Thái Lan rút ngắn nửa thời gian vận chuyển sầu riêng sang Trung Quốc. Giá chanh giảm 5.000 đồng/kg so với tháng trước. 12 cầu treo ở Thanh Hóa xuống cấp nghiêm trọng. 1.000m2 có thể thu được 200 triệu đồng/năm từ mô hình kinh tế tuần hoàn.
THÁI LAN RÚT NGẮN MỘT NỬA THỜI GIAN VẬN CHUYỂN SẦU RIÊNG SANG TRUNG QUỐC
Theo người phát ngôn Chính phủ Thái Lan, nước này đã xuất khẩu gần 478.000 tấnsầu riêng tươi sang Trung Quốc, tương đương 1,75 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm nay. Đây là kim ngạch xuất khẩu cao nhất cùng kỳ trong 30 năm qua. Kim ngạch xuất khẩu tăng vọt này nhờ việc khai thác tuyến đường sắt cao tốc Lào - Trung nằm trong hành lang thương mại biển - đất liền quốc tế mới. Tuyến đường này giúp Thái Lan giảm thời gian vận chuyển sầu riêng sang Trung Quốc từ 8-10 ngày xuống còn 4 ngày rưỡi, hạn chế tối đa hư hỏng trong quá trình vận chuyển.
GIÁ CHANH GIẢM 5.000 ĐỒNG/KG SO VỚI THÁNG TRƯỚC
Ghi nhận tại các tỉnh khu vực ĐBSCL, giá trái chanh và tắc tại nhiều địa phương hiện giảm hơn 50% so với cách nay hơn 1 tháng và đang ở mức khá thấp. Cụ thể, chanh không hạt đang được nông dân bán cho thương lái và các vựa thu mua ở mức 5.000 -6.000 đồng/kg. Còn trái tắc được bán với giá 4.000 - 5.000 đồng/kg. Ðây là mức giá thấp nhất kể từ đầu năm 2023 đến nay. Giá chanh và tắc giảm do nguồn cung tăng và nhu cầu tiêu thụ giảm khi bước vào mùa mưa. Ngoài ra, hiện nay, đầu ra xuất khẩu có phần chậm so với các tháng trước.
12 CẦU TREO Ở THANH HÓA XUỐNG CẤP NGHIÊM TRỌNG
Nhiều cầu treo tại các huyện miền núi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đưa vào sử dụng nhiều năm nhưng chưa được duy tu, bảo dưỡng nên hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng. Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 45 cầu treo dân sinh; trong đó có 12 cầu treo xuống cấp, hư hỏng nặng. Nhiều cầu treo xuống cấp khiến việc đi lại của người dân gặp khó khăn, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người và phương tiện khi lưu thông qua cầu.
1.000M2 CÓ THỂ THU ĐƯỢC 200 TRIỆU ĐỒNG TỪ MÔ HÌNH KINH TẾ TUẦN HOÀN
Tại tỉnh Hậu Giang, nhiều hộ dân đã tận dụng nguồn rơm sau thu hoạch để sản xuất nông nghiệp theo mô hình kinh tế tuần hoàn. Hiện mô hình đang phát triển mạnh tại các huyện Long Mỹ, thị xã Long Mỹ và Phụng Hiệp, với khoảng 30 hộ tham gia mô hình. Ông Phạm Văn Hùng, xã Long Phú, thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang chia sẻ, sau khi thu hoạch lúa thì rơm, rạ được tận dụng để trồng nấm hoặc nuôi bò bán thương phẩm và lấy phân nuôi trùng quế phục vụ nuôi thủy sản. Với diện tích đất khoảng 1000 m2, các sản phẩm sản xuất trong mô hình kinh tế tuần hoàn có thể thu lợi nhuận từ 150 - 200 triệu đồng mỗi năm.