Thặng dư thương mại toàn ngành Nông nghiệp trong 6 tháng trên 8 tỷ USD, tăng hơn 62%. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Dominicana thăm nhà máy MeatDeli. Trại lợn bốc mùi thối, công sở đóng cửa phòng để làm việc. Đình chỉ bếp ăn liên quan vụ hơn 100 công nhân nhập viện ở Hải Phòng.
Thông tin tới các cơ quan thông tấn báo chí tại buổi họp báo thường kỳ quý 2 năm 2024 diễn ra chiều nay (28/6), Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 6 tháng đầu năm ước đạt 29,2 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó có 7 sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD là cà phê, cao su, gạo, rau quả, hạt điều, tôm, sản phẩm gỗ. Cùng với đó, tổng kim ngạch nhập khẩu nông lâm thủy sản đạt khoảng 20,92 tỷ USD. Như vậy, thặng dư thương mại toàn ngành khoảng 8,28 tỷ USD, tăng 62,4%.
Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục tăng cường đầu tư cho hạ tầng thủy lợi, phòng chống thiên tai và logistics, phòng chống dịch bệnh trên cây trồng và đàn vật nuôi. Cùng với đó, ngành nông nghiệp xác định khoa học công nghệ vẫn là yếu tố tiên phong để phát triển chế biến sâu, gia tăng gía trị cho nông sản của Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Dominicana thăm nhà máy MeatDeli
Thanh Thủy - Linh Linh
Ngày 28/6, đoàn công tác Bộ Nông nghiệp Dominicana, do Bộ trưởng Limber Cruz dẫn đầu đã có chuyến tham quan Nhà máy chế biến & đóng gói thịt MEATDeli tại Hà Nam, thuộc tổ hợp chế biến thịt Tập đoàn Masan.
Đại diện của Masan và đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp Dominicana cũng trao đổi một số thông tin về phía Dominicana quan tâm như chất lượng con giống, quy trình chăm sóc, công nghệ làm thịt mát và chế biến ra sản phẩm cuối cùng.
Sau khi tham quan dây chuyền pha lóc đóng gói thịt lợn mát của Meatdeli, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Dominicana Limber Cruz cho rằng, đây là mô hình rất đáng học hỏi. Ông kỳ vọng phía Masan có thể duy trì mối quan hệ và mở rộng hợp tác với doanh nghiệp Dominicana thông qua đại sứ quán. Dominicana cũng là một quốc gia chú trọng vào ngành chăn nuôi, tuy nhiên đối với thịt gà, nước này phải nhập khẩu khoảng 50% để phục vụ nhu cầu trong nước.
Trại lợn bốc mùi thối, công sở đóng cửa phòng để làm việc
Quốc Toản sx
Trang trại chăn nuôi lợn công nghệ cao của Công ty CP Đầu tư nông nghiệp Agri-Vina ở xã Tân Phúc (huyện Lang Chánh, Thanh Hóa) lại tiếp tục gây mùi hôi thối, làm ảnh hưởng đến cuộc sống người dân địa phương.
Qua ghi nhận thực tế, những ngày qua, tại khu chăn nuôi của trang trại, việc xử lý mùi hôi thối từ quá trình chăn nuôi lợn chưa hiệu quả, nồng độ khí gây hôi thối còn cao bay vào khu dân cư khiến cuộc sống sinh hoạt của người dân bị ảnh hưởng. Tại công sở xã Tân Phúc sáng ngày 28/6, rất nhiều phòng ban phải đóng cửa để làm việc, một số cán bộ xã phải bịt khẩu trang để đảm bảo an toàn sức khỏe.
Trước thực tế trên, UBND huyện Lang Chánh đã có văn bản yêu cầu doanh nghiệp triển khai các biện pháp nhằm chấm dứt mùi hôi thối, nếu không giải quyết được thì trang trại phải tạm dừng hoạt động để xử lý. Tuy nhiên, tình trạng trên vẫn chưa được khắc phục triệt để.
Đình chỉ bếp ăn liên quan vụ hơn 100 công nhân nhập viện ở Hải Phòng
Ngày 28/6, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết đã nhận được báo cáo về vụ nghi ngờ ngộ độc thực phẩm xảy ra ở Nhà máy Đóng tàu Sông Cấm, thành phố Hải Phòng khiến 142 người nhập viện để điều trị.
Cục An toàn thực phẩm yêu cầu đình chỉ ngay hoạt động bếp ăn tập thể Nhà máy Đóng tàu Sông Cấm, đồng thời điều tra xác định rõ nguyên nhân vụ ngộ độc theo quy định, truy xuất nguồn gốc thực phẩm, lấy mẫu thực phẩm, bệnh phẩm để xét nghiệm tìm nguyên nhân.
Trước đó, sau bữa ăn trưa tại bếp ăn nhà máy đóng tàu Sông Cấm có địa chỉ ở xã An Hổng, huyện An Dương, công nhân xuất hiện triệu triệu chứng tê bì tay chân, ngứa, tức ngực, buồn nôn, đỏ da, khó thở,…
Theo Công ty đóng tàu Sông Cấm, từ sau tết nguyên đán 2024, công ty kí hợp đồng với Công ty TNHH Thành Hưng để đơn vị này cung cấp thực phẩm, chế biến suất ăn cho công nhân tại bếp ăn công ty. Về nguồn gốc thực phẩm như thế nào thì công ty không nắm chính xác.
Tin dự phòng
Chống dịch bệnh trên tôm nuôi trong mùa nắng nóng
Tâm Phùng – Tâm Đức sx
Từ đầu tháng 4 năm 2024 đến nay, tại tỉnh Quảng Bình có nhiều đợt nắng nóng kéo dài đã làm cho môi trường ao nuôi biến đổi đột ngột, nguy cơ xảy ra các loại dịch bệnh trên tôm nuôi.
Hiện, tổng diện tích thả nuôi tôm mặn lợ toàn tỉnh đạt gần 1.200 hecta. Thời gian gần đây, dịch bệnh đốm trắng đã xảy ra tại một số hộ nuôi thuộc các xã Hàm Ninh, Võ Ninh của huyện Quảng Ninh với tổng diện tích hồ nuôi tôm bị nhiễm bệnh gần 1 ha.
Nhằm hạn chế những tác động bất lợi của thời tiết nắng nóng và đảm bảo cho vụ nuôi thắng lợi, ngành NN - PTNT Quảng Bình khuyến cáo các hộ nuôi tôm theo dõi chặt chẽ khả năng di chuyển của tôm để phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường để có biện pháp xử lý kịp thời. Khi phát hiện tôm chết bất thường thì phải khai báo với thú y cơ sở hoặc chính quyền địa phương để thu mẫu xét nghiệm. Đồng thời thực hiện “3 không”, là không giấu dịch, không xả nước thải chưa qua xử lý, không xả bỏ tôm chết, tôm bệnh ra ngoài môi trường.
Tín hiệu khởi sắc xuất khẩu tôm
Trọng Linh sx
Thông tin từ Diễn đàn Phát triển nuôi tôm bền vững, giảm phát thải, thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL, vừa được Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức tại Cà Mau cho thấy, 6 tháng đầu năm 2024 tình hình thời tiết không thuận lợi cho nuôi tôm, tình trạng nắng nóng, xâm nhập mặn tại khu vực ĐBSCL gây ảnh hưởng đến tôm nuôi, nhiều địa phương xảy ra bệnh trên tôm ngay từ giai đoạn thả nuôi, như bệnh TPD tại Cà Mau, Trà Vinh..., các bệnh EHP, hoại tử gan tụy, đốm trắng vẫn tiếp tục xuất hiện và gây thiệt hại cho người nuôi tôm. Mặt khác, giá nguyên liệu, vật tư đầu vào phục vụ sản xuất vẫn tiếp tục tăng cao; xuất khẩu tôm các tháng đầu năm có tín hiệu tăng trở lại nhưng vẫn chậm, chủ yếu tập trung size tôm nhỏ, trong Quý II vấn đề tồn kho không còn nhiều, do nhu cầu tiêu dùng phục hồi. Dự báo, giá tôm có thể tăng vào quý III/2024. Do đó cần chủ động sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu thụ.