Tạo hệ sinh thái nghiên cứu cho các nhà khoa học tâm huyết. Bờ biển Cà Mau mỗi năm sạt lở 45 - 50 mét. Nhiều nông sản Việt đủ chất lượng thay thế sản phẩm nội địa của Nhật Bản. Sóc Trăng phấn đấu 80% sản lượng lúa là giống đặc sản.
TẠO HỆ SINH THÁI CHO CÁC NHÀ KHOA HỌC TÂM HUYẾT
Ngày 18/5, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo chiến lược phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành nông nghiệp và PTNT giai đoạn 2022-2030. Dự thảo chiến lược phát triển KHCN & đổi mới sáng tạo ngành NN-PTNT giai đoạn 2021-2030 được Bộ NN-PTNT xây dựng trên cơ sở thực hiện Quyết định 569 ngày 11/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành chiến lược phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo đến năm 2030. TS Nguyễn Thị Thanh Thủy, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ & môi trường cho rằng, với vị trí là cơ quan tham mưu, Vụ sẽ tiếp thu tất cả các ý kiến và luôn đồng hành với sự trăn trở, khó khăn vướng mắc của các nhà khoa học, các viện, trường để báo cáo với lãnh đạo Bộ, các cơ quan liên quan tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách. Từ đó, tạo được hệ sinh thái môi trường công khai minh bạch, một hệ sinh thái cho các nhà khoa học tâm huyết để tạo ra các sản phẩm khoa học thực sự đưa vào thực tiễn, góp phần phát triển ngành nông nghiệp bền vững.
BỜ BIỂN CÀ MAU MỖI NĂM SẠT LỞ 45-50 MÉT
Tỉnh Cà Mau có 3 mặt giáp biển, với đường bờ biển dài 254km. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Cà Mau, hiện có 189km đang trong tình trạng sạt lở. Trong đó, bờ biển Tây bình quân sạt lở từ 20-25m/năm, cá biệt có những nơi lên đến 50m/năm, bờ biển Đông bình quân sạt lở từ 45-50m/năm. Để khắc phục và hạn chế tình trạng sạt lở, tỉnh Cà Mau đã đầu tư hoàn thành hơn 41km kè, đang triển khai các bước để tiếp tục xây dựng 26km, đầu tư xây dựng đê biển Tây hơn 51km, với tổng vốn khoảng 486 tỉ đồng. Để đảm bảo hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai, tỉnh Cà Mau kiến nghị Trung ương tiếp tục đầu tư hệ thống kè, đê biển để bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân và khôi phục rừng phòng hộ ven biển.
NHIỀU NÔNG SẢN VIỆT ĐỦ CHẤT LƯỢNG THAY THẾ SẢN PHẨM NỘI ĐỊA CỦA NHẬT BẢN
Với dân số hơn 126 triệu người, Nhật Bản là thị trường có nhu cầu nhập khẩu và tiêu thụ lớn đối với các sản phẩm nông thủy sản trong khi Việt Nam được đánh giá nhà cung ứng tiềm năng những mặt hàng nông thủy sản cho thị trường Nhật Bản. Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, thủy sản của Việt Nam sang Nhật Bản năm 2021 đạt 1,8 tỷ USD, giảm nhẹ ở mức 0,5% so với năm 2020. Tuy vậy một số mặt hàng hoa quả Việt Nam cũng đang dần chiếm thị phần lớn và ngày càng phổ biến trên thị trường như thanh long, xoài, sầu riêng, dừa, vải thiều... Các chuyên gia nhận định khi mà hàng Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản đảm bảo được chất lượng tương đương cùng với giá bán thấp hơn thì sẽ có khả năng thay thế cho hàng hóa của các nước khác hoặc thay thế cho sản phẩm nội địa.
SÓC TRĂNG PHẤN ĐẤU 80% SẢN LƯỢNG LÚA LÀ GIỐNG ĐẶC SẢN
Trong năm 2021 vừa qua, tỉnh Sóc Trăng có 131 lượt công ty, doanh nghiệp và thương lái tham gia liên kết tiêu thụ diện tích gần 61.000 ha lúa, tăng 68% so cùng kỳ. Về tiêu thụ lúa 6 tháng đầu năm tương đối thuận lợi, giá lúa tăng so cùng kỳ năm trước từ 500-2.100 đồng/kg. Tuy nhiên, trong quý 3 năm 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc thu hoạch, vận chuyển, tiêu thụ gặp nhiều khó khăn, giá lúa vụ Hè thu giảm mạnh so cùng kỳ từ 500-1.600 đồng/kg. Lợi nhuận trong năm bình quân người dân thu được từ 8,6 - 26,3 triệu đồng/ha.
Trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, tỉnh Sóc Trăng phấn đấu nâng cao giá trị nông sản nhằm tăng thu nhập cho nông dân, tăng giá trị thu nhập đạt hơn 250 triệu đồng/ha. Trong đó, sản lượng lúa đặc sản, chất lượng cao chiếm hơn 80% sản lượng lúa của tỉnh. Để đạt được điều này, tỉnh đặt mục tiêu phát triển thương hiệu và nâng cấp chuỗi giá trị lúa-gạo đặc sản tỉnh, theo đó, tập trung các giống lúa nhóm ST, lúa Tài Nguyên mùa, thơm nhẹ theo hướng an toàn, thân thiện với môi trường, góp phần nâng cao thu nhập, sinh kế hộ nông dân trồng lúa, hướng đến phát triển nông nghiệp an toàn, bền vững.