Sử dụng phụ phẩm nông nghiệp để chủ động nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Xuất khẩu chè giảm mạnh do xung đột Nga và Ukraine. Quảng Trị kiến nghị khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất do thiên tai. Giá táo Ninh Thuận tăng gấp đôi.
SỬ DỤNG PHỤ PHẨM NÔNG NGHIỆP ĐỂ CHỦ ĐỘNG NGUYÊN LIỆU THỨC ĂN CHĂN NUÔI
Phát biểu tại cuộc họp bàn về giải pháp giảm thiểu chi phí đầu vào cho nguyên liệu thức ăn chăn nuôi diễn ra vào chiều ngày 19/4, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh, chi phí thức ăn chiếm khoảng 60 – 70% giá thành sản phẩm chăn nuôi, do đó cần phải tìm mọi cách để giảm chi phí nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đầu vào. Đặc biệt là nghiên cứu các công thức phối trộn, bổ sung các loại phụ phẩm từ ngành trồng trọt, thuỷ sản để thay thế cho nguyên liệu nhập khẩu. Để làm được điều đó, cần hình thành thị trường phế phụ phẩm và đẩy mạnh nền nông nghiệp tuần hoàn để tận dụng toàn bộ nguồn lợi phụ phẩm và giảm lệ thuộc vào nguồn cung nước Hiện mỗi năm Việt Nam cần khoảng 33 triệu tấn nguyên liệu để sản xuất thức ăn chăn nuôi, nhưng nguồn nguyên liệu trong nước chỉ cung cấp được khoảng 13 triệu tấn, chiếm khoảng 40%, số còn lại 20,3 triệu tấn vẫn phải phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu.
XUẤT KHẨU CHÈ GIẢM MẠNH DO XUNG ĐỘT NGA VÀ UKRAINE
Theo Tổng cục Hải quan, xuất khẩu chè của Việt Nam trong quý I/2022, đạt gần 23 nghìn tấn, trị giá 36,7 triệu USD, giảm gần 12% về lượng và giảm 11,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021, giá chè xuất khẩu bình quân đạt 1.599 USD/tấn, tăng 0,7%.Xung đột giữa Nga và Ukraine khiến hoạt động xuất khẩu chè của Việt Nam tới thị trường Nga giảm mạnh trong 3 tháng đầu năm 2022, chỉ đạt 2,2 nghìn tấn, trị giá 3,9 triệu USD, giảm khoảng 30% về lượng và giảm 20,6% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, Ả rập Xê-út, Ấn Độ tăng mạnh trong 3 tháng đầu năm 2022. Tuy nhiên, trị giá xuất khẩu chè sang các quốc gia này chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ, nên không bù đắp được mức giảm từ các thị trường xuất khẩu chính.
QUẢNG TRỊ KIẾN NGHỊ KHOANH NỢ, GIÃN NỢ, GIẢM LÃI SUẤT DO THIÊN TAI
Nhằm giúp người dân sớm khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống sau mưa lũ bất thường, UBND tỉnh Quảng Trị đang lên kế hoạch kiến nghị Ngân hàng Trung ương có chính sách khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất do thiên tai, dịch bệnh cho người dân.
Trước mắt địa phương cần khôi phục hơn 3.400ha cây trồng bị ảnh hưởng do mưa lũ có khả năng phục hồi. Cùng với đó, tổ chức vệ sinh, xử lý đồng ruộng hơn 12.000ha cây trồng bị hư hại, không thể khôi phục được.Theo báo cáo của tỉnh Quảng Trị, trận mưa lũ bất thường từ ngày 31/3 - 2/4, khiến hơn 11.600ha lúa đang ở giai đoạn đẻ nhánh và trổ bông bị ngập úng, đổ rạp; gần 3.100ha ngô, hơn 2.100ha hoa màu bị hư hại; khoảng 450ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại, nhiều vùng bị ngập úng ảnh hưởng đến môi trường chăn nuôi của người dân, tổng thiệt hại ước tính gần 800 tỷ đồng.
GIÁ TÁO NINH THUẬN TĂNG GẤP ĐÔI
Tại tỉnh Ninh Thuận, táo đang được thương lái thu mua tại vườn với giá dao động từ 20.000-25.000 đồng/kg, đối với táo mua xô tại vườn có giá bình quân 15.000 đồng/kg, tăng gấp đôi so với thời điểm trước Tết.Theo các nhà vườn, sản lượng táo không đáp ứng đủ nhu cầu thị trường do cuối năm 2021 tình hình thời tiết phức tạp khiến nhiều diện tích táo ở địa phương bị ảnh hưởng.Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, táo là 1 trong 12 sản phẩm nông nghiệp đặc thù của địa phương. Với trên 1.000 ha cho sản lượng thu hoạch hàng năm khoảng 44.000 tấn.