bà con cày và vun gốc, bón thêm phân gốc và phun phân bón qua lá.

“Mặc dù đã áp dụng nhiều cách để chữa trị, phục hồi cây sắn, tuy nhiên năng suất, sản lượng năm ngoái của cây sắn đã bị giảm đáng kể. Năm nay, bà con vẫn sử dụng hom giống từ cây sắn trồng ở địa phương. Tình trạng cây sắn bị bệnh “mồng lá” sớm hơn và trên diện rộng cũng như lượng cây bị bệnh trên ruộng là phổ biến”, anh Tuấn bộc bạch.

Hiện trên vạt ruộng của nhà anh Tuấn chỉ còn lác đác cây sắn không bị bệnh và phát triển rất tốt. Cây vươn khỏe hơn và cao vượt lên so với những cây bị nhiễm bệnh. Nhổ hai cây sắn đưa lên so sánh, anh Tuấn bảo: “Nhìn bằng mắt thường thì bộ rễ (sau này là củ sắn) của cây sắn bị bệnh có hướng chuyển sang màu vàng, rễ ngắn hơn và số lượng chỉ bằng một nửa bộ rễ cây khỏe mạnh. Nếu để lại chăm bón thì năng suất chắc cũng chẳng được là bao”.

Ông Nguyễn Cẩm Long, Trưởng phòng NN-PTNT Bố Trạch hướng dẫn người nông dân cách nhận biết cây sắn bị nhiễm bệnh trên đồng ruộng. Ảnh: T.P

Ông Nguyễn Cẩm Long (ngồi, bên phải), Trưởng phòng NN-PTNT huyện Bố Trạch hướng dẫn nông dân cách nhận biết cây sắn bị nhiễm bệnh trên đồng ruộng. Ảnh: Tâm Phùng.

Tại nhà văn hóa thôn Chùa, bà con trong thôn đang họp để bàn về việc phòng chống bệnh cho cây sắn. Phần lớn bà con đều mong muốn có giống cây mới đưa về để kháng được bệnh và cho năng suất cao hơn. Ông Nguyễn Văn Phương, một nông dân xã Tây Trạch cho hay: “Hiện nay bà con chúng tôi sử dụng giống sắn KM94. Giống sắn này đã đưa vào canh tác chừng 25 năm nay. Thời gian đầu, sắn cho năng suất 40 - 50 tấn/ha. Sau vài năm, năng suất cứ giảm dần và đến này thì chỉ còn khoảng 20 tấn/ha thôi”.

Hiện, bệnh chưa có thuốc đặc trị và bọ phấn trắng đang ở tuổi trưởng thành nên lây lan bệnh rất nhanh, nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất và chất lượng cây sắn. Theo một số nông dân, năm nay cây sắn bị bệnh khảm lá ngay sau khi mới mọc mầm, chứng tỏ nguồn bệnh đã bị lan truyền qua hom giống.

Đưa giống sắn kháng bệnh về thay thế

Trước nguy cơ bệnh khảm lá sắn lan rộng, Chi cục Trồng trọt và BVTV phối hợp các địa phương đang khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống, trong đó ưu tiên xác định ruộng sắn bị nhiễm bệnh để xử lý tiêu hủy cây sắn bị bệnh với phương châm nhanh, gọn nhằm kịp thời khống chế, không để bệnh khảm lá sắn lây lan ra diện rộng.

“Biện pháp tiêu hủy cây sắn bị bệnh bằng cách thu gom để đốt hoặc đào hố chôn. Nếu chôn cần xử lý vôi bột ở phía dưới và phía trên bề mặt cây sắn bị bệnh trước khi chôn để cây sắn nhanh tiêu hủy và diệt trừ mầm bệnh. Đồng thời, nông dân cần chuyển sang cây trồng khác như mè, đậu đỗ phù hợp thời vụ, chất đất tại địa phương”, ông Lê Xuân Tứ, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Quảng Bình cho hay.

Anh Nguyễn Thanh Tuấn: “Cây sắn bị bệnh có bộ rễ chỉ bằng một nữa cây không bị nhiễm bệnh”. Ảnh: T.P

Anh Nguyễn Thanh Tuấn: “Cây sắn bị bệnh có bộ rễ chỉ bằng một nửa cây không bị nhiễm bệnh”. Ảnh: Tâm Phùng.

Ngoài việc giám sát chắc tình hình diễn biến bệnh khảm lá sắn, huyện Bố Trạch khẩn trương triển khai đưa giống mới về làm mô hình, sau đó nhân rộng. Theo ông Nguyễn Cẩm Long, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Bố Trạch, giống sắn được chọn là HN5 có nguồn gốc từ tỉnh Tây Ninh. “Đây là giống sắn được khuyến cáo là kháng được bệnh khảm lá và cho năng suất cao. Tuy nhiên, chúng tôi cũng cần chọn làm mô hình của vụ này và xem xét trong việc đưa ra diện rộng”, ông Long nói.

Huyện Bố Trạch hỗ trợ bà con xã Tây Trạch làm mô hình giống sắn HN5 trên diện tích 5ha. Trên diện tích này, cây sắn giống KM94 bị nhiễm bệnh tỷ lệ cao được nhổ bỏ, tiêu hủy, sau đó đưa giống HN5 vào thay thế. “Ngoài diện tích bị nhiễm nặng cần nhổ tiêu hủy thì những diện tích còn lại chúng tôi cũng khuyến cáo bà con tăng cường chăm sóc như vun bón phân gốc, phun bón phân qua lá như bà con đã thực hiện nhằm tăng sức kháng bệnh cho cây trồng”, ông Nguyễn Cẩm Long nói thêm.

Xem thêm
Gần 3 tháng sau bão số 3, chăn nuôi Quảng Ninh khôi phục tốt

3 tháng sau bão số 3, chăn nuôi của Quảng Ninh, nhất là đàn gia cầm tăng mạnh, cơ bản khôi phục sản xuất so với trước bão.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Hợp tác nông nghiệp công nghệ cao hỗ trợ nông dân và hợp tác xã

Còn nhiều dư địa để phát triển hợp tác nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo tương thích với mô hình sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam.