Thái Lan chi 65 triệu USD nhập khẩu sầu riêng đông lạnh của Việt Nam. Gần 100 người dân tham gia cứu hộ đê sông Tích. Sơn La thiệt hại 315 tỷ đồng do mưa lũ lịch sử. Nghề nuôi ốc hương phát triển mạnh trên đảo Phú Quốc.
Thái Lan chi 65 triệu USD nhập khẩu sầu riêng của Việt Nam
Minh Phúc khai thác
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, thời gian qua Thái Lan liên tục tăng nhập khẩu mạnh sầu riêng đông lạnh từ Việt Nam để phục vụ cho nhu cầu chế biến nội địa hoặc xuất đi một nước thứ 3.
Theo số liệu mà ông Nguyên cung cấp, trong 6 tháng đầu năm 2024, Thái Lan nhập khẩu 65 triệu USD giá trị sầu riêng đông lạnh từ Việt Nam, tăng 90% so với cùng kỳ.
Thái Lan có sản lượng và giá trị sầu riêng cao hơn Việt Nam nhưng vẫn tăng nhập sầu đông lạnh từ là do quốc gia này có thời vụ sầu riêng rất ngắn, chỉ 4 tháng. Trong khi vụ sầu riêng Việt Nam thì quanh năm. Bên cạnh đó, hạn hán nghiêm trọng khiến sầu riêng của Thái Lan bị sụt giảm nhiều về lượng lẫn chất, nên phải nhập khẩu để phục vụ nhu cầu nội địa và du khách.
Gần 100 người dân tham gia cứu hộ đê sông Tích
Hùng Khang - Đức Minh sx
Chiều và tối ngày 28/7, gần 100 người dân cùng đoàn viên thanh niên thôn Cấn Hạ, xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai, Hà Nội tất bật gia cố đê sông Tích, đoạn chảy qua địa bàn thôn Cấn Hạ.
Sau nhiều ngày bị ngập sâu trong nước, tuyến đê xuất hiện rò rỉ nước vào khu vực trồng lúa và hoa màu của người dân.
Trước nguy cơ vỡ đê, UBND xã Cấn Hữu đã phát loa thông báo, kêu gọi được 100 người dân và huy động hơn 500 bao tải gia cố đê tại khu vực bị rò rỉ dưới chân đê.
Theo lãnh đạo UBND xã Cấn Hữu, nếu không ngăn được nước trên đê sông Tích thì tình hình sẽ rất căng thẳng, khi đó hàng trăm hộ dân, nhiều trang trại sẽ ngập sâu trong nước.
Hiện nay nhiều khu vực của xã Cấn Hữu vẫn ngập sâu trong nước. Trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu hộ cứu nạn thành phố chỉ đạo các địa phương lên phương án ứng cứu đê trong trường hợp khẩn cấp, không để bị động bất ngờ.
Sơn La thiệt hại 315 tỷ đồng do mưa lũ lịch sử
Minh Phúc khai thác
Theo báo cáo của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Sơn La, do ảnh hưởng của cơn bão số 2, trên địa bàn tỉnh Sơn La đã xảy ra mưa lũ gây thiệt hại lớn về người, hoa màu, nhà cửa… Ước tổng thiệt hại khoảng 315 tỷ đồng.
Thống kê đến ngày 28/7, tổng số nhà thiệt hại 2.300 nhà, trong đó, 82 nhà phải di dời khẩn cấp; 222 nhà thiệt hại nặng; 59 nhà thiệt hại hoàn toàn; 1.105 nhà ngập nước… 8 điểm trường bị ảnh hưởng.
Về nông nghiệp, 1.688ha lúa mùa bị ngập và cuốn trôi; 238ha hoa màu, rau màu bị ngập; hơn 370ha cây trồng hàng năm và 161ha cây trồng lâu năm bị thiệt hại; 204ha ao nuôi cá… Ngoài ra, 187 con gia súc bị chết và hơn 9.500 con gia cầm bị cuốn trôi.
Nghề nuôi ốc hương phát triển mạnh trên đảo Phú Quốc
Văn Vũ sx
Do thu nhập cao, thị trường ưa chuộng, dễ nuôi và ít bị bệnh nên những năm qua, nghề nuôi ốc hương đang phát triển rất mạnh trên đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang
Theo các hộ nuôi, loại ốc này rất được ưa chuộng trên thị trường, nhất là các thành phố lớn, khu du lịch. Sau khi nuôi khoảng bốn tháng, từ 15kg ốc hương giống sẽ thu hoạch 1,8 tấn ốc thương phẩm. Giá bán tại vùng nuôi dao động từ 150.000-180.000 đồng/kg tùy thị trường, người nuôi có lãi trên 150-200 triệu đồng.
Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang cho biết, môi trường biển ở Phú Quốc là điều kiện tốt để phát triển nghề nuôi ốc hương nên nghề này đang phát triển mạnh trên đảo. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay của nghề nuôi ốc hương là khả năng cung cấp giống tại chỗ còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu tăng lên của người nuôi.