Quảng Bình đề xuất Trung ương trang cấp tàu kiểm ngư công suất 1.000CV. Có thể giảm 40% phát thải khí nhà kính trong canh tác lúa. Nghệ An gặp khó khi thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững. Nhiều diện tích lúa và hoa màu có nguy cơ mất trắng.
Quảng Bình đề xuất Trung ương trang cấp tàu kiểm ngư công suất 1.000CV
Tâm Phùng – Tâm Đức sx
Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, Phó trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (chống khai thác IUU) làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Quảng Bình về tình hình chống khai thác IUU.
Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo Sở NN-PTNT Quảng Bình cho biết: Công tác chống khai thác IUU đã được triển khai quyết liệt, nhận thức của cán bộ, ngư dân được nâng cao.
Công tác thanh tra, kiểm soát và xử lý vi phạm khai thác IUU được thực hiện có hiệu quả; đặc biệt, không có tàu cá khai thác hải sản trái phép tại vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, xử lý. Từ tháng 4/2024 đến nay, lực lượng chức năng đã xử lý 42 tàu kiểm ngư cá vi phạm, xử phạt hành chính hơn 300 triệu đồng.
Tỉnh Bình Định cũng đề xuất Trung ương trang cấp cho tỉnh tàu kiểm ngư công suất 1.000CV và trang thiết bị phục vụ công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến yêu cầu tỉnh Quảng Bình tăng cường hơn nữa công tác quản lý đội tàu cá; giám sát tàu cá, xử lý tàu cá vi phạm hành chính… thực hiện các giải pháp cụ thể hơn và chú trọng khắc phục những vấn đề còn hạn chế.
Có thể giảm 40% phát thải khí nhà kính trong canh tác lúa
Hồ Thảo sản xuất
Mới đây, tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ, Chủ tịch HĐQT Mỹ Lan Group, cho biết kết quả đo được trên cánh đồng mẫu tham gia Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao (thuộc xã Phước Hảo, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh) cho thấy mỗi hecta lúa trong giai đoạn 68 ngày tuổi phát thải ra 5,6kg khí metan mỗi ngày, tương đương 140 kg CO2.
Trong khi đó, nếu canh tác theo cách truyền thống, lượng phát thải đo được là 4,2 tấn khí nhà kính trên mỗi hecta trong một mùa. Nguyên nhân là do tình trạng canh tác lúa ngập nước liên tục gây yếm khí, dẫn đến phân hủy các chất hữu cơ như rơm, gốc rạ và rễ cây dưới đất, làm phát sinh khí metan. Đồng thời, việc sử dụng quá nhiều phân đạm cũng làm phát sinh khí N2O. Để giảm phát thải, nông dân cần tuân thủ quy trình canh tác giảm giống, giảm phân bón, giảm thuốc bảo vệ thực vật, giảm nước và giảm thất thoát khi thu hoạch. Điều này có thể giảm 40% lượng khí phát thải trên cùng diện tích.
Nghệ An gặp khó khi thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững
(Việt Khánh – Ngọc Linh)
Theo ghi nhận của Báo Nông nghiệp Việt Nam, quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững tại Nghệ An đang gặp vướng mắc chưa được tháo gỡ, kéo theo tốc độ giải ngân chậm, mức độ lan tỏa chưa được như kỳ vọng.
Đó là thực trạng chung tại các huyện vùng cao như Kỳ Sơn, Tương Dương, Quỳ Châu, Quế Phong. Chương trình giảm nghèo vền vững có nhiều điểm mới, một số văn bản, thông tư hướng dẫn của các Bộ, ngành còn chung chung, chưa rõ khiến nhiều huyện vừa làm vừa phải nghiên cứu văn bản nên lúng túng, bị động và mất thời gian.
Bên cạnh đó, năng lực, trình độ cán bộ cấp huyện, cơ sở còn hạn chế nên không nắm rõ quy trình thực hiện, quy định liên quan đến các dự án đầu tư, đặc biệt là Dự án 2 về “Đa dạng hóa sinh kế phát triển mô hình giảm nghèo”; hay Tiểu dự án 1 thuộc dự án 3 về “ Hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp”… tổng hòa các nguyên nhân dẫn đến không kịp phân bổ kinh phí thực hiện theo kế hoạch từng năm, bắt buộc phải chuyển nguồn sang các năm tiếp theo.
Nhiều diện tích lúa và hoa màu có nguy cơ mất trắng
Hùng Khang – Đức Minh sx
Thôn Đồng Dâu, xã Tốt Động, huyện Chương Mỹ hiện có gần 100 hộ dân với hơn 400 nhân khẩu.
Do ảnh hưởng của bão số 2 nên mực nước sông Bùi vẫn đang ở mức báo động 3 là 7 mét, mực nước sông cao sau nhiều ngày đã khiến nhiều diện tích lúa, hoa màu của người dân có nguy cơ mất trắng.
Ông Nguyễn Văn Thanh, người dân thôn Đồng Dâu cho biết, ngập lụt không chỉ nhà cửa bị ảnh hưởng, mà hơn 2 sào lúa cùng với hoa màu của gia đình ông vẫn đang ngập sâu trong nước. Nếu nước không rút nhanh thì gia đình ông có nguy cơ mất trắng.
Để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản, ổn định đời sống người dân, xã Tốt Động đã huy động lực lượng, ứng trực 24/24h để kiểm soát hoạt động giao thông khu vực ngập sâu, hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả...
TIN DỰ PHÒNG CHIỀU 28/7
Bà Rịa - Vũng Tàu đã giảm hơn 1.800 tàu cá (Lê Bình)
Lê Bình Sx
Sở NN-PTNT Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, từ năm 2017 đến nay tỉnh đã giảm hơn 1.800 tàu cá và hiện còn 4.450 tàu, trong đó 2.705 tàu hoạt động vùng khơi, chiếm hơn 60%.
Theo quy hoạch, lộ trình điều chỉnh cơ cấu nghề đến năm 2030, tỉnh sẽ tiếp tục giảm số lượng tàu cá tối thiểu thêm 12% để bảo đảm phát triển khai thác thủy sản hiệu quả và bền vững.
Đồng thời, chuyển đổi cơ cấu nghề khai thác thủy sản phù hợp với khả năng cho phép khai thác của nguồn lợi thủy sản, đặc biệt giảm tỷ trọng nghề lưới kéo (giã cào) trên biển, gắn phát triển sinh kế của cộng đồng ngư dân theo hướng phát triển nuôi trồng thủy sản, du lịch sinh thái, nghề cá giải trí.
Triển vọng nuôi ốc bươu đen trên diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả
Lê Khánh – Anh Nguyễn sx
Tận dụng diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả hoặc bỏ hoang, vừa qua, Hội nông dân xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng đã hỗ trợ người dân trên địa bàn triển khai thử nghiệm mô hình nuôi ốc bươu đen.
Sau hơn 1 tháng thực hiện, mô hình đang cho thấy tín hiệu tích cực, ốc bươu đen sinh trưởng, phát triển tốt, đạt tỷ lệ sống khoảng 80%. Việc chăm sóc ốc cũng không tốn nhiều công sức khi mỗi ngày chỉ cho ốc ăn 1 lần với các nguồn thức ăn dễ tìm kiếm ở địa phương như mướp, rau muống, bèo tấm,...
Theo ông Ngô Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Hoà Tiến, sau khi kết thúc thời gian thử nghiệm, xã sẽ đánh giá lại hiệu quả để lấy cơ sở triển khai, nhân rộng trên địa bàn trong thời gian đến. Điều này không chỉ giúp khai thác tối đa nguồn tài nguyên đất nông nghiệp bị lãng phí mà còn tăng thu nhập cho người nông dân.