Tận dụng các hiệp định FTA tăng giá trị nông sản. Viên nén Việt Nam hút hàng trên thị trường thế giới. Nấm rơm giảm tới 10.000 đồng/kg. Giá lương thực toàn cầu liên tục hạ nhiệt.
TẬN DỤNG CÁC HIỆP ĐỊNH FTA TĂNG GIÁ TRỊ NÔNG SẢN
Chiều 8/10, tại TP.HCM, Hội làm vườn Việt Nam phối hợp với Hiệp Hội Rau Quả Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị nông sản tận dụng lợi thế và cơ hội từ các Hiệp định FTA thế hệ mới”. Ông Nguyễn Duy Lượng, Phó Chủ tịch Hội làm vườn Việt Nam nhấn mạnh, để tận dụng được lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do – Hiệp định FTA cũng như đáp ứng các rào cản kỹ thuật của quốc gia nhập khẩu, các doanh nghiệp, HTX, trang trại, nông dân cần tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Cùng với đó là hoàn thiện cơ sở hạ tầng và xây dựng hệ thống quản lý sản xuất để có thể tạo ra sản phẩm có chất lượng, an toàn, gia tăng giá trị cho sản phẩm.
VIÊN NÉN VIỆT NAM HÚT HÀNG TRÊN THỊ TRƯỜNG THẾ GIỚI
Trong cơn sốt giá năng lượng toàn cầu hiện nay, bên cạnh viên nén gỗ thì viên nén từ trấu của Việt Nam đang được nhiều nước quan tâm. Trước kia, củi trấu và viên nén trấu thường được xuất khẩu sang Nhật Bản và Hàn Quốc nhưng từ đầu năm đến nay, nhiều khách hàng từ châu Âu liên hệ tìm nguồn cung viên nén trấu số lượng lớn. Giá viên trấu nén cũng từ mức 1.400 - 1.800 đồng/kg đã tăng thêm khoảng 2.000 đồng/kg tùy loại. Tuy nhiên Việt Nam lại không có đủ hàng để bán cũng như sản phẩm tương ứng thay thế. Theo Viện Năng lượng thuộc Bộ Công thương, tổng nguồn sinh khối của Việt Nam vào khoảng 118 triệu tấn mỗi năm. Riêng tiềm năng sinh khối phụ phẩm nông nghiệp của nước ta gồm rơm, rạ, trấu, bã mía và các loại nông sản khác lên đến gần 53,5 triệu tấn, tương đương 12,8 triệu tấn dầu thô.
NẤM RƠM GIẢM TỚI 10.000 ĐỒNG/KG
Giá nấm rơm tại các tỉnh ĐBSCL như Cần Thơ, Hậu Giang, An Giang, Đồng Tháp hiện giảm từ 5.000 - 10.000 đồng/kg so với cách nay khoảng 1 tháng. Hiện nấm rơm loại 1 có hình thức tròn, trắng đẹp được nông dân bán cho thương lái với giá 42.000-47.000 đồng/kg. Còn giá nấm rơm loại 2 giảm từ 35.000-40.000đồng/kg, xuống còn 30.000-35.000 đồng/kg. Theo các nhà vườn, với giá bán hiện nay, người trồng vẫn có lời nếu năng suất nấm cao. Nấm rơm giảm giá chủ yếu do nguồn cung tăng, trong khi tiêu thụ tại nhiều địa phương đang có phần chậm.
GIÁ LƯƠNG THỰC TOÀN CẦU LIÊN TỤC HẠ NHIỆT
Theo tổ chức Nông lương Liên hợp quốc - FAO, chỉ số giá lương thực tháng 9 đạt trung bình 136,3 điểm, giảm 1,1% so với tháng trước. Đây là lần giảm thứ sáu liên tiếp kể từ mốc cao kỷ lục 159,7 điểm vào hồi tháng 3. Tuy nhiên, mức ghi nhận trong tháng 9 vẫn cao hơn 5,5% so với cùng kỳ năm ngoái.FAO nhận định, mức giảm này có được nhờ giá dầu thực vật giảm 6,6% so với tháng trước do nguồn cung tăng và giá dầu thô giảm. Bên cạnh đó, giá đường, sữa, thịt cũng giảm nhẹ, làm giảm áp lực lạm phát. Ngược lại, giá ngũ cốc có chiều hướng tăng trở lại do lo ngại tình hình khô hạn, lũ lụt, gián đoạn chuỗi cung ứng trước xung đột Nga - Ukraine...