Vướng mắc trong kinh doanh tín chỉ carbon rừng. Hưng Yên vào vụ thu hoạch nhãn. Kiểm kê đất đai trên cả nước từ 1/8. Hà Nội sẽ đạt 2.000 sản phẩm OCOP trước một năm.
Thời gian qua, một số tỉnh như Quảng Nam, Sơn La, Lào Cai, Thanh Hóa đã đề xuất xây dựng và triển khai Đề án thí điểm đầu tư, kinh doanh tín chỉ carbon rừng. Tuy nhiên, đến nay các tỉnh này chưa thực hiện do thiếu quy định pháp luật và các hướng dẫn chi tiết.
Cục Lâm nghiệp – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng nêu một loạt khó khăn, vướng mắc trong triển khai dịch vụ carbon rừng. Đơn cử, chính sách và quy định pháp lý đã hình thành nhưng thiếu quy định, hướng dẫn chi tiết để có thể triển khai dịch vụ carbon rừng, bao gồm: quyền sở hữu carbon rừng, quy định về trao đổi, chuyển nhượng, cơ chế quản lý, sử dụng nguồn thu từ dịch vụ carbon rừng.
Hưng Yên vào vụ thu hoạch nhãn
Minh Phúc sx
Hiện một số địa phương trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đã bước vào vụ thu hoạch nhãn.
Theo ông Nguyễn Văn Tráng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hưng Yên, để quảng bá, nâng tầm thương hiệu nhãn, những năm qua, tỉnh đã chỉ đạo các ngành liên quan tổ chức các phiên chợ, hội chợ, các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm kết nối giao thương, đã mở rộng thị trường tiêu thụ nhãn quả tươi đến các địa phương trong cả nước và nước ngoài. Cùng đó, các sàn thương mại điện tử Voso, Lazada, Shopee, Sendo, ViettelPost, VNPTPost… đã tích cực cùng các hợp tác xã, nhà vườn đưa sản phẩm nhãn lên sàn thương mại điện tử để tiêu thụ với sản lượng lớn.
Năm nay, toàn tỉnh trồng khoảng 5.000ha nhãn. Các giống nhãn chủ yếu được trồng là nhãn đường phèn, nhãn hương chi, nhãn miền thiết, nhãn T6, nhãn siêu ngọt...
Kiểm kê đất đai trên cả nước từ 1/8
Minh Phúc khai thác
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các bộ, ngành liên quan, UBND các tỉnh, thành phố trên cả nước sẽ tổ chức kiểm kê đất đai từ 1/8. các đơn vị hành chính phải kiểm kê diện tích các loại đất và đối tượng đang quản lý, sử dụng; quản lý, sử dụng đất sân golf, sân bay; khu vực sạt lở, bồi đắp và đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường...
Các đơn vị hành chính kiểm kê, phải đánh giá được thực trạng tình hình quản lý, sử dụng đất, cũng như biến động trong 5 năm qua của từng địa phương, chấp hành pháp luật trong sử dụng đất. Đồng thời, qua việc này cũng làm rõ nguyên nhân, tồn tại và đề xuất biện pháp siết quản lý để nâng cao hiệu quả sử dụng đất.
Hà Nội sẽ đạt 2.000 sản phẩm OCOP trước một năm
Minh Phúc khai thác
Tính lũy kế từ năm 2019 đến nay TP Hà Nội đã đánh giá, phân hạng được 2.711 sản phẩm OCOP. Còn tính từ năm 2021 đến nay, TP đã đánh giá được 1.657 sản phẩm OCOP. So với mục tiêu đề ra trong giai đoạn 2021- 2025, Hà Nội sẽ có 2.000 sản phẩm được đánh giá, phân hạng OCOP. Như vậy, với nỗ lực, tốc độ phát triển như hiện nay, Hà Nội có nhiều khả năng sẽ đích trước một năm so với kế hoạch đề ra.
Theo Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới TP Hà Nội, Thủ đô hiện có 1.350 làng có nghề; hơn 5.000 sản phẩm nông sản được gắn mã truy xuất nguồn gốc bằng tem điện tử thông minh (QR code).