Khoảng 700 lao động ở thị xã Ngã Năm tham gia đan lát thủ công từ cây năn tượng, loài cỏ dại thường mọc ở vùng sinh thái nước mặn, lợ vùng ĐBSCL, mang lại sinh kế bền vững.
Tạo sinh kế cho hàng trăm hộ từ cỏ dại
Nhờ đan lát thủ công từ cây năn tượng – một loại cỏ dại ở vùng sinh thái nước lợ, mặn ĐBSCL – HTX MCF Mỹ Quới (thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng) đang mang lại sinh kế bền vững cho khoảng 700 lao động nông nhàn nơi đây
Cỏ năn tượng là loài cây bản địa vùng ĐBSCL. Tuy là loài cỏ dại, năn tượng có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với đa dạng sinh học, được coi là thước đo sức khỏe của hệ sinh thái nước lợ, mặn nơi đây. Các nhà khoa học đã ghi nhận những đặc tính giúp cây cỏ năn tượng thích nghi và sống sót qua hàng nghìn năm, từ ngày châu thổ mới hình thành.
Sự ổn định của loài cây này còn góp phần cho sự chuyển đổi sinh kế cho bà con ở ĐBSCL. Tại Sóc Trăng, HTX MCF Mỹ Quới là HTX đầu tiên sử dụng nguyên liệu cỏ năn tượng để làm đồ thủ công mỹ nghệ. Thành lập vào cuối năm 2021 chỉ với 9 thành viên, Thông qua Hội Phụ nữ xã, tới nay HTX Mỹ Quới đã tập huấn dạy nghề đan miễn phí, nâng số lượng lên 700 lao động gia công. Số lao động nữ lên tới 80%, biến nghề đan đồ mỹ nghệ từ cỏ năn tượng thành nguồn thu nhập chính của nhiều hộ gia đình nơi đây.
Chị LÊ THỊ NGỌC QUYẾN là một trong những lao động trở về quê sau đợt dịch COVID-19 vì nhận thấy có cơ hội làm việc đan đồ mỹ nghệ tại địa phương phù hợp với nhu cầu và tình hình sức khỏe của chị.
Chị LÊ THỊ NGỌC QUYẾN – Công nhân HTX MCF Mỹ Quới
“Mình có gia đình rồi và có con nhỏ cho nên làm ở đây thì thuận tiện, con cái đi học mình có thể sắp xếp thời gian đưa rước được, công việc nhà vẫn làm được, làm công việc này nhưng vẫn có thời gian lo cho gia đình.
Năm [2021] khi được Hợp tác xã MCF hướng dẫn kỹ thuật đan đát từ cỏ năn tượng, chị Quyến tham gia học và chỉ vài tuần đã thành thục các mẫu mã khác nhau. Sau khi học nghề xong, thấy đây là công việc nhẹ phù hợp lứa tuổi lại không tốn chi phí vì nguyên vật liệu được Hợp tác xã MCF lo nên chị tiếp tục duy trì nghề.
Tùy theo mẫu sản phẩm, giá gia công đan giao động từ 14.000 - 31.000 đồng/giỏ. Hàng tuần, mỗi lao động như chị Quyến có thể kiếm được thu nhập từ 400 - 500.000 đồng.
Anh NGUYỄN VĂN TOÀN - Chủ nhiệm HTX MCF Mỹ Quới
“Người ta thấy cái việc này là cái việc nhàn rỗi dễ làm và người ta có thể tận dụng thời gian rảnh rỗi đó. Người ta làm thì có thu nhập đó thì mọi người sẽ giới thiệu với nhau, gắn kết với nhau để cho người ta làm. Và nhiều người gắn kết với nhau làm. Và hội phụ nữ cũng là một trong những người gắn kết, những đầu hội mình với nhau để cho nó giới thiệu, gắn kết với Hợp tác xã để làm sản phẩm.”
Từ cây cỏ dại thân thuộc, dồi dào tại vùng đất nhiễm mặn nặng, khó có thể canh tác lúa này đã trở thành nguyên liệu sinh thái, được gia tăng giá trị bởi tay nghề khéo léo của lao động địa phương.
Việc tăng thu nhập cũng đã giải quyết một số vấn đề quan trọng trong cộng đồng, bao gồm nhu cầu về việc làm, đặc biệt là đối với người lớn tuổi và trong thời gian nông nhàn. Điều này góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho sự phát triển bền vững tại những vùng đất nhiễm mặn ĐBSCL.