Siêu bão Noru mạnh cấp 13 sẽ vào biển Đông đêm nay. Miền Trung chủ động ứng phó bão Noru. 8 tháng đầu năm, xuất khẩu mực, bạch tuộc đạt gần 500 triệu USD. Kỳ vọng thu hơn 600 tỷ đồng cho vụ cam năm nay.
SIÊU BÃO NORU MẠNH CẤP 13 SẼ VÀO BIỂN ĐÔNG ĐÊM NAY
Chiều 25/9, Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai tổ chức cuộc họp ứng phó với cơn bão Noru gần Biển Đông.Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đề nghị các công tác chuẩn bị ứng phó với cơnbão Noru cần được triển khai rất khẩn trương do diễn biến của bão đang thay đổi rất nhanh.Phó Thủ tướng yêu cầu công tác ứng phó cần được tập trung chỉ đạo sớm từ Trung ương đến các địa phương. Đặc biệt, cần rà soát một cách kĩ lưỡng cơ sở vật chất và các điểm xung yếu để có giải pháp ứng phó kịp thời.Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, dự báo đêm 25, rạng sáng ngày 26/9, bão đi vào Biển Đông và trở thành cơn bão số 4 trong năm 2022 với cường độ mạnh cấp 13, giật cấp 16 và tiếp tục duy trì cường độ trong ngày 27/9. Đêm 27/9, rạng sáng 28/9, bão đổ bộ vào khu vực miền Trung, dự kiến từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi.Đây là cơn bão rất mạnh, tốc độ di chuyển nhanh, dự báo sẽ đổ bộ vào đất liền khu vực Trung Bộ, có thể gây mưa rất lớn, kéo theo đó là lũ ống, lũ quét, sạt lở đất.
MIỀN TRUNG CHỦ ĐỘNG ỨNG PHÓ BÃO NORU
Để chủ động ứng phó với bão Noru, từ chiều 25/9, các tỉnh, thành khu vực miền Trung đã chuẩn bị, triển khai công tác phòng, chống bão.Theo đó, nhiều người dân ở vùng ven biển, hải đảo ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi – nơi được dự báo vùng tâm bão sẽ đi qua đã tiến hành chằng chống nhà cửa, bảo vệ tài sản trước khi bão đổ bộ, chuẩn bị nhiều phương án ứng phó nhằm hạn chế thấp nhất mức độ thiệt hại.Tại Bình Định, đến chiều 25/9, tỉnh này còn có 100 tàu cá nằm trong vùng nguy hiểm. Trong đó, có 54 tàu đã nhận được thông báo, 46 tàu còn lại đang được các cơ quan, đơn vị khẩn trương liên lạc thông báo hướng đi của bão để di chuyển khỏi vùng nguy hiểm.Đồng thời, cơ quan chức năng đã chỉ đạo các cảng cá hướng dẫn, sắp xếp tàu thuyền tránh va đập làm chìm, hư hỏng tại các bến neo đậu. Các địa phương tổ chức, hướng dẫn di chuyển, chằng buộc, gia cố lồng bè nuôi trồng thủy sản để đảm bảo an toàn cho người và thu hoạch sớm nhằm giảm thiệt hại đối với nuôi trồng thủy sản.
8 THÁNG ĐẦU NĂM, XUẤT KHẨU MỰC, BẠCH TUỘC ĐẠT GẦN 500 TRIỆU USD
Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam - VASEP, 8 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu mực, bạch tuộc của cả nước đạt 489 triệu USD, tăng 36% so với cùng kỳ năm 2021.Trong đó, xuất khẩu mực chiếm 56,4% đạt 276 triệu USD, tăng 47%; xuất khẩu bạch tuộc chiếm 43,6% đạt 213 triệu USD, tăng 24%.Mực chế biến đạt mức tăng trưởng tốt nhất trong số các sản phẩm mực, bạch tuộc xuất khẩu của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm nay với giá trị 79%.Hàn Quốc và Nhật Bản là 2 thị trường có tỷ trọng nổi trội trong các nước nhập khẩu mực, bạch tuộc của Việt Nam, chiếm lần lượt 36% và 22%.Xuất khẩu mực, bạch tuộc sang khối thị trường EU trong 8 tháng đầu năm đạt trên 52 triệu USD, tăng 34% so với cùng kỳ.
KỲ VỌNG THU HƠN 600 TỶ ĐỒNG CHO VỤ CAM NĂM NAY
Huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh hiện có gần 2.600 ha cam, trong đó gần 2.100 ha cho thu hoạch, năng suất cuối vụ ước đạt khoảng 25.000 tấn.Theo đánh giá của ngành chuyên môn, năm nay, chất lượng sản phẩm đảm bảo, mẫu mã quả đẹp vì người trồng luôn chú trọng đến kỹ thuật chăm sóc, mở rộng diện tích theo tiêu chuẩn VietGap; đặc biệt có một số diện tích đã được chuyển đổi sang phương thức canh tác hữu cơ.Cùng với việc sản phẩm đã tiếp cận được các thị trường lớn trên cả nước, người trồng cam đang kỳ vọng sản phẩm sẽ được tiêu thụ thuận lợi. Nếu bán được mức giá bình quân khoảng 25.000 đồng/kg thì năm nay, nông dân Vũ Quang sẽ thu về trên 600 tỷ đồng.